Số liệu kinh tế tháng 8 đáng buồn trong cơn bão biến thể Delta

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng cục thống kê vừa công bố số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021. Không ngoài các dự báo trước đó, nền kinh tế tiếp đà suy giảm sâu hơn sau 4 tháng chật vật trong đại dịch, các khu vực kinh tế đóng góp chính vào tăng trưởng GDP đều đang giảm sâu. Hộ gia đình và doanh nghiệp đặc biệt khó khăn trong khi lạm phát bắt đầu tăng nhẹ vì giá lương thực tăng tại các địa phương có dịch.

Sản xuất đình đốn

Sản xuất công nghiệp là khu vực mang lại động lực lớn nhất cho tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, sức khỏe của khu vực này đã suy giảm mạnh mẽ. Vào tháng Tư năm 2021, trang tin dangcongsan.vn trích nguồn tin dự báo từ chính phủ kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ tăng 9,5% so với 2020, đóng góp 3,5% vào tăng trưởng GDP. Đại dịch đã làm bay mất mọi kỳ vọng phục hồi như vậy.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 cũng như kỳ vọng tăng 9,5% trong năm 2021.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng, ngành chủ lực của khu vực công nghiệp chỉ tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong các giai đoạn không có đại dịch, mức tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo thường đạt bình quân từ 9,5-12%/năm.

Tiêu dùng giảm mạnh 4 tháng liên tiếp, tháng sau giảm nhiều hơn tháng trước

Dịch bệnh, mất việc làm, giá lương thực tăng trong khi các gói cứu trợ trực tiếp tới hộ gia đình còn hạn chế khiến tiêu dùng trong nước suy giảm mạnh sau gần một năm phục hồi nhẹ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (đã trừ yếu tố giá, cộng dồn so cùng kỳ) suy giảm mạnh 4 tháng liên tiếp, tháng sau giảm mạnh hơn tháng trước .

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ từ 1/2017 - 8/2021 (Nguồn số liệu: TCTK, NTDVN tổng hợp)
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ từ 1/2017 - 8/2021 (Nguồn số liệu: TCTK, NTDVN tổng hợp)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%).

Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 6,2%, mức giảm này sâu hơn cùng kỳ năm 2020 là - 5,8%.

Mỗi tháng có 10,687 doanh nghiệp phải từ bỏ thị trường

Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Vào tháng 05/2021, NTDVN có dự báo về virus Vũ Hán có thể thổi bay 2% tăng trưởng GDP của Việt Nam (thậm chí hơn nữa) nếu dịch bệnh kết thúc vào tháng 7. Tuy nhiên, tình hình đã trở nên trầm trọng hơn. Hiện tại, kỳ vọng GDP năm 2021 tăng trưởng ở mức 4,5% như dự báo của NTDVN hồi tháng năm, cùng là mức dự báo gần đây của WB là không còn khả thi.

Thanh Đoàn

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Số liệu kinh tế tháng 8 đáng buồn trong cơn bão biến thể Delta