Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hạ lãi suất cơ bản để cứu vớt tăng trưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) bất ngờ giảm mạnh lãi suất cơ bản lần thứ 2 liên tiếp chỉ trong một thời gian ngắn. Trước diễn biến sản xuất và tiêu dùng ảm đạm do đại dịch viêm phổi Vũ Hán, động thái chính sách của SBV kỳ vọng sẽ bơm thêm nguồn vốn giá rẻ để cứu vớt tăng trưởng.

SBV gần như không tác động vào lãi suất cơ bản trong khoảng 7 năm qua dù lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương các nước lớn liên tiếp hạ về mức tiệm cận 0% hoặc thậm chí áp dụng chính sách lãi suất âm. Trước đại dịch, lãi suất cơ bản của SBV ổn định ở mức 6-6,5%. Đây là mức lãi suất cơ bản tương đương với thời điểm trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 và thấp hơn nhiều so với mức lãi suất cơ bản lên tới 15% vào thời điểm Việt Nam thắt chặt tiền tệ để xử lý khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 sau đó.

Tuy nhiên, đại dịch viêm phổi Vũ Hán, dù xuất hiện tại Việt Nam không trầm trọng như các nền kinh tế khác nhưng đã tác động tiêu cực tới sản xuất, tiêu dùng trong nước do chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu tê liệt, đình đốn.

SBV bất ngờ lần thứ hai liên tiếp giảm thêm 50 điểm phần trăm lãi suất cơ bản

Hôm qua, ngày 12/05/2020, SBV bất ngờ giảm thêm 50 điểm phần trăm lãi suất cơ bản sau thời gian giảm lãi suất cơ bản không lâu trước đó (16/3/2020). Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; giảm lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; giảm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của ngân hàng nhà nước với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Với lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở, SBV cũng giảm từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Biến động lãi suất cơ bản của SBV trong 20 năm qua 2000-2020 (Nguồn: Trading Economics)

Trong bối cảnh sản xuất bị thu hẹp, tiêu dùng suy giảm - nới lỏng tiền tệ kỳ vọng chặn đà rơi của tăng trưởng

Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 4 tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục 32,7 điểm (tháng 3 là 41,9 điểm). Điều này cho thấy khu vực sản xuất của Việt Nam đang bị thu hẹp “đột ngột”, sức khỏe khu vực sản xuất suy giảm rất mạnh với các cơ hội kinh doanh đã liên tục xấu đi trong 3 tháng qua. Khảo sát của IHS Markit về PMI cũng cho thấy bức tranh tương đối u ám của lĩnh vực sản xuất: sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm nghiêm trọng; các doanh nghiệp bi quan về triển vọng 12 tháng tới; việc làm giảm với tốc độ kỷ lục.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam rơi theo chiều thẳng đứng, thấp nhất trong lịch sử xuất hiện của chỉ số này (Nguồn: Trading Economics)

Sự biến động tiêu cực của chỉ số PMI cũng tương hợp với số liệu thu từ thuế đã giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2020. Theo Tổng cục Thuế, thu ngân sách trung ương 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 201,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9% dự toán, tăng 2,8% so cùng kỳ. Đáng chú ý, diễn biến tình hình thu ngân sách qua các tháng có mức độ tiêu cực tăng dần. Tháng 4 vừa qua là tháng có tình hình thu ngân sách xấu nhất kể từ đầu năm 2020. Ví dụ, thuế giá trị gia tăng có mức tăng 8% so cùng kỳ tại quý 4/2019, qua 3 tháng đầu năm vẫn duy trì mức tăng 3,2% so cùng kỳ, nhưng đến tháng 4 đã giảm 48,8%. Tính chung lũy kế 4 tháng, thuế GTGT giảm 9,3% so với cùng kỳ. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng trong tình trạng tương tự, thu từ loại thuế này đạt mức tăng 9,5% so cùng kỳ tại quý 4/2019, qua 3 tháng đầu năm 2020 giảm 2,1% và đến tháng 4 ước giảm tới 22,8%. Lũy kế 4 tháng, sắc thuế này giảm 7,2%. Đáng chú ý là thuế thu nhập doanh nghiệp, tại thời điểm tháng 12/2019 thu từ sắc thuế này tăng 15,6%, thực hiện 3 tháng năm 2020 tăng 16,1%, nhưng tháng 4 đã giảm 55,6%. Như vậy, sau 4 tháng thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm 7,3% so với cùng kỳ.

Tương ứng với cú sốc thu hẹp về sản xuất, tiêu dùng trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.520 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 9,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%).

Các diễn biến vĩ mô tiêu cực trong tháng 4 có thể khiến mọi dự báo tích cực trước đó về tăng trưởng và ổn định kinh tế trong nước do đã khống chế được đại dịch không còn vững chắc. Việc SBV bất ngờ nới lỏng tiền tệ hai lần liên tiếp trong một thời gian ngắn có hữu hiệu hay không trong việc chặn đà rơi của tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên thế giới và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu mới.

Song hành với chính sách tiền tệ nới lỏng, chính phủ Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh vốn FDI giảm mạnh

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 18,1% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại với đầu tư công, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 20/4 chỉ đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019; vốn FDI thực hiện ước đạt 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Đẩy mạnh vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp là chủ trương, nỗ lực mà chính phủ đã thực thi ngay từ đầu năm khi đại dịch xuất hiện. Tuy nhiên, với hiệu quả đầu tư thấp do thiếu vắng giám sát, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình cũng khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ vào hiệu quả và khả năng tác động tích cực của dòng vốn này tới tăng trưởng sẽ thấp hơn nhiều so với sự kỳ vọng của chính phủ.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hạ lãi suất cơ bản để cứu vớt tăng trưởng