Sau 20 năm gia nhập, Trung Quốc vẫn từ chối thực hiện các quy định của WTO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để trở thành một nền kinh tế thị trường thực sự, Bắc Kinh phải chấm dứt kế hoạch “Made in China 2025” và các mục tiêu đầy dã tâm về thương mại và thống trị toàn cầu.

Mùa xuân năm 2000, Mỹ đã bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tháng 12/2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng thống Bill Clinton lúc bấy giờ đã bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng hợp tác trong lĩnh vực thương mại. Các bên liên quan đều tin rằng việc gia nhập các tổ chức quốc tế sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Trung Quốc tiến đến dân chủ và chủ nghĩa thị trường tư bản tự do. Tổng thống George W. Bush từng có câu nói nổi tiếng rằng: Không một quốc gia nào có thể tìm ra cách thức nhập khẩu hàng hóa từ nước khác mà không chấp nhận những ý tưởng mới.

Trước năm 2001, WTO mới được thành lập và Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất chưa gia nhập tổ chức này. Do đó, sự góp mặt của Trung Quốc đã củng cố thêm địa vị của WTO. Người tiêu dùng toàn cầu được hưởng lợi vì họ có thể mua được các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Các tập đoàn cũng vui mừng vì họ hy vọng có thể tiếp cận tới thị trường khổng lồ của đất nước này. Và Trung Quốc phấn khởi vì xuất khẩu của họ tăng mạnh. Đến năm 2009, Trung Quốc đã thay thế Đức trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng về việc này. Các liên đoàn lao động Mỹ đã rất lo ngại về số lượng công việc liên quan đến sản xuất bị mất đi khi các nhà máy chuyển đến Trung Quốc. Từ năm 1999 đến năm 2011, gần 6 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở Mỹ, cũng như 2,4 triệu việc làm trong các lĩnh vực khác, đã rơi vào tay Trung Quốc.

Beijing, CHINA: Visitors look at counterfeit Louis Vuitton (LV) bags on display at the Beijing administration for industry and commerce in Beijing, 12 June 2007. China has faced growing criticism over piracy, with the US in April lodging a complaint against China with the World Trade Organisation over counterfeit luxury goods and DVDs. AFP PHOTO/TEH ENG KOON (Photo credit should read TEH ENG KOON/AFP via Getty Images)
Những chiếc túi Louis Vuitton (LV) giả được trưng bày tại cơ quan Quản lý Công nghiệp và Thương mại Bắc Kinh, hôm 12/06/2007. Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gay gắt về vi phạm bản quyền, với việc Hoa Kỳ vào tháng 4 đã khiếu nại Trung Quốc lên WTO liên quan đến vấn đề các mặt hàng xa xỉ và DVD giả. (Ảnh: Teh Eng Koon / AFP qua Getty Images)

Sự gia nhập của Trung Quốc đi kèm với lời hứa rằng Bắc Kinh sẽ tiến hành nhiều thay đổi trong lĩnh vực thương mại để phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế như: giảm thuế quan; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; cho phép các cơ chế thị trường xác định giá trị của đồng tiền; chấm dứt trợ cấp của nhà nước đối với các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp được ưu đãi; hạn chế việc bán phá giá; chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ; và cấp quyền tiếp cận thị trường cho các công ty nước ngoài. Giờ đây, sau hơn 20 năm, thế giới vẫn đằng đẵng chờ đợi Trung Quốc thực hiện lời hứa của mình.

Một trong những lý do khiến Trung Quốc thoát khỏi bị trừng phạt là các cơ chế thực thi có phần yếu kém của WTO. WTO đã được thành lập bởi các quốc gia có cùng chí hướng sau Thế chiến Thứ 2. Các thỏa thuận trong WTO được đưa ra nhằm đảm bảo các quốc gia được đối xử một cách công bằng. Tất nhiên, tranh chấp thương mại có thể và đã bùng phát, nhưng các quy tắc của WTO được thiết lập dựa trên giả định rằng hầu hết các quốc gia đều không cố ý tìm cách phá vỡ các quy tắc đó.

Cơ chế thực thi của WTO hoạt động hiệu quả với các nước tư bản và dân chủ, nơi các công ty hoạt động vì lợi nhuận và phần lớn không bị kiểm soát bởi chính phủ. Tuy nhiên, cơ chế này không được thiết kế dành cho Trung Quốc, một quốc gia lai giữa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, và chủ nghĩa tư bản nhà nước. Truyền thông nhà nước Trung Quốc China Daily đưa tin rằng: 70% trong số 2 triệu công ty tư nhân của nước này có chi bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm giúp ĐCSTQ kiểm soát trực tiếp khu vực tư nhân.

Trung Quốc đang lợi dụng WTO. Thay vì tuân thủ các quy tắc, Bắc Kinh đang lựa chọn và khai thác những quy tắc phù hợp nhất với lợi ích của nước này. Trong 20 năm qua, Mỹ đã 23 lần khiếu nại Trung Quốc. Khiếu nại phổ biến nhất liên quan đến vấn đề Trung Quốc được tự do tiếp cận thị trường nước ngoài trong đó có Mỹ, trong khi đó các quốc gia khác tiếp tục chịu hạn chế khi tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Ép buộc chuyển giao công nghệ cũng là một trong những điểm gây tranh cãi lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài, trong một số lĩnh vực nhất định, phải có đối tác liên doanh địa phương nếu muốn tiếp cận thị trường nước này. Sau đó, họ yêu cầu đơn vị nước ngoài chuyển giao công nghệ cho đối tác liên doanh. Vì rất nhiều công ty Trung Quốc là thuộc sở hữu của ĐCSTQ, hoặc có liên quan đến ĐCSTQ, hoặc có chi bộ ĐCSTQ và các thành viên hội đồng quản trị thuộc ĐCSTQ, điều này tương đương với ép buộc các công ty nước ngoài chia sẻ công nghệ của họ với Bắc Kinh để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường. Trong khi các công ty Mỹ phàn nàn về điều này thì rất khó chứng minh rằng Trung Quốc đang thực sự vi phạm các quy định của WTO. Do đó, nói chung thì WTO không đưa ra phán quyết có lợi cho các công ty của Mỹ về các khiếu nại liên quan đến việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ.

Máy bay chiến đấu J-10 của chính quyền ĐCSTQ biểu diễn tại một buổi triển lãm hàng không ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, hôm 12/09/2015. (Ảnh: Hình ảnh STR / AFP / Getty)
Máy bay chiến đấu J-10 của chính quyền ĐCSTQ biểu diễn tại một buổi triển lãm hàng không ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, hôm 12/09/2015. (Ảnh: Hình ảnh STR / AFP / Getty)

Thao túng tiền tệ là một vi phạm khác mà Trung Quốc đã thoát khỏi bị trừng phạt trong quá khứ. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã định giá đồng tiền của mình thấp hơn 30%, khiến hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ hơn. Tuy nhiên, WTO không có quy định thực tế nào để chống lại việc thao túng tiền tệ.

Một trong những thỏa thuận khi Trung Quốc gia nhập WTO là nước này sẽ trở thành nền kinh tế thị trường vào năm 2015; sau năm 2015, Trung Quốc sẽ không còn nhận được bất kỳ sự đối xử đặc biệt nào như một nền kinh tế mới và phi thị trường nữa. Trung Quốc giải thích thỏa thuận này là: Nước này sẽ tự động được coi là nền kinh tế thị trường sau năm 2015. Trong khi đó, thế giới lại hiểu thỏa thuận này với nghĩa khác, đó là: Việc loại bỏ Trung Quốc khỏi khu vực nền kinh tế phi thị trường sẽ phụ thuộc vào một số đánh giá và Trung Quốc có 15 năm để nỗ lực cải cách thị trường.

Tuy nhiên, trong suốt hai thập kỷ, Trung Quốc đã thất bại trong việc cải cách nền kinh tế và các thông lệ thương mại, tiếp tục áp dụng việc trợ cấp doanh nghiệp trong nước dù việc này bị cấm. Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc có bằng chứng rằng, Bắc Kinh vẫn thực hiện quyền kiểm soát, trực tiếp và gián tiếp, đối với nền kinh tế và các tác nhân kinh tế chủ chốt, bao gồm cả việc phân bổ nguồn lực.

Bất chấp những lời hứa cải cách, Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ nhất trên thế giới. Nước này tiếp tục bán phá giá thép, khiến các đối thủ cạnh tranh buộc phải ngừng kinh doanh. Chế độ này sử dụng các khoản vay ưu đãi và trợ cấp trị giá hàng tỷ USD thông qua một loạt các tổ chức do chính phủ sở hữu hoặc do chính phủ kiểm soát trong bóng tối. Đồng thời, Bắc Kinh thực hiện các hoạt động tấn công mạng cấp nhà nước để lấy cắp dữ liệu từ các công ty Mỹ và các công ty nước ngoài khác.

Để thực sự đủ tiêu chuẩn trở thành một nền kinh tế thị trường giao dịch công bằng theo các chuẩn mực của WTO và phương Tây, Trung Quốc cần phải thay đổi cơ bản cách tiếp cận của mình về thương mại và kinh tế. Nước này cần thực hiện các cam kết trong WTO về thao túng tiền tệ, về bán phá giá và trợ cấp; ngừng tấn công mạng và cưỡng bức chuyển giao công nghệ; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; và cấp quyền tiếp cận thị trường một cách bình đẳng cho Mỹ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, với 20 năm ‘thất bại’ trong việc cải cách, có vẻ như ĐCSTQ sẽ không thay đổi trong hai thập kỷ tới.

Quan điểm trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio hiện đang là Giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm "Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc)" và "A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc)”.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sau 20 năm gia nhập, Trung Quốc vẫn từ chối thực hiện các quy định của WTO