Soi chiếu Evergrande của Trung Quốc dưới lăng kính lịch sử Liên Xô

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà quan sát phương Tây đã mắc một sai lầm lớn hồi Chiến tranh Lạnh, đó là đánh giá quá cao Liên Xô. Gorbachev đã vô tình phá hủy Liên Xô bằng cách cố gắng cải tổ nó. Liệu điều tương tự có đang xảy ra với ông Tập và Trung Quốc? Mặc dù những cải cách của ông Tập đi ngược lại với Gorbachev - tức là trở về với chủ nghĩa Marx - Lenin, thay vì chuyển sang chủ nghĩa tự do - thì hậu quả có thể là giống nhau.

Hãy nhớ lại việc có bao nhiêu chuyên gia từng tin rằng Liên Xô sẽ vượt qua Mỹ. Nhà kinh tế học Paul Samuelson trong cuốn sách kinh tế có ảnh hưởng cực lớn của mình đã đưa ra một biểu đồ dự đoán rằng tổng sản lượng quốc gia (GNP) của Liên Xô sẽ vượt qua Mỹ vào một thời điểm nào đó từ năm 1984 đến năm 1997. Ấn bản năm 1967 của ông cho rằng điều ấy có thể xảy ra sớm vào năm 1977. Đến lần tái bản năm 1980, khung thời gian đã được dời lên giai đoạn 2002 - 2012. Biểu đồ này sau đó đã bị lặng lẽ loại bỏ.

Samuelson không phải là học giả người Mỹ duy nhất mắc sai lầm. Cuối năm 1984, chuyên gia John Kenneth Galbraith của Đại học Harvard vẫn khẳng định rằng: “Nước Nga sẽ thành công bởi trái ngược với các nền kinh tế công nghiệp phương Tây, nền kinh tế Nga tận dụng được tối đa nguồn nhân lực”.

Các nhà kinh tế học nhận ra được thực trạng tồi tệ của nền kinh tế kế hoạch, chẳng hạn như G. Warren Nutter của Đại học Virginia, là rất hiếm hoi. Và cũng rất ít các nhà sử học, ví dụ như Robert Conquest , có thể hiểu được mức độ của những tội ác tày trời mà Xô Viết sử dụng nhằm chống lại công dân của chính mình.

Đến nay chúng ta hẳn đã nhận ra Samuelson, Galbraith, và các cộng sự của họ đã sai như thế nào. Sau năm 1945, theo ước tính của nhà kinh tế học thiên tài Angus Maddison, quy mô nền kinh tế Liên Xô chưa bao giờ lớn hơn 44% so với nền kinh tế Mỹ. Đến năm 1991, GDP của Liên Xô chưa bằng 1/3 GDP của Mỹ.

Trung Quốc tất nhiên đã học được nhiều bài học kinh nghiệm từ Liên Xô. Bắt đầu từ cuối những năm 1970, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể khai thác các lực lượng thị trường để bành trướng và duy trì quyền lực của họ, nhưng họ sẽ không được nới lỏng sự kìm kẹp chính trị của Đảng. Nếu có một điều mà ĐCSTQ không bao giờ cho phép xảy ra, đó là một Mikhail Gorbachev của Trung Quốc.

Former head of the USSR Mikhail Gorbachev speaks during the presentation of his book "I Remain an Optimist" at a book store in Moscow on October 10, 2017. (Photo by Vasily MAXIMOV / AFP) (Photo by VASILY MAXIMOV/AFP via Getty Images)
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev phát biểu trong buổi giới thiệu cuốn sách "Tôi vẫn là người lạc quan (I Remain an Optimist)” tại một cửa hàng sách ở Moscow vào ngày 10/10/2017. (Ảnh: VASILY MAXIMOV / AFP qua Getty Images )

Trung Quốc cũng học hỏi và rút kinh nghiệm từ Mỹ. Sau khi Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, các nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc đã đến thăm Harvard và nhiều học viện khác để nghiên cứu nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ở đâu đó trong văn phòng của Chủ tịch Tập Cận Bình hẳn có một bản báo cáo mà họ đã viết vào thời điểm đó. Nếu có một điều khác mà ĐCSTQ không bao giờ cho phép xảy ra, thì đó là Khoảnh khắc Lehman của Trung Quốc.

Tuy nhiên, như nhà sử học vĩ đại người Anh A.J.P Taylor đã quan sát về hoàng đế Pháp Napoleon III, vị hoàng đế này đã “học được cách tạo ra những sai lầm mới từ những sai lầm trong quá khứ”. Liệu ông Tập có phải là một phiên bản Napoleon III ở Trung Quốc mà ĐCSTQ vô tình tạo ra hay không? Triều đại cầm quyền của ông Tập cũng được đánh dấu bằng sự phát triển cực thịnh của bất động sản (BĐS), như Paris của ngày hôm nay đã được thay đổi diện mạo bởi nam tước Georges-Eugène Haussmann - một thân tín của hoàng đế Napoleon III vậy.

Evergrande là một minh họa của mô hình kinh tế mà Trung Quốc đã phát triển trong những thập kỷ qua. Đây là nhà phát triển BĐS lớn thứ hai Trung Quốc, có tài sản ước tính lên đến 355 tỷ USD với 1.300 dự án phát triển. Tập đoàn này sử dụng khoảng 200.000 nhân viên và thuê 3-4 triệu lao động mỗi năm làm việc ở các công trình xây dựng.

Evergrande cũng là nhà phát triển BĐS mắc nợ nhiều nhất thế giới, với các khoản nợ nội bảng lên đến gần 2% và các nghĩa vụ ngoại bảng khoảng 1% GDP hàng năm của Trung Quốc.

Evergrande chỉ là một trong rất nhiều công ty BĐS sử dụng đòn bẩy tài chính cực mạnh ở Trung Quốc. Chỉ có điều, tập đoàn này đã đẩy đòn bẩy lên mức cao nhất, vì vậy mà nó trở thành doanh nghiệp đầu tiên gặp rắc rối khi chính quyền Trung Quốc đưa ra “3 lằn ranh đỏ”. Chính sách này quy định: Tỷ lệ nợ/tài sản của một nhà phát triển bất động sản phải dưới 70%; tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu dưới 100%; và tỷ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn tối thiểu là 100%. Evergrande đã giẫm lên cả 3 lằn ranh này, và rất nhiều doanh nghiệp BĐS khác cũng thế. Chỉ có 1 trong số 15 nhà phát triển BĐS lớn nhất Trung Quốc hoàn toàn đạt được các tiêu chuẩn mà ĐCSTQ mới đặt ra, theo nguồn tin của South China Morning Post.

Khi chính quyền Trung Quốc quyết định xử lý 1 đại diện để ‘cảnh cáo’ các doanh nghiệp khác, thì chúng ta đều biết điều gì sẽ xảy ra, và đó không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - thậm chí không phải là một cuộc khủng hoảng trong nước. Có thể sớm thôi, ĐCSTQ sẽ thông qua một quá trình phá sản và tái cơ cấu chính thức. Những người có vị thế cao về mặt chính trị sẽ bị xử lý nhẹ; những người chỉ ‘dùng được một lần’ sẽ mất hết; và một số giám đốc điều hành hàng đầu sẽ phải vào tù. Đó là những gì đã xảy ra với tập đoàn hàng không HNA vào năm 2018 và ngân hàng Baoshang vào tháng 5/2019.

Theo Houze Song, cuộc khủng hoảng Evergrande là hậu quả của một sai lầm trong chính sách, bởi “các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc… đã quá bận tâm đến việc bóp nghẹt bong bóng BĐS… và đã yêu cầu phía ngân hàng cắt giảm các khoản vay thế chấp”. Sự hạn chế các khoản vay thế chấp đã khiến giá nhà đất đi xuống, đẩy Evergrande đến bờ vực vỡ nợ. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ dần được kiểm soát bởi vì:

1) Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ nới lỏng chính sách thế chấp để làm nhẹ bớt tình trạng khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực BĐS;

2) Doanh số bán BĐS sẽ tăng trở lại bởi nhu cầu về nhà ở vẫn còn cao;

3) Các công ty dễ bị tổn thương hơn sẽ có thể bán tài sản của họ (ví dụ: đất đai) để huy động tiền mặt.

Rõ ràng, khoảnh khắc Lehman khó có thể xảy ra ở Trung Quốc. Hệ thống tài chính do nhà nước kiểm soát sẽ xử lý các cuộc khủng hoảng ‘một cách có kiểm soát’, mục đích là để tạo nên "bài học răn đe" - chứ không phải để kích hoạt kiểu điều hành ngân hàng mà đã đẩy hệ thống tài chính toàn cầu đến điểm sụp đổ như năm 2008.

Tuy vậy, Trung Quốc tuy có thể tránh được sự lây lan khủng hoảng trong hệ thống tài chính nhưng không nhất thiết tránh được sự lây lan ở mức độ kinh tế vĩ mô. Như hai nhà kinh tế học Ken Rogoff của Đại học Harvard và Yuanchen Yang của Đại học Thanh Hoa đã chỉ ra trong một bài báo hồi năm ngoái rằng, BĐS trên thực tế đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế Trung Quốc so với nền kinh tế Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính. Tác động của các hoạt động liên quan đến BĐS lên tới 18,9% GDP của Mỹ vào năm 2005, trong khi con số này ở Trung Quốc năm 2016 là 28,7%. Không có quốc gia nào trong số 10 quốc gia khác trong tập hợp nghiên cứu của hai nhà kinh tế học có chỉ số cao như Trung Quốc, ngoại trừ Tây Ban Nha với mức 28,7% vào năm 2006.

Tổng cộng, khoảng 27% các khoản vay ngân hàng Trung Quốc đến từ lĩnh vực BĐS. BĐS là hình thức thế chấp chủ yếu để chứng khoán hóa khoản vay. Năm 2017, gần 18% lực lượng lao động thành thị làm việc trong lĩnh vực BĐS và các ngành liên quan. Trong năm 2018, việc bán đất của chính quyền địa phương chiếm tới 35% doanh thu của họ.

Giống như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản trong bong bóng nhà đất cuối những năm 1980, giá trị thị trường của cổ phiếu nhà ở của Trung Quốc hiện cao hơn gấp đôi của Mỹ và gấp ba của châu Âu. Điều này có nghĩa là tài sản nhà ở chiếm tỷ trọng lớn hơn đáng kể trong tổng tài sản ở Trung Quốc (78%) so với ở Mỹ (35%). Hai ông Rogoff và Yang kết luận rằng, tiêu dùng của các hộ gia đình ở Trung Quốc do đó “nhạy cảm với sự giảm giá nhà ở” hơn nhiều so với ở Mỹ và Nhật Bản. “Hoạt động BĐS giảm 20% có thể dẫn đến GDP giảm 5-10%, ngay cả khi không có sự khuếch đại từ cuộc khủng hoảng ngân hàng, hay từ việc lấy BĐS làm tài sản thế chấp”.

Nói một cách đơn giản, tăng trưởng của Trung Quốc đã được thúc đẩy trong nhiều năm nhờ vào việc xây dựng, từ đó khiến nguồn cung nhà ở dư thừa. Điều này đã tạo nên một núi nợ không bền vững. Như nhà kinh tế Michael Pettis đã nhận xét, “tỷ lệ nợ/GDP chính thức của Trung Quốc đã tăng gần 45 điểm phần trăm trong 5 năm qua, trở thành một trong những tỷ lệ nợ cao nhất đối với bất kỳ quốc gia đang phát triển nào trong lịch sử”.

So với quy mô nền kinh tế, nợ đến từ khu vực doanh nghiệp phi tài chính của Trung Quốc hiện tại thậm chí còn lớn hơn ở Nhật Bản vào cuối những năm 1980. Các tòa nhà và các khoản nợ liên tục cao lên, trong khi lực lượng lao động Trung Quốc lại bắt đầu giảm thấp. Với tỷ lệ sinh giảm, Liên hợp quốc dự báo tổng dân số Trung Quốc sẽ giảm khoảng 25% - thậm chí có thể là 50% - vào cuối thế kỷ này.

Kết quả là, khoảng 1/5 đến 1/4 nguồn cung nhà ở của Trung Quốc đã và sẽ trở thành những ‘tòa nhà ma’, ‘thành phố ma’. Ông Logan Wright của Tập đoàn Rhodium ước tính rằng, số BĐS trống ở Trung Quốc có thể chứa đến hơn 90 triệu người.

Ngày 27/8/2021, 15 toà nhà trong dự án Liyang Star City ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc đã bị phá huỷ bằng chất nổ trong 45 giây. Đây là một trong những ‘dự án ma’ của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình Weibo)
Ngày 27/8/2021, 15 toà nhà trong dự án Liyang Star City ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc đã bị phá huỷ bằng chất nổ trong 45 giây. Đây là một trong những dự án ma ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình Weibo)

Cuộc khủng hoảng BĐS có hậu quả lớn hơn nhiều so với việc Evergrande tái cấu trúc. Các nhà phát triển BĐS khác, như Fantasia, đang phải chịu áp lực to lớn. Doanh số bán nhà đang giảm. Việc bán đất của chính quyền địa phương cũng như vậy. Các ngân hàng đang bị áp lực đè nặng. Các nhà sản xuất thép vốn từ lâu trở nên giàu có nhờ hoạt động xây dựng của Trung Quốc cũng đang bị liên lụy. Và tất nhiên, việc giá căn hộ giảm làm giảm tài sản hộ gia đình - như Rogoff và Yang đã phân tích ở trên - sẽ có một tác động lớn đến tiêu dùng. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm từ 8,5% trong tháng 7 xuống còn 2,5% vào tháng 8, mặc dù điều này cũng phần nào phản ánh tác động đến từ các hạn chế chống Covid-19. Việc giảm tăng trưởng này được dự báo sẽ kéo dài đến tháng 9 và tháng 10.

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã bị thổi phồng bởi lạm dụng đòn bẩy, và tốc độ tăng trưởng thực sự có lẽ chỉ bằng một nửa so với số liệu được công bố. Một số nhà kinh tế đã dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ khoảng 4% trong thập kỷ tới. Leland Miller của China Beige Book thậm chí còn cho rằng tỷ lệ này là 1- 2% trong 10 năm tới.

Sẽ rất thú vị khi xem liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong Triển vọng Kinh tế Thế giới hay không. Quay trở lại mùa hè năm 2020, IMF cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9,2% trong năm 2021 và 5,7% vào năm 2022. Con số dự đoán đưa ra vào năm 2021 đã được hạ xuống 8,1% cho năm 2021 và 5,4% cho năm 2023.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mắc sai lầm. Trong 15 tháng tính đến tháng 6/2021, họ đã rót 527 tỷ USD vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Một phần lớn số tiền đó đã thông qua thị trường trái phiếu đô la ở nước ngoài để đầu tư vào các khoản nợ BĐS có lợi suất cao. Các quỹ nắm giữ các khoản nợ của Evergrande có Fidelity International, UBS Asset Management, Amundi Asset Management SA, và BlackRock. Điều đáng chú ý là vào ngày 03/08, George Soros đã cảnh báo các nhà đầu tư vào Trung Quốc rằng họ sẽ phải đối mặt với “một sự thức tỉnh tàn khốc”.

Alexis de Tocqueville đã viết trong cuốn “Chế độ cũ và Cuộc cách mạng”: “Kinh nghiệm chỉ ra rằng, thời điểm nhạy cảm nhất đối với các chính phủ đang hoạt động yếu kém là thời điểm họ tiến hành những cải cách đầu tiên”. ​​Gorbachev đã vô tình phá hủy Liên Xô bằng cách cố gắng cải tổ nó. Liệu điều tương tự có xảy ra với ông Tập - một người ghét Gorbachev - và Trung Quốc? Mặc dù những cải cách của ông Tập đi ngược lại với Gorbachev - tức là trở về với chủ nghĩa Marx - Lenin, thay vì chuyển sang chủ nghĩa tự do - thì hậu quả có thể là giống nhau.

Phía trên là phân tích của tác giả Niall Ferguson đăng trên Bloomberg Opinion, và được NTDVN lược dịch. Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Lê Minh

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Soi chiếu Evergrande của Trung Quốc dưới lăng kính lịch sử Liên Xô