Sau cuộc khẩu chiến Mỹ-Nga, Ngoại trưởng Nga đến thăm Trung Quốc với lời kêu gọi giảm sử dụng đồng đô-la Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hôm thứ Hai (ngày 22/3) với lời kêu gọi Moscow và Bắc Kinh giảm sự phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ và các hệ thống thanh toán của phương Tây - để đẩy lùi điều mà ông gọi là chương trình nghị sự ý thức hệ của phương Tây.

Ông Lavrov, trong chuyến thăm Trung Quốc hai ngày, dự kiến ​​sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc - vào thời điểm quan hệ của cả hai nước với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trở nên căng thẳng.

Tổng thống Putin thách thức ông Biden tranh luận trực tiếp “không ngắt quãng” trên truyền hình để người dân hai nước cùng xem, sau khi vị tổng thống Mỹ này gọi ông là "kẻ sát nhân".

Moscow đã triệu hồi Đại sứ tại Mỹ về nước sau những bình luận của Washington mà phía Nga cho là thiếu cân nhắc và gây nguy hiểm cho quan hệ giữa hai nước.

Nga cũng đang chuẩn bị cho một vòng trừng phạt mới của Mỹ đối với những gì Washington cáo buộc là “can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, điều mà Moscow phủ nhận”.

Nga-Trung liên thủ đối đầu Hoa Kỳ

Phát biểu trước truyền thông Trung Quốc trước khi bắt đầu chuyến thăm, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moscow và Bắc Kinh buộc phải phát triển độc lập với Washington - để ngăn cản “những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của họ”.

Ông Lavrov cho biết: “Chúng ta cần giảm thiểu rủi ro trừng phạt bằng cách tăng cường sự độc lập về công nghệ của mình, bằng cách chuyển sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia của chúng ta và tiền tệ toàn cầu, thay thế cho đồng đô-la Mỹ”, ông Lavrov nói vào hôm thứ Hai. “Chúng ta cần chuyển khỏi việc sử dụng các hệ thống thanh toán quốc tế do phương Tây kiểm soát”.

Theo Reuters, trước chuyến thăm của ông, tờ báo nhà nước Trung Quốc, The Global Times, cho rằng chuyến đi của ông Lavrov là một dấu hiệu cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga - sẽ bù đắp tác động của cái mà họ gọi là "hành động gây rối của Mỹ".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt tay khi họ kết thúc cuộc họp báo tại Nhà khách Quốc gia Diaoyutai ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23 tháng 4 năm 2018 . (Ảnh của Madoka Ikegami-Pool / Getty Images)
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt tay khi họ kết thúc cuộc họp báo tại Nhà khách Quốc gia Diaoyutai ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23 tháng 4 năm 2018 . (Ảnh của Madoka Ikegami-Pool / Getty Images)

Thời điểm chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov là đáng chú ý, vì nó có nghĩa là Nga là quốc gia đầu tiên mà Trung Quốc chia sẻ thông tin và ý kiến - ​​về các vấn đề quan trọng sau cuộc họp trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ.

Liệu Trung Quốc có thoát khỏi sự phụ thuộc vào đô-la Mỹ - đồng tiền chính thanh toán qua SWIFT

Giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc dựa vào đồng đô-la Mỹ như một phương thức thanh toán cho hầu hết các hoạt động thương mại, tài chính và đầu tư quốc tế, với các tổ chức tài chính ở Hong Kong thường đóng vai trò cửa ngõ.

Việc Bắc Kinh sử dụng đồng đô-la Mỹ đã giúp Mỹ duy trì “đặc quyền quốc tế” của đồng đô-la Mỹ - một cụm từ được sử dụng bởi cựu bộ trưởng tài chính Pháp Valéry Giscard d'Estaing vào năm 1965 - trong hệ thống tiền tệ quốc tế.

Trung Quốc đã ra mắt hệ thống dịch vụ thanh toán bù trừ CIPS vào năm 2015 để giúp quốc tế hóa việc sử dụng đồng nhân dân tệ (CNY). Được giám sát bởi ngân hàng trung ương, CIPS cho biết họ đã xử lý 135,7 tỷ nhân dân tệ (19,4 tỷ USD) mỗi ngày vào năm 2019, một con số quá khiêm tốn.

Trung Quốc đã khuyến khích sử dụng đồng CNY trong các thanh toán thương mại, họ đã thiết lập một thị trường ở Thượng Hải để giao dịch các hợp đồng tương lai dầu thô bằng đồng CNY, và họ đã phát triển một hệ thống thanh toán CNY xuyên biên giới, ký kết hàng chục giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương và thậm chí tạo ra ngân hàng đa phương của riêng mình.

Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ đạt được thành công hạn chế vì đồng đô-la Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu của các thương nhân, nhà đầu tư và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới. Việc sử dụng quốc tế của đồng CNY bị giới hạn so với đồng đô-la Mỹ - con số mới nhất từ ​​hệ thống SWIFT cho thấy đồng CNY chỉ chiếm 1,66% giao dịch thanh toán quốc tế - so với 43% của đồng đô-la Mỹ.

Đức Duy

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Sau cuộc khẩu chiến Mỹ-Nga, Ngoại trưởng Nga đến thăm Trung Quốc với lời kêu gọi giảm sử dụng đồng đô-la Mỹ