Sau cáo buộc của Mỹ về thao túng tiền tệ, TTCK Việt Nam rơi sâu nhất châu Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm qua (ngày 17/12), Việt Nam vừa bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ cáo buộc là thao túng tiền tệ. Theo thống kê trên gần 30 thị trường chứng khoán của châu Á, VN-Index là chỉ số giảm điểm mạnh nhất (- 1,45%).

Thông tin tiêu cực đè nặng tâm lý thị trường

Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” vừa được Bộ Tài chính Mỹ ban hành hôm qua - đã cáo buộc Việt Nam cùng với Thuỵ Sĩ thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam đáp ứng 3 tiêu chí:

Thứ nhất, thặng dư thương mại với Mỹ không quá 20 tỷ USD. Theo số liệu trên website Bộ thương mại Mỹ, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã lên tới 49,46 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020.

Thứ hai, cán cân vãng lai không vượt quá 2% GDP. Nếu tính bình quân 12 tháng liên tiếp thì cán cân vãng lai của Việt Nam đã vượt quá 2% GDP, do năm 2019 thặng dư cán cân vãng lai lên tới hơn 5% GDP.

Thứ ba, mua ròng ngoại hối vượt quá 2% GDP trong vòng 12 tháng liên tiếp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, mua ròng ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ước tính vào khoảng 9,15 tỷ USD; vượt xa mức 2% GDP theo tiêu chí của Mỹ.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia phân tích từ Chứng khoán MB, thông tin tiêu cực này đã tác động lên tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường do lo ngại Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt khi Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Trong thông cáo phát đi sáng 17/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố, trong đó có các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. (Ảnh: sbv. gov)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. (Ảnh: sbv. gov)

Nhóm cổ phiếu nào "dính đòn" khi Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ?

Trong khi đà tăng điểm của thị trường chứng khoán khá áp đảo tại châu Á, chứng khoán Việt Nam lại ngược chiều giảm sâu. VN-Index giảm hơn 15 điểm, tương đương mức giảm 1,45%.

Phần rổ VN30 giảm 12,77 điểm (-1,24%) với 22/30 mã chứng khoán rớt giá. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7.691 tỷ đồng.

HNX-Index khá hơn khi vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 0,23% lên 172 điểm. Sàn UPCoM cũng tăng nhẹ 0,06%. Tuy nhiên, ở cả ba sàn, số lượng cổ phiếu giảm điểm đều áp đảo. Đã có hơn 390 cổ phiếu giảm điểm trong phiên hôm nay.

Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng 21,66 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 776,84 tỷ đồng - tăng 135,14% về lượng và 242,3% về giá trị so với phiên trước.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát được giao dịch nhiều nhất với 30,6 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị 1.167 tỷ đồng. Trong đó, riêng khối ngoại mua gần 692.000 cổ phiếu và bán ra 5,5 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu này đã giảm 3% trong phiên hôm nay, về mức 37.650 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là cổ phiếu đứng thứ 5 trong các mã chứng khoán kéo VN-Index giảm điểm, sau cổ phiếu của hai ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV.

Song song đó, bộ ba cổ phiếu họ Vin gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Vingroup (VIC) cũng bị rớt giá mạnh. Các nhà đầu tư cũng rút tiền ra khỏi cổ phiếu của PetroVietnam Gas (GAS), Petrolimex (PLX), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Vinamilk (VNM), Vietjet Air (VJC)...

Cổ phiếu của một số doanh nghiệp xuất khẩu phản ứng khá tiêu cực trong phiên hôm nay. Như trong nhóm ngành thủy sản, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn – doanh nghiệp lớn ngành cá tra đã giảm 4,45%; cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta giảm 1,8%. Cổ phiếu HNG của HAGL Agrico cũng giảm 3,95%.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nếu Mỹ và Việt Nam không đàm phán, giải quyết được vấn đề liên quan đến thao túng tiền tệ, thì Mỹ sẽ tiến hành các lệnh trừng phạt thuế quan đối với Việt Nam. Khi đó, cổ phiếu nhóm xuất khẩu sẽ là nhóm ảnh hưởng nặng nề nhất, cụ thể là nhóm ngành Thủy sản, Dệt may và Gỗ.

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp đầu tư FDI, tuy nhiên nhiều khả năng Mỹ sẽ không áp thuế đối với nhóm doanh nghiệp này.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Sau cáo buộc của Mỹ về thao túng tiền tệ, TTCK Việt Nam rơi sâu nhất châu Á