Sẽ có một NATO về Thương mại để chống lại chế độ Cộng sản Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo của một tổ chức nghiên cứu chính sách cho biết một tổ chức liên minh dân chủ có thể ngăn chặn sự ép buộc kinh tế được hỗ trợ bởi quyền lực nhà nước của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), như một NATO về thương mại.

Theo một báo cáo công bố ngày 28/6 vừa qua, chế độ cộng sản Trung Quốc đang theo đuổi sự thống trị toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến, nhưng hệ thống do ĐCSTQ cầm quyền lại mâu thuẫn cơ bản với các nguyên tắc thương mại dựa trên thị trường.

Ông Robert Atkinson, chủ tịch của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin viết trong báo cáo: “ĐCSTQ thường xuyên vũ khí hóa hàng loạt công cụ chính sách của mình để trừng phạt bất kỳ quốc gia nào không khuất phục trước Bắc Kinh".

“Không quốc gia nào muốn tự mình gánh chịu gánh nặng từ cuộc tấn công của Trung Quốc, vì vậy họ hầu hết thường lặng lẽ đầu hàng”.

Ông Atkinson đề xuất thành lập Tổ chức Hiệp ước Liên minh các nền dân chủ (DATO) như một biện pháp răn đe, trong đó các liên minh dân chủ đồng ý áp dụng biện pháp ăn miếng trả miếng cùng nhau nếu một thành viên bị chế độ cộng sản này tấn công, như một NATO thương mại. Tổ chức này hoan nghênh bất kỳ quốc gia dân chủ nào tham gia, nhưng một nước sẽ mất tư cách thành viên nếu họ không hỗ trợ cho các nỗ lực chung.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một liên minh chính trị và quân sự giữa các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Trọng tâm của hiệp ước: Một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên sẽ được coi là sự đả kích đối với toàn khối. Được thành lập vào năm 1949, NATO là một bức tường thành chống lại mối đe dọa cộng sản của Liên Xô.

Ông Atkinson lưu ý đến các con tin mà ĐCSTQ đang nắm giữ để đe dọa phương Tây, từ sinh viên Trung Quốc, khách du lịch, các sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu, như khoáng sản chủ chốt, cho đến các công ty thương mại nước ngoài thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Nhưng hệ thống mỗi quốc gia một phiếu bầu của WTO khiến việc hoạt động như một trọng tài thương mại trở nên khó khăn trong việc chống lại các hành vi cưỡng chế của một quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Thịt bò Úc được nhìn thấy tại một siêu thị ở Bắc Kinh vào ngày 12/5/2020. Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu từ bốn nhà cung cấp thịt bò chính của Úc vào ngày 12/5 (Greg Baker / AFP qua Getty Images)

Mới đây, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại với hàng chục sản phẩm xuất khẩu, bao gồm rượu vang, thịt bò, gỗ, tôm hùm và than đá sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19 và lên án vi phạm nhân quyền ở tỉnh Tân Cương và Hồng Kông.

Nhà kinh tế Đài Loan Wu Jialong cho biết việc các nước phương Tây, như Canberra, tìm cách sử dụng các biện pháp kinh tế để đối mặt với sự ép buộc là chưa đủ.

“Nó phải được xem như một hành động chính trị. Và [các nền dân chủ] phải đáp trả tương ứng”, ông Wu nói trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

Ông Wu cho rằng nền kinh tế và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng nhiều quốc gia đã không nhận ra điểm này.

Nhà kinh tế học này nói rằng chế độ cộng sản Trung Quốc liên kết nền kinh tế với chính trị, và các hành vi kinh tế nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trong chính trị. Ông nói thêm rằng trái với hệ thống tư bản chủ nghĩa trong đó tài sản tư nhân được bảo vệ bởi quyền lực nhà nước, chủ nghĩa cộng sản loại bỏ quyền sở hữu tư nhân.

Ông Wu nói rằng bây giờ, có vẻ như người phương Tây đã nhận ra rằng việc sử dụng cạnh tranh hoặc đàm phán để kiềm chế các hành động vi phạm quy tắc của ĐCSTQ là “vô ích”. Họ cần có một liên minh để “ăn miếng trả miếng” cùng nhau, nếu không, Bắc Kinh sẽ bóp méo các hiệp định đã ký kết đó, ngay cả với các nước dân chủ.

Sáng kiến ​​này cũng được ông Hu Ping, một chuyên gia về Trung Quốc và nhà bình luận chính trị tại Mỹ, ca ngợi. Ông gợi ý rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng chiến thuật “chia để trị”, chiêu dụ từng đồng minh bằng lợi ích kinh tế hoặc đầu tư để bịt miệng từng người một, nếu họ không thể sát cánh cùng nhau.

“Đây là bước cần thiết, thậm chí chỉ để giải quyết các vấn đề trong thương mại”, ông Hu nói trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 30/6 vừa qua.

Báo cáo nhan đề “NATO cho thương mại” do Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc (The China Research Group) ủy nhiệm và được thành lập bởi các chính trị gia bảo thủ của Anh và một tổ chức tư vấn chính sách công của Mỹ, Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới (ITIF).

Chủ nghĩa tư bản nhà nước

Báo cáo cho rằng các thương nhân tự do phải chú ý đến chủ nghĩa tư bản nhà nước của chế độ cộng sản Trung Quốc. Nếu không, công ty của họ hoặc thậm chí các quy tắc lâu đời của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Atkinson cho biết chế độ cộng sản sử dụng các chính sách bảo hộ để buộc các công ty nước ngoài chuyển giao tài sản trí tuệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc với sự hậu thuẫn cực lớn của nhà nước và có trong tay công nghệ ngoại quốc đã xâm nhập thị trường nước ngoài. Đảng cộng sản Trung Quốc đã “thao túng các cơ quan tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu để đảm bảo sự thống trị của các tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc”.

“Trung Quốc không chỉ tìm kiếm khả năng tự cung tự cấp mà còn là sự thống trị toàn cầu trong hầu hết các ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến. Ông Atkinson cho biết thành công của họ sẽ gây ra hậu quả tai hại với lợi thế quân sự của đồng minh.

Ông nói rằng mọi hy vọng rằng chế độ cộng sản có thể thay đổi để tự mình trở thành một nhà kinh doanh công bằng, hoặc thông qua áp lực, đang tắt dần khi họ tuyên bố mục tiêu trở thành "cường quốc thế giới" về đổi mới khoa học và công nghệ vào năm 2050.

Trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6/2021, các nhà lãnh đạo NATO đã cảnh báo về mối đe dọa quân sự do chế độ cộng sản Trung Quốc gây ra, đồng thời gọi Bắc Kinh là “thách thức hệ thống”. Nhưng họ cũng tuyên bố rằng họ không muốn xảy ra Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc.

Đức Duy

Theo The Epoch Times

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Sẽ có một NATO về Thương mại để chống lại chế độ Cộng sản Trung Quốc?