SMEs của Mỹ khó trăm bề do chính sách cực tả của Biden và ‘áp bức’ từ ông lớn công nghệ bán lẻ 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Mỹ được hỗ trợ nhiều nhất so với một số nền kinh tế khác trong đại dịch nhưng chính sách cực tả của chính quyền Biden mới là đòn đánh chí mạng vào sự phục hồi và tương lai sau đại dịch của khu vực này. Không chỉ vậy, ông lớn công nghệ bán lẻ Mỹ còn giúp Trung Quốc loại bỏ hàng trăm nghìn SMEs Mỹ ra khỏi thị trường bằng thông tin bất minh, các đòn cạnh tranh ‘bẩn’. 

Gần đây, theo một khảo sát từ statistic cho thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ than phiền các khó khăn lớn nhất đến từ Lao động, Thuế, chính sách của chính quyền và lạm phát. Có vẻ như, tiền rẻ của Mỹ không hề làm giảm bớt khó khăn và rủi ro cho khu vực kinh tế quan trọng này.

Thay vào đó, thuế thu nhập cá nhân (nhiều chủ doanh nghiệp SMEs ở Mỹ đóng thuế theo hình thức pass-through, trả thuế của doanh nghiệp mình làm chủ theo hình thức thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp tăng vọt, lạm phát và đặc biệt là chính sách phúc lợi cao hơn cả lương trả cho người thất nghiệp là các đòn giáng mạnh vào khu vực SMEs của Mỹ.

Nhưng không chỉ vậy, ‘cú bắt tay’ của chính các ông lớn công nghệ bán lẻ tại Mỹ với Trung Quốc cũng tạo thêm một tầng áp bức nữa lên SMEs của Mỹ. Nhiều cửa hàng, thương hiệu của SMEs Mỹ buộc phải rời bỏ thị trường vì không thể cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc bán trên thị trường Mỹ. Các sản phẩm, doanh nghiệp của Trung Quốc được nhóm ông lớn này che giấu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để đánh lừa người tiêu dùng, đồng thời triệt hạ doanh nghiệp SMEs nội địa Mỹ.

Khảo sát của Statistic về đánh giá khó khăn của SMEs Mỹ (Nguồn: Statistic)

Người đang có việc muốn lương cao hơn, công việc linh hoạt hơn

Theo một cuộc khảo sát Người tìm việc của Bankrate vào tháng 8/2021 vừa qua, tới 55%, hơn một nửa số người Mỹ đang có việc làm, những người đang tham gia lực lượng lao động muốn tìm việc làm mới trong 12 tháng tới. Lưu ý rằng đây không phải là cuộc khảo sát những người thất nghiệp, tất cả người trả lời đều là người lao động đang có việc làm. Những người muốn thay đổi công việc chủ yếu ở nhóm người trẻ, ở nhóm thu nhập thấp (chủ yếu là lao động phổ thông).

Nhóm người muốn thay đổi việc làm chủ yếu ở lực lượng lao động trẻ, có độ tuổi từ 18-25 và nhóm từ 25-40. Nhóm này đồng thời cũng là nhóm có mức thu nhập bình quân ở mức thấp trong mẫu khảo sát.

Con số hơn một nửa số lao động Mỹ muốn thay đổi công việc khác với mức lương cao hơn cho thấy mức kỳ vọng cao hơn của người lao động vào lương, môi trường làm việc và tương lai. Ở chiều ngược lại, các nhà kinh tế học và các ông chủ doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, không khỏi bất an.

Người thất nghiệp thì không muốn đi làm

Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, những lời phàn nàn về tình trạng thiếu lao động đã nóng lên trong nhiều tháng, với khoảng 10,1 triệu việc làm hiện đang nhiều hơn 8,7 triệu người thất nghiệp, theo số liệu mới nhất từ ​​Bộ Lao động.

Các nhà lập pháp chỉ ra rằng việc hạn chế chăm sóc trẻ em và những lo ngại liên quan đến virus là khiến người lao động lựa chọn thất nghiệp chủ động. Nhưng thực tế, chính sách phúc lợi quá cao người thất nghiệp của chính quyền ông Biden đã khiến nhiều người Mỹ lựa chọn ở nhà thay vì đi làm. Khoảng 20% ​​trong số những người trong cuộc thăm dò của Bankrate cho biết rằng họ hiện đang thất nghiệp, một nửa trong số đó (10%) cho biết họ hiện không tìm kiếm một công việc mới.

Giờ đây, các doanh nghiệp tái khởi hoạt động kinh doanh của họ sau đại dịch lại phải cạnh tranh với trợ cấp thất nghiệp; chính sách được đưa ra bởi chính quyền liên bang. Đó thực sự là những gì đang xảy ra trên đất Mỹ.

Rõ ràng, có một nghịch lý ở đây: Các công ty chật vật với tình trạng thiếu hụt lao động, trong khi đó vẫn còn gần chục triệu người đang không có việc làm (con số này duy trì trong vòng 6 tháng trở lại đây). Tỷ lệ trong 3 tháng gần đây luôn duy trì ở mức kỷ lục (trên 2.4%). Chuyện gì đã xảy ra với các “giá trị Mỹ”? Câu trả lời là trợ cấp quá hào phóng triệt tiêu ‘giá trị Mỹ’

Hãy bắt đầu với những gói kích thích tài khóa khổng lồ của chính phủ Mỹ. Tình trạng không chịu kiếm việc làm xảy ra 2 tháng kể từ khi ông Biden ký gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Gói này đã tăng thêm 6 tháng trợ cấp thất nghiệp liên bang, trả thêm cho những người lao động thất nghiệp 300 USD mỗi tuần trên số tiền trợ cấp thất nghiệp của từng tiểu bang.

Mùa xuân vừa qua mỗi người Mỹ được phát không 1.400 USD tiền mặt. Không ít người sau khi nhận được khoản trợ cấp hậu hĩnh đã nghỉ việc để … ngồi chơi. Hiện nay, khoảng 40% người thất nghiệp có thể thà ngồi nhà nhận trợ cấp còn kiếm được nhiều tiền hơn so với công việc trước đó của họ.

Con số này hoàn toàn tương thích với một nửa số người đang thất nghiệp trong khảo sát của Bankrate trả lời rằng họ không có nhu cầu tìm việc làm. Nói cách khác, họ là những người lựa chọn thất nghiệp chủ động vì phúc lợi quá cao.

Chính sách phúc lợi cực cao song song với nguồn tiền khổng lồ đổ vào đầu tư hạ tầng, tạo việc làm Mỹ của Joe Biden đã khiến một bộ phận người Mỹ không muốn tìm việc làm và hơn một nữa lao động Mỹ muốn tìm mức lương cao hơn, nhàn hơn, linh hoạt hơn (có thể làm việc tại nhà).

Điều này khiến doanh nghiệp SMEs, vừa khốn đốn trong đại dịch, sẽ buộc phải chi trả cao hơn, phúc lợi cao hơn để giữ chân lao động. Điều này diễn ra trong bối cảnh chính sách thuế của ông Trump đặc biệt triệt tiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính sách thuế của Biden đánh thẳng vào túi tiền của SMEs và các ông chủ nhỏ

Các doanh nghiệp SMEs ở Mỹ thường đăng ký theo hình thức doanh nghiệp pass-through. Các thực thể pass-through của Mỹ là hình thức các cổ đông của một vài loại hình doanh nghiệp nhất định (theo quy định của Luật) sẽ nhận lợi nhuận theo cổ phần mình nắm giữ và nộp thuế cá nhân theo thu nhập này từ cổ phần, loại hình công ty này sẽ không đóng thuế theo hình thức doanh nghiệp nữa để tránh đánh thuế 2 lần (cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân khi cổ đông nhận cổ tức).

Một kho xử lý đơn hàng của Amazon ở Anh. (Ảnh: Peter Macdiarmid/Getty Images)
Một kho xử lý đơn hàng của Amazon. (Ảnh: Peter Macdiarmid/Getty Images)

Các doanh nghiệp Pass-through thuộc SMEs như vậy sử dụng khoảng 43% lao động tại Mỹ (theo cục điều tra dân số hoa kỳ 2019). Phần lớn các doanh nghiệp Pass-through bị đánh thuế ở mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất, do mức thuế suất tối thiểu do IRS quy định trên mức thu nhập doanh nghiệp coi là ngoài tiền lương, phần lớn thuế suất tiền lương.

Theo nghiên cứu chính sách của Viện nghiên cứu Hoover, chính sách tăng thu nhập cá nhân và tỷ lệ lương của Biden sẽ đẩy tỷ lệ thuế liên bang từ 40% lên trên 50% và cao hơn thuế thu nhập liên bang. Đây là những đợt tăng thuế lớn mà hàng chục triệu chủ doanh nghiệp Mỹ đang phải đối mặt. Việc tính toán chính xác phức tạp hơn điều này nhiều, bao gồm sự phức tạp của kế hoạch khấu hao thuế, tín dụng thuế đầu tư và khấu trừ lãi ròng, các yếu tố khác.

Lưu ý rằng không chỉ là thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp tăng, mà doanh nghiệp còn phải đối diện với thuế sử dụng lao động tăng, mức lương tối thiểu tăng.

Điều này có nghĩa, doanh nghiệp SMEs Mỹ đang phải chịu áp lực tăng chi phí lao động từ 3 phía: cạnh tranh với phúc lợi cao ngất của chính quyền Biden, chi trả thuế lao động và đáp ứng mức lương tối thiểu và yêu cầu lương cao hơn, công việc nhàn hơn từ hơn một nửa lao động Mỹ, chủ yếu là người trẻ và lao động phổ thông.

Như vậy, túi tiền của SMEs sẽ bị teo nhỏ lại ở mức rất đáng kể. Điều này sẽ khiến sức mạnh tái đầu tư, sáng tạo và đổi mới trong trung và dài hạn của Mỹ suy yếu. Nhưng đòn giáng từ chính phủ chưa phải là thách thức lớn nhất. Việc doanh thu bị teo tóp và thị phần bị chiếm bởi các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp ngoại lai bằng các phương pháp cạnh tranh bất minh, thiếu lành mạnh mới là điều đáng nói.

Ông lớn công nghệ bán lẻ Mỹ bồi thêm đòn triệt hạ SMEs khi bắt tay với Trung Quốc

Theo một công ty nghiên cứu thị trường, 42% người bán hàng đầu của Amazon.com đến từ Trung Quốc. Phương thức mà hàng hóa của Trung Quốc ‘xâm lược’ thị trường, triệt hạ các đối thủ cạnh tranh của Mỹ, trước sự im lặng của Amazon, là chiêu bài hết sức cổ điển.

Các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc đội lốt của Trung Quốc bán giá thấp hơn hẳn sản phẩm từ cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ để xâm chiếm thị trường bán lẻ trên Amazon. Sau một thời gian, các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ không cạnh tranh nổi về giá buộc phải từ bỏ thị trường; lúc này, doanh nghiệp Trung Quốc lại tăng giá bán sản phẩm bằng với mặt bằng giá ban đầu.

Sức mạnh kinh tế của Mỹ đang bị phá hủy triệt để theo cách này. Nền kinh tế Trung Quốc, đã vượt qua Mỹ vào năm 2017 (tính theo GDP bình quân đầu người theo ngang sức mua), đang nhấn chìm Mỹ và các đồng minh của họ, và cùng với đó là nền dân chủ.

Công ty Marketplace Pulsed đã công bố nghiên cứu cho thấy hơn 50% người bán hàng trên Amazon ở Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Canada đến từ Trung Quốc. Mọi người đi đến đâu, đặc biệt là kể từ sau đại dịch, đều thấy các cửa hàng đóng cửa trên các đại lộ, tuyến phố lớn trên khắp thế giới. Các cửa hàng của Mỹ và phương Tây đang phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh với hàng hóa được sản xuất cực rẻ nhờ lao động cưỡng bức và coi thường vấn đề môi trường từ Trung Quốc. Hàng hóa của Mỹ, Nhật, và phương Tây họ bị thay thế bởi hàng đống hàng hóa từ Amazon mà bên trong là hàng hóa có nhãn Trung Quốc.

Đây là cách thôn tính thị trường không trung thực, không lành mạnh. Có vô vàn cách để nhận biết, ngăn chặn cách cạnh tranh tồi tệ này, nhưng Amazon đã không làm điều đó.

Thương mại điện tử toàn cầu của Trung Quốc thông qua Amazon được thúc đẩy không chỉ bởi giá rẻ. Chứng cứ Amazon tiếp tay cho Trung Quốc thống lĩnh thị trường theo cách mô tả ở trên là Amazon không yêu cầu các doanh nghiệp phải trình xuất xứ quốc gia. Thậm chí, trong nhiều năm qua, vô số vụ việc hàng giả, quảng cáo sai sự thật, trộm cắp sở hữu trí tuệ (IP ), vi phạm bản quyền, và gian lận hải quan đã tùy ý xuất hiện trên Amazon. Các chính sách của Amazon là bằng chứng về cú bắt tay với Bắc Kinh bất chấp quyền lợi khách hàng, bất chấp sự thịnh vượng của Mỹ…

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

SMEs của Mỹ khó trăm bề do chính sách cực tả của Biden và ‘áp bức’ từ ông lớn công nghệ bán lẻ