Sốc: Kết quả điều tra cho thấy, các nhà lãnh đạo World Bank và Giám đốc IMF đã tác động để tăng thứ hạng của Trung Quốc trong Báo cáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong điều tra về loạt báo cáo "Doing Business" (Môi trường kinh doanh các nước) của mình, đã phát hiện ra các vấn đề đạo đức nghiêm trọng đến mức quyết định dẹp luôn loạt báo cáo hàng năm, theo thông cáo ngày 16/9 vừa qua.

Lại một vụ bê bối có liên quan đến Trung Quốc

Điều tra cho thấy có bê bối liên quan điểm số cho Trung Quốc trong quá khứ. Cụ thể, xếp hạng của Trung Quốc trong báo cáo "Kinh doanh 2018" được công bố vào tháng 10 năm 2017, đã tăng bảy bậc lên vị trí thứ 78 sau khi thực hiện các thay đổi về phương pháp dữ liệu so với dự thảo ban đầu.

Ngân hàng Thế giới cho biết: "Những thay đổi đối với dữ liệu của Trung Quốc trong Kinh doanh 2018 dường như là kết quả của hai loại áp lực khác nhau mà ban lãnh đạo ngân hàng áp đặt lên những nhân viên làm báo cáo".

Cuộc điều tra do công ty luật WilmerHale thực hiện. Báo cáo của họ được gửi cho ban giám đốc World Bank hôm 15/9 và được đồng ý cho công bố.

Trong báo cáo này, đương kim Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, từng làm ở World Bank, đã bị nêu tên với cáo buộc là đã gây sức ép để nâng điểm cho Trung Quốc.

Bà Kristalina Georgieva tuyên bố rằng bà không đồng tình về kết luận điều tra:"Tôi không đồng ý về cơ bản với những phát hiện và cách giải thích của Cuộc điều tra về sự bất thường về dữ liệu vì nó liên quan đến vai trò của tôi trong báo cáo Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018".

Báo cáo Doing Business của World Bank đóng một vai trò quan trọng đối với các thị trường mới nổi, bởi vì chính phủ của các quốc gia này luôn cố gắng tăng thứ hạng để kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Nhưng việc xếp hạng đã là nguồn gốc của cuộc tranh luận sôi nổi trong những năm gần đây, đến mức mà, ông Paul Romer, kinh tế trưởng của World Bank, đã phải từ chức vào năm 2018 sau khi đặt câu hỏi về những thay đổi trong thứ hạng của Chile trong báo cáo.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ, cơ quan quản lý cổ phần chi phối của Mỹ trong IMF và World Bank, cho biết họ đang phân tích “những phát hiện nghiêm trọng” này. Trả lời phỏng vấn của Reuters, người phát ngôn Bộ Tài chính Alexandra LaManna nói: “Trách nhiệm chính của chúng tôi là duy trì tính toàn vẹn của các tổ chức tài chính quốc tế”.

IMFC members pose for a photograph April 15, 2016 at the IMF Headquarters in Washington, DC. The IMF/World Bank Spring Meetings are being held in Washington this week. (Ảnh: Flickr)
Các thành viên IMFC chụp ảnh ngày 15 tháng 4 năm 2016 tại Trụ sở IMF ở Washington, DC. (Ảnh: Flickr)

Kết quả điều tra nói gì?

Báo cáo cho biết, sự việc diễn ra vào thời điểm ban lãnh đạo Ngân hàng “bận rộn với các cuộc đàm phán nhạy cảm” để tìm kiếm sự nguồn hỗ trợ vốn lớn từ Trung Quốc. Đó cũng là thời điểm các quan chức Trung Quốc muốn tiếp cận các quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới vì lo ngại về điểm số của nước này.

Bà Georgieva nói với các nhà điều tra của WilmerHale rằng “chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa và Ngân hàng đang gặp“ rắc rối rất lớn ”nếu chiến dịch không đạt được mục tiêu”.

Và chuyện gì đã xảy ra? Trong năm 2018, Ngân hàng Thế giới công bố việc tăng vốn 13 tỷ USD, đẩy cổ phần cổ phần của Trung Quốc lên 6.01% từ 4.68%.

Theo báo cáo, trong năm 2017, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần thuyết phục ông Kim và các quan chức cấp cao khác của World Bank rằng báo cáo Kinh doanh năm 2017 không phản ánh được những nỗ lực của Trung Quốc.

Báo cáo cũng lưu ý rằng, một tháng trước khi báo cáo được công bố, trong một bữa tối giữa bà Georgieva và một quan chức Trung Quốc hôm 14/10/2017, người này đã nhấn mạnh vai trò "người chịu trách nhiệm" của bà Georgieva tại Ngân hàng để "đảm bảo" những cải cách của Trung Quốc được ghi nhận.

Báo cáo của WilmerHale cho biết, khi báo cáo dự thảo năm 2018 cho thấy Trung Quốc tụt 8 bậc xuống 85, các nhân viên cấp cao trong văn phòng của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới lúc bấy giờ là Jim Yong Kim đã tạo ra các "áp lực trực tiếp và gián tiếp" lên các nhân viên ở đây để thay đổi cách thức làm báo cáo nhằm nâng cao điểm số của Trung Quốc, bao gồm cả việc kết hợp dữ liệu từ Đài Loan và Hồng Kông vào điểm số của đại lục. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó sau đó đã bị loại bỏ vì lý do chính trị. Việc thay đổi đó thậm chí có thể đã diễn ra dưới sự chỉ đạo của ông này.

Điều tra nói rằng bà Georgieva "trực tiếp can dự" trong việc nâng hạng cho Trung Quốc và có một lần đã mắng giám đốc World Bank tại Trung Quốc vì làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc.

Kết quả điều tra của WilmerHale cho thấy, bà Georgieva đã yêu cầu một người tên là “Mr. Djankov” chịu trách nhiệm về báo cáo cho đến khi ra kết quả cuối cùng. Ông này sau đó đã làm việc với các nhân viên ở đây để “xác định những thay đổi đối với dữ liệu của Trung Quốc nhằm làm tăng điểm số của nước này”.

Các nhân viên cuối cùng đã tìm thấy 3 điểm trong dữ liệu có thể thay đổi để nâng cao điểm số của Trung Quốc mà không ảnh hưởng đến thứ hạng của các quốc gia khác.

Trụ sở của Nhóm Ngân hàng Thế giới vào ngày 3 tháng 5 năm 2013 tại Washington, DC. (BRENDAN SMIALOWSKI/AFP qua Getty Images)
Trụ sở của Nhóm Ngân hàng Thế giới vào ngày 3 tháng 5 năm 2013 tại Washington, DC. (BRENDAN SMIALOWSKI/AFP qua Getty Images)

Sau khi bà Georgieva được thông báo về những thay đổi kể trên, bà đã cảm ơn một nhân viên vì đã giúp đỡ "một chút cho chủ nghĩa đa phương". Vào cuối tháng 10/2017, trước khi báo cáo công bố, bà Georgieva lái xe tới nhà viên chức phụ trách nhóm Doing Business để nhận bản báo cáo. Theo điều tra, bà cảm ơn viên chức này vì giúp "giải quyết vấn đề" về thứ hạng của Trung Quốc.

Bà Georgieva, khi được phỏng vấn cho điều tra, nói bà không thể nhớ vì sao bà phải đến tận nơi lấy báo cáo thay vì chờ nó gửi tới văn phòng.

Các nhân viên trong nhóm này cho biết, họ biết những thay đổi dữ liệu là không phù hợp nhưng “cảm thấy rằng họ không thể thách thức mệnh lệnh từ Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành của Ngân hàng vì như vậy sẽ là mạo hiểm đối với công ăn việc làm của họ”.

Điều tra của WilmerHale cũng trích dẫn những bất thường trong dữ liệu được sử dụng để xác định thứ hạng cho Saudi Arabia và Azerbaijan trong báo cáo Doing Business 2020, được công bố vào năm 2019.

Sau khi công bố kết quả điều tra hôm 16/9, World Bank đã ra thông cáo rằng họ sẽ ngừng thực hiện báo cáo Doing Business hàng năm: "Sau khi xem xét tất cả các thông tin cho đến nay về Doing Business, bao gồm các phát hiện trước đó, kiểm toán và báo cáo mà Ngân hàng đã công bố hôm nay thay mặt Ban Giám đốc điều hành, Ban Quản lý quyết định chấm dứt Doing Business".

"Ngân hàng Thế giới vẫn cam kết kiên quyết thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển và hỗ trợ các chính phủ thiết kế môi trường pháp lý hỗ trợ điều này. Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách tiếp cận mới để đánh giá môi trường đầu tư và kinh doanh", World Bank viết.

Lê Minh - Mộc Trà

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sốc: Kết quả điều tra cho thấy, các nhà lãnh đạo World Bank và Giám đốc IMF đã tác động để tăng thứ hạng của Trung Quốc trong Báo cáo