Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc: ‘Gậy ông đập lưng ông’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính những con đường mà Rome xây dựng để chinh phục thế giới - đã cho phép thế giới loại bỏ Rome. Còn chính quyền Trung Quốc sẽ đi về đâu với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), liệu họ có thể bành trướng và thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”?

Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tuần trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố chiến lược lớn để giành chiến thắng trong một thế giới hậu đại dịch Covid-19.

Chính sách đối ngoại đặc trưng của Trung Quốc là BRI - một loạt các dự án cơ sở hạ tầng trên bộ và đường biển - nhằm liên kết châu Á, châu Phi và châu Âu, với chi phí ước tính khoảng 1,3 nghìn tỷ USD. Về vấn đề này, Trung Quốc hiện đã bổ sung kế hoạch “Con đường Tơ lụa vùng Cực” cho các tuyến vận chuyển Bắc Cực nhanh hơn.

Trong khi đó, chính sách đối nội “khủng khiếp nhất” của Trung Quốc là nỗ lực đàn áp nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số. ĐCSTQ đưa ra tuyên truyền rằng những chính sách này làm cho Trung Quốc mạnh hơn và đoàn kết hơn, nhưng trên thực tế chúng không khác gì tội ác diệt chủng.

Nói về BRI, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng bành trướng ra thế giới thông qua "mạng nhện - những con đường” của mình. Nhưng cần nhớ rằng, cũng chính những con đường mà Rome xây dựng để chinh phục thế giới - đã cho phép thế giới loại bỏ Rome. Ngày nay, BRI của Trung Quốc nổi tiếng vì chiêu trò “bẫy nợ”, can thiệp chính trị, văn hóa các quốc gia đối tác.

Thay vì trở thành cấp số nhân đối với năng lực của Trung Quốc, các chính sách này sẽ là yếu tố "phân chia lực lượng" vì các lý do quốc tế và trong nước. Trên bình diện quốc tế, họ có khả năng mất bạn bè và bị các quốc gia xa lánh. Chỉ các quốc gia “đồng cảm” với chế độ chuyên quyền, bị lóa mắt bởi tham nhũng và thờ ơ với áp bức trong nước - sẽ phù hợp với Trung Quốc; nhưng nhiều quốc gia khác thì không, và họ sẽ có xu hướng “thoát Trung” càng nhanh càng tốt. Thật vậy, quá trình đó đã được tiến hành.

Nhật Bản và Ấn Độ đã công bố Hành lang tăng trưởng Á-Phi của họ để chống lại BRI, và các chính trị gia ở những nơi như Malaysia đã giành chiến thắng trong các chiến dịch chống BRI.

Rơi vào "bẫy nợ Bắc Kinh", Lào buộc lòng phải gán nợ quyền vận hành lưới điện cho công ty Trung Quốc (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Trong nước, các chính sách hiện tại có khả năng tạo ra nhiều lỗ hỏng. Việc ĐCSTQ chi tiêu “vung tay” ở các quốc gia khác, trong khi “vắt kiệt” đồng bào mình - có thể khiến chính quyền này mất đi sự ủng hộ trong nước.

Tiền chi cho BRI, nhưng không được chi cho các hạng mục mà Trung Quốc tụt hậu như: Chăm sóc sức khỏe và phúc lợi. Trung Quốc thiếu sự linh hoạt về thể chế để phục hồi nhanh chóng, nếu họ mắc sai lầm. Chính quyền này dường như chỉ có thể dựa vào hai “chiêu trò” quen thuộc - vốn đã lỗi thời và bị “bóc mẽ”.

Cách thứ nhất là xuất khẩu văn hóa chuyên quyền, tôn vinh ĐCSTQ - nhằm cải thiện sức mạnh mềm của mình. Nhưng điều này đã thất bại ở các tỉnh của Trung Quốc như Tây Tạng, Tân Cương, hay tại Kazakhstan, Kenya hoặc Zambia - nơi các dự án BRI đang phải đối mặt với sự giám sát, hoài nghi và thù địch ngày càng tăng. Tương tự như vậy, các Viện Khổng Tử đã không làm được gì nhiều để đánh bóng thương hiệu toàn cầu của Trung Quốc.

Cách khác là về kinh tế: Bằng cách mở rộng trao đổi kinh tế, ĐCSTQ sẽ giành được ảnh hưởng đối với các đối tác thương mại và tăng cường sự giàu có thông qua xã hội bất bình đẳng của mình. Tuy nhiên, các khoản cho vay có thể bị phá sản, các mối liên hệ kinh tế có thể hạn chế. Xét về quy mô, Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đáng kể trong khu vực, nhưng các mạng lưới rộng lớn hơn sẽ không thay đổi đáng kể sức mạnh, tốc độ tăng trưởng hoặc ảnh hưởng tương đối của nước này.

Mặc dù chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng qua nhiều thế hệ, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang phải đối mặt với mức độ bất bình đẳng cao nhất trong 50 năm, và nhiều nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp. Chính quyền Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

Napoléon đã nói: “Không bao giờ cắt ngang kẻ thù của bạn khi anh ta đang mắc sai lầm". Không ai dễ mắc lỗi hơn những người đang trên đà chiến thắng.

Ngày nay, chính quyền Trung Quốc đang tự tin xâm nhập - để ép buộc sự tuân thủ của người dân trong nước và thế giới; và họ bận rộn xây dựng các con đường để mở rộng phạm vi hoạt động chính trị của mình. Nhưng mai đây, một trong những điều này có thể trở thành con đường đổ nát của ĐCSTQ.

Tác giả: Joseph M. Parent là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Notre Dame, và là Đồng Giám đốc của Chương trình Hans J. Morgenthau về Chiến lược lớn.

Thiện Nhân

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc: ‘Gậy ông đập lưng ông’