‘Sản xuất tại Trung Quốc 2025’: Thêm một giấc mộng vỡ tan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay từ những ngày đầu cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã phát biểu và nhấn mạnh về sự cần thiết trong việc chấm dứt sự thống trị thế giới của Hoa Kỳ, tạo ra nền độc lập của Trung Quốc và viết lại trật tự xã hội toàn cầu. Tất cả gói gọn trong ‘Trung Hoa mộng’, nhưng kể từ khi tuyên bố, nhiều giấc mộng của đế chế này lần lượt tan vỡ…

"Giấc mộng Trung Hoa", "Phục hưng Dân tộc Trung Hoa" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập trong bài “Diễn văn nhậm chức” hôm 17/3/2013 trước Quốc hội Trung Quốc và nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới; đánh dấu sự khác biệt của ông Tập là “bộc lộ tham vọng hùng mạnh và kiểm soát thế giới” so với tư tưởng nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước đó - ông Đặng Tiểu Bình - là “ẩn mình chờ thời”.

Khi mới đưa ra khái niệm “Giấc mộng Trung Hoa”, ban lãnh đạo Trung Quốc cũng không nói cụ thể nội hàm của khái niệm này là gì. Mục tiêu của “Giấc mộng Trung Hoa” là biến Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế, chính trị, quân sự, vươn đến vị trí lãnh đạo thế giới trong một ngày không xa.

“Giấc mộng Trung Hoa” khiến những người hiểu biết về Trung Quốc và tác động tiêu cực của nền kinh tế - chính trị này tới toàn cầu phải khiếp sợ bởi đây là giấc mộng bá quyền bất chấp các nguy cơ về môi trường, sinh thái; là giấc mộng được xây trên nền kinh tế “kền kền” bất chấp sinh mạng của người dân Trung Quốc thiện lương (mổ cướp tạng) và sinh mệnh nhân loại trong Đại dịch viêm phổi Vũ Hán (xuất khẩu vật tư y tế kém chất lượng); là giấc mộng dựa trên xuất khẩu “bẫy nợ” - nuôi dưỡng các chính phủ tham nhũng để thâu tóm địa quân sự chiến lược; là giấc mộng dựa trên ăn cắp công nghệ, thông tin toàn cầu trong khi bưng bít thông tin với người dân trong nước và nói dối cả thế giới.

Để thực thi ‘Trung Hoa mộng', rất nhiều kế hoạch và sáng kiến khác nhau được vạch ra. ĐCSTQ đặt tên cho các kế hoạch và sáng kiến ​​khác nhau mà họ hy vọng sẽ đạt đến đỉnh cao trong sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc, bao gồm ‘Sản xuất tại Trung Quốc 2025’ (MIC 2025), ‘Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường’ (BRI), ‘Thịnh vượng chung’, ‘Chiến lược lưu thông kép', và một loạt các sáng kiến ​​khác.

Gần đây, ông Tập đã tăng cường luận điệu dân tộc chủ nghĩa, nhưng có vẻ như MIC 2025 và BRI đã trở thành nạn nhân của chính sách xử lý COVID-19 cực đoan của Trung Quốc và sự đàn áp của Bắc Kinh với nền kinh tế tư nhân, với các doanh nghiệp lớn có hậu thuẫn phe phái chính trị trong nền kinh tế này.

Giờ đây, ông Tập đang quảng bá một chiến lược mới để đột phá nhanh tới ‘Trung Hoa mộng’, một câu chuyện về năng lực độc lập và khả năng chinh phục toàn cầu của Trung Quốc. Chiến lược mới dường như tin rằng Trung Quốc sẽ đạt được vị thế thống trị thế giới bằng cách tiếp tục đàn áp các đối thủ trong nội bộ ĐCSTQ của ông, đạt đến quyền lực thống nhất tuyệt đối, mọi hoạt động kinh tế - tài chính xoay hướng vào trong thay vì mở rộng ra nước ngoài, nền kinh tế cũng cần xoay quanh trục doanh nghiệp nhà nước thay vì mở rộng quá mức khối kinh tế tư nhân…

Khi MIC 2025 được công bố vào tháng 05/2015, mục tiêu là đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ trong nước nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, biến Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu về công nghiệp công nghệ cao. Bằng cách này, ĐCSTQ hy vọng rằng các công ty Trung Quốc sẽ có thể cạnh tranh trên toàn cầu, đưa Trung Quốc đi lên chuỗi giá trị từ sản xuất cấp thấp sang đổi mới sáng tạo, một phân khúc cao cấp nơi giá trị gia tăng rất cao và tích luỹ tri thức công nghệ rất lớn. Vì mỗi mục tiêu được nêu tên này là một phần của chiến lược lớn hơn của chính phủ, MIC 2025 là một thành phần quan trọng đối với mục tiêu của ông Tập về việc Trung Quốc trở thành một quốc gia công nghiệp hoàn toàn vào năm 2035.

Một màn hình hiển thị tin tức về nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh ĐCSTQ khi mọi người đi dạo bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh hôm 07/072021. (Ảnh: Jade Gai / AFP qua Getty Images)

ĐCSTQ đã lên kế hoạch cải thiện các lĩnh vực tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và sản xuất của Trung Quốc, tạo ra sự đổi mới của Trung Quốc và cải thiện sản xuất cả các thành phần thiết yếu và sản phẩm cuối cùng. Các lĩnh vực như ‘machine learning’ (máy học), rất khó để sao chép về kỹ thuật, là trọng tâm đặc biệt của các chương trình này. Các lĩnh vực khác cần được nhấn mạnh bao gồm: Mạng cảm biến không dây, in 3D, thương mại điện tử công nghiệp, điện toán đám mây, và dữ liệu lớn.

Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đã thông qua các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức tài chính cung cấp ngân quỹ cho các công ty thực hiện nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn. Mục tiêu cụ thể là đưa Trung Quốc từ nước chỉ tự cung cấp chất bán dẫn 16% hiện nay lên 70%.

Hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh bao gồm trợ cấp, ưu đãi thuế, trợ cấp nghiên cứu, cho vay lãi suất thấp, và hỗ trợ mua trái phiếu. Tài trợ của nhà nước và các kế hoạch của nhà nước đã dẫn đến sự ưu ái cho các thực thể thuộc sở hữu nhà nước và do nhà nước kiểm soát , cũng như các công ty thân cận với chế độ này. Điều này đã bắt đầu tạo ra một khoảng cách giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Khoảng cách khu vực tư - công đã ngày một trầm trọng hơn trong vài năm qua.

Các chuyên gia bên ngoài Trung Quốc tin rằng, ngay cả khi không có đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thì giấc mộng MIC 2025 cũng khó thành. Nguyên do là khu vực kinh tế tư nhân - hiệu quả nhất, năng động và sáng tạo nhất Trung Quốc - đã bị bỏ rơi trong cuộc chơi này. Thêm vào đó, quan điểm đàn áp và quốc hữu hoá khu vực kinh tế tư nhân của ông Tập khiến khu vực này tiêu điều, từ đó mà càng triệt tiêu đi động lực tự thân, sức sáng tạo của Trung Quốc dành cho công nghệ.

Về cơ bản, mục tiêu của Trung Quốc là bơm tiền vào nghiên cứu và phát triển để đạt được trình độ phát triển mà Hoa Kỳ, Đức, và Nhật Bản đã đạt được. Điều đó tự nó sẽ rất tốn kém, và cuối cùng, sẽ chỉ san bằng sân chơi, không nhất thiết mang lại lợi thế cho Trung Quốc. Tiếp theo, Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản không chỉ có công nghệ tiên tiến mà còn có khả năng tiếp cận sản xuất ở Ấn Độ, nơi chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với ở Trung Quốc. Ngược lại, mục tiêu của Bắc Kinh là phát triển công nghệ và sau đó sản xuất ở Trung Quốc. Vì vậy, có vẻ như Trung Quốc vẫn sẽ không có lợi thế.

Bây giờ, có vẻ như MIC 2025 và một số chương trình trước đó đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Trước đây, ông Tập đã bơm tiền vào nghiên cứu công nghệ; bây giờ, ông ấy đang yêu cầu những người khổng lồ công nghệ cho đi một phần lớn lợi nhuận của họ.

Ví dụ, theo kế hoạch ‘Thịnh vượng chung’ mới được quảng bá ầm ĩ gần đây, Alibaba đã cam kết đầu tư 15,5 tỷ USD vào phát triển kinh tế và xã hội. Tương tự, Tencent cũng cam kết con số tương đương cho các sáng kiến ​​xã hội khác nhau. Các hãng công nghệ khác như Pinduoduo, Meituan và Xiaomi buộc phải ‘nhiệt tình' hưởng ứng.

Điện thoại thông minh mới của Xiaomi Mi MIX3 5G được trưng bày tại Mobile World Congress ở Barcelona hôm 24/02/2019. (Ảnh: Lluis Gene / AFP)

Thay đổi từ việc thúc đẩy và khuyến khích các công ty công nghệ khu vực tư nhân nuôi dưỡng và phát triển công nghệ trong nước, ông Tập hiện đang bắt đầu đàn áp các công ty như Alibaba, Tencent, Meituan, và Didi. Việc hủy IPO của Ant Group vào phút chót là một trong những ví dụ lớn nhất về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các công ty công nghệ lớn. Ông Tập đang điều chỉnh hành vi của những người khổng lồ công nghệ, đồng thời yêu cầu họ phải đưa tiền cho ĐCSTQ điều phối lại của cải.

Đây không phải là chiến lược phát triển và đổi mới công nghệ trong nước mà là chiến lược triệt tiêu động lực phát triển và đổi mới công nghệ. Có thể hiểu, thị trường đang phản ứng tiêu cực với Chỉ số chứng khoán Công nghệ Hang Seng giảm 40% kể từ tháng Hai.

Đặc biệt, công cuộc tìm kiếm chất bán dẫn của ông Tập đã hoàn toàn đi chệch hướng. Khoảng 9 dặm bên ngoài thủ phủ Tế Nam của tỉnh Sơn Đông, một nhà máy bán dẫn đang được xây dựng bởi Quanxin Integrated Circuit Manufacturing, được tài trợ bởi tiền của chính phủ. Một năm sau, nhà máy vẫn chưa hoàn thành, việc xây dựng tạm dừng, và công ty hết tiền. Những nhân tài chất lượng cao mà Quanxin tuyển dụng đều rời bỏ công ty sau khi công ty không thể trả lương, thưởng đầy đủ.

Một công ty khác, Hongxin ở Vũ Hán, cũng được đầu tư bằng tiền của chính phủ nhưng cuối cùng không sản xuất được gì. Các công ty công nghệ bán dẫn Tacoma Nam Kinh ở Giang Tô và Kuntong ở Thiểm Tây là những ví dụ khác về quan hệ đối tác công tư hết tiền và phá sản trước khi sản xuất ra sản phẩm. Pin mặt trời và ô tô điện là những lĩnh vực khác mà các công ty đã lấy tiền của chính phủ, nhưng đã tuyên bố phá sản trước khi hoàn thành dự án của họ.

Với việc thiếu sự hỗ trợ và tài trợ của chính phủ, dường như các công ty công nghệ Trung Quốc không thể giúp ĐCSTQ thực hiện các mục tiêu của MIC 2025 hoặc mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hoàn toàn vào năm 2035. Trong khi đó, việc đàn áp các công ty công nghệ tư nhân, khăng khăng đưa các chi bộ Đảng và Đảng viên vào các doanh nghiệp tư nhân và ngồi vào ban giám đốc, ép buộc các doanh nghiệp tư nhân phải giao nộp tài sản cho Đảng để Đảng phân phối lại tài sản theo ý mình… tất cả đều là các chính sách phản lại giấc mộng ‘Sản xuất tại Trung Quốc 2025’.

Một số chuyên gia tin rằng với sự tăng cường kiểm soát của chính phủ, các công ty công nghệ cao khu vực tư nhân này sẽ trở thành giống như các doanh nghiệp bán quốc doanh, hoạt động hướng tới “sự thịnh vượng chung” và “lợi ích lớn hơn” thay vì hướng tới sự độc lập về công nghệ.

Quan điểm trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio hiện đang là Giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm "Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc)" và "A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc)”.

Đức Duy

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

‘Sản xuất tại Trung Quốc 2025’: Thêm một giấc mộng vỡ tan