Rò rỉ email xác nhận LHQ đã gửi tên của những người bất đồng chính kiến ​​cho ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái với những gì Liên hợp quốc (LHQ) phủ nhận, các email bị rò rỉ chứng minh rằng các quan chức nhân quyền của tổ chức này đã đưa danh sách tên những người bất đồng chính kiến ​​với chính quyền Trung Quốc cho Bắc Kinh trước thời điểm những nhà hoạt động này ra làm chứng tại Geneva (Thụy Sỹ) nhằm chống lại sự lạm dụng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trên thực tế, có vẻ như từ các tài liệu bị rò rỉ cho thấy hoạt động giao nộp tên của những người bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc cho chế độ độc tài này đã được tất cả những người có liên quan xem như một “thông lệ”. Người tố cáo nói với báo Epoch Times rằng điều này vẫn duy trì cho đến ngày nay, bất chấp sự phủ nhận của LHQ.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc căn cứ theo danh sách LHQ gửi để ngăn cản những người bất đồng chính kiến ​​rời khỏi Trung Quốc. Ít nhất một nhà bất đồng chính kiến ​​đã được LHQ xác định và bị ĐCSTQ giam giữ trước khi đến Geneva, ông Cao Shunli, người đã chết trong khi bị giam giữ.

Theo người tố giác LHQ Emma Reilly và là người đầu tiên vạch trần vụ bê bối, nếu người bất đồng chính kiến đã ở nước ngoài, thì ĐCSTQ sẽ thường xuyên đe dọa hoặc thậm chí bắt cóc và tra tấn gia đình họ.

Những người chỉ trích chế độ mà LHQ nêu tên bao gồm các nhà hoạt động liên quan đến Tây Tạng, Hồng Kông và dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ - người Hồi giáo ở miền Tây Trung Quốc. Tất cả đều là mục tiêu của ĐCSTQ vì nhiều lý do khác nhau.

Tháng 2 năm 2020, báo Epoch Times đã đưa tin về vụ bê bối và sự trả đũa mà cô Reilly phải đối mặt khi cố gắng vạch trần và ngăn chặn hoạt động này. Vụ việc này của cô Reilly tại LHQ vẫn đang được tiếp tục. Hiện cô vẫn làm việc ở đó nhưng đang bị “điều tra”.

Các tổ chức nhân quyền nổi tiếng trên thế giới đã chỉ trích hoạt động của Liên Hợp Quốc vì gây nguy hiểm cho cuộc sống của những người bất đồng chính kiến ​​và gia đình họ.

Trong các bình luận với Epoch Times, cô Reilly mô tả hành động này là "tội phạm" và thậm chí lập luận rằng nó khiến LHQ "đồng lõa với tội ác diệt chủng".

Trong nhiều năm qua, LHQ đã liên tục phủ nhận việc các đặc vụ của họ cung cấp tên những người bất đồng chính kiến ​​cho ĐCSTQ.

Tuy nhiên, nhờ có những bức thư điện tử bị rò rỉ về hoạt động này, người ta đã biết được một cách vô cùng rõ ràng rằng Liên Hợp Quốc đã đánh lừa các chính phủ thành viên và báo chí xung quanh vụ bê bối kể trên.

Một trong những email bị rò rỉ, được gửi vào ngày 7 tháng 9 năm 2012 từ một nhà ngoại giao tại Phái bộ của ĐCSTQ tại LHQ ở Geneva, đã yêu cầu cung cấp thông tin về những người bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc được đưa ra làm chứng tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.

“Theo thông lệ, bạn có thể vui lòng gửi cho tôi [thứ đó] để kiểm tra xem những người trong danh sách đính kèm có tham dự phiên họp thứ 21 của HRC được không?”, nhà ngoại giao của ĐCSTQ đã hỏi như vậy trong một email gửi đến một liên lạc viên của Liên Hợp Quốc với các tổ chức phi chính phủ. “Phái đoàn của tôi có một số lo ngại về an ninh [như đã đề cập] đối với những người này”.

Quan chức Liên Hợp Quốc, có tên trong đoạn cắt lại từ email bị rò rỉ, đã trả lời bằng cách xác nhận rằng 2 trong số những người bất đồng chính kiến ​​trong danh sách của ĐCSTQ đã được công nhận và có kế hoạch tham dự.

“Theo yêu cầu của bạn, xin vui lòng thông báo rằng Dolkun Isa và He Geng đã được công nhận bởi đảng Cấp tiến Bất bạo động, Xuyên quốc gia và Đảng xuyên quốc gia cho phiên họp thứ 21 của Hội đồng Nhân quyền”, quan chức Liên hợp quốc xác nhận với người của Bắc Kinh, không tỏ ra lo ngại chút nào về sự an toàn của 2 người bất đồng chính kiến ​​khi một trong số họ có gia đình vẫn đang sống ở Trung Quốc.

Anh Isa là chủ tịch của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, tổ chức đại diện cho người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc đang bị ĐCSTQ đàn áp một cách tàn bạo.

Nhiều nguồn tin chính thức trên thế giới nói rằng chế độ này đang giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại “cải tạo”. Những cựu tù nhân nói chuyện với The Epoch Times đã tiết lộ rằng họ bị hãm hiếp, tra tấn, tẩy não và lạm dụng một cách vô cùng dã man.

Anh Isa cũng là phó chủ tịch của Tổ chức Dân tộc và Quốc gia Không có Đại diện (UNPO), là tổ chức của các thành viên quốc tế được thành lập để tạo thuận lợi cho tiếng nói của các quốc gia và các dân tộc trên toàn thế giới hiện không có đại diện và bị đặt bên lề xã hội.

Một năm sau email đó, theo yêu cầu của phái đoàn đến từ Bắc Kinh, an ninh Liên Hợp Quốc đã cố gắng loại bỏ Isa khỏi phòng họp của Hội đồng Nhân quyền. Tuy nhiên, cô Reilly - và chỉ mình cô - đã can thiệp và ngăn chặn quá trình người ta hất cẳng nhân chứng quan trọng này khỏi cuộc họp.

Một người bất đồng chính kiến ​​khác được LHQ xác định trong email gửi phái bộ ĐCSTQ, Geng He, là vợ của luật sư nhân quyền Trung Quốc Gao Zhisheng, một người theo đạo Cơ đốc đã viết một cuốn sách về cách thức dã man mà ĐCSTQ đã tra tấn ông vì đức tin tôn giáo.

Một trong những lý do khiến ông Gao bị tra tấn dã man là do vợ ông đang phát biểu tại LHQ, như đã được các quan chức LHQ tiết lộ trước cho ĐCSTQ trong email kể trên.

Hình ảnh Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. (Ảnh từ Facebook của UNHRC)
Hình ảnh Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. (Ảnh từ Facebook của UNHRC)

Một email bị rò rỉ khác, được gửi từ năm 2013, cho thấy cùng một nhà ngoại giao của ĐCSTQ đang tìm cách xác nhận danh tính của các nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc sẽ có mặt Hội đồng Nhân quyền để vạch trần sự lạm dụng của ĐCSTQ.

“Phái đoàn Trung Quốc đã hợp tác rất tốt với bạn và cơ quan của bạn trong các phiên họp trước”, nhà ngoại giao ĐCSTQ nói với quan chức Liên Hợp Quốc trong email mà báo Epoch Times và các phương tiện truyền thông khác có được. "Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác giữa hai bên".

“Lần này, tôi cần bạn giúp tôi một lần nữa”, nhà ngoại giao của ĐCSTQ tiếp tục. “Một số nhà ly khai chống Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tham gia phiên họp HRC [như đã đề cập] dưới sự ngụy tạo của các tổ chức phi chính phủ khác. Họ có thể gây ra mối đe dọa cho Liên hợp quốc và Phái đoàn Trung Quốc".

“Bạn có thể vui lòng kiểm tra và thông báo cho tôi liệu những người mà tôi liệt kê dưới đây có được công nhận cho khóa họp thứ 22 [sic] của Hội đồng Nhân quyền hay không?” nhà ngoại giao ĐCSTQ hỏi. “Nếu bạn có bất kỳ thông tin nào, vui lòng liên hệ với tôi qua email hoặc theo số [sau đây]”.

Trong số những cái tên trong danh sách, một lần nữa lại có Dolkun Isa.

Theo Isa, các đặc vụ của ĐCSTQ đã đến nhà ông ở nước ngoài để cố gắng bịt miệng ông. Các đặc vụ của ĐCSTQ cũng bắt gia đình ông ở Trung Quốc, trong đó có mẹ ông, người mà sau đó đã chết trong một “trại tập trung” ở Trung Quốc vào năm 2018. Anh trai của ông cũng bị bắt. Và em trai của ông đã mất tích từ năm 2016. Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đưa tin rằng cha của Isa cũng đã qua đời, mặc dù Isa không biết khi nào và ở đâu.

Thời báo Epoch Times đã cố gắng liên lạc với nhà ngoại giao ĐCSTQ được đề cập theo số điện thoại di động Thụy Sĩ được liệt kê trong email, nhưng không thành công.

Các quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã trả lời email phái bộ của ĐCSTQ đó với tên của 4 nhà hoạt động dự kiến sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền.

Tờ The Epoch Times xin phép không tiết lộ danh tính của các nhà hoạt động chưa được công khai để bảo vệ an toàn và quyền riêng tư của họ.

Cô Reilly đã vô cùng tức giận và kinh hoàng trước những thông tin được tiết lộ: "Đây là một hành động ghê tởm, nhưng nếu Liên Hợp Quốc làm thế, ít nhất họ phải đảm bảo nó được công khai để những người liên quan biết được mối nguy hiểm mà họ sẽ phải đối mặt", cô nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua video từ Geneva (Thụy Sỹ). “Đây là phép lịch sự cơ bản và các tiêu chuẩn cơ bản của con người — đừng bí mật đặt những người này vào tình thế nguy hiểm. Đòi hỏi như thế liệu có nhiều quá không?"

Ngay từ đầu, các email tiết lộ rằng cô Reilly chống lại việc đưa tên của những người bất đồng chính kiến ​​cho ĐCSTQ. Thay vào đó, cô ủng hộ việc thông báo cho các cá nhân được bị nhắm đến.

Tuy nhiên, Trưởng Chi nhánh Hội đồng Nhân quyền LHQ Eric Tistounet lập luận rằng danh sách này đã được công khai rồi nên họ không thể từ chối lại các yêu cầu của ĐCSTQ được.

Thật vậy, ông Tistounet đề nghị hành động càng nhanh càng tốt để tránh “làm trầm trọng thêm sự ngờ vực của Trung Quốc”, các email tiết lộ.

"Khi nào họ mới cân nhắc đến an nguy của những người trong danh sách này?", cô Reilly bình luận với The Epoch Times.

Tin tức về các email xác nhận rằng LHQ gửi danh sách những nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc đã gây chú ý lớn trên truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ở châu Âu và Hoa Kỳ, vụ bê bối hầu như bị các hãng thông tấn lớn "ém nhẹm".

Trong khi bình luận với báo Epoch Times, cô Reilly kêu gọi các nhà báo trên toàn thế giới kiểm tra các tài liệu, bản ghi của các phiên tòa nội bộ và các bằng chứng khác để xem ai là người nói sự thật — và sau đó báo cáo sự thật này để mọi người trên thế giới có thể hiểu được những gì đang xảy ra. .

Nhưng cô Reilly cũng cho biết đây là vấn đề mang tính hệ thống đối với LHQ.

“Vấn đề với LHQ là không có người có tâm để làm, lại càng không có sự giám sát từ bên ngoài”, cô nói, trích dẫn các ví dụ khác về những người tố cáo đã bị đàn áp vì cố gắng làm điều đúng đắn. "Trừ khi các quốc gia thành viên hành động, nếu không thì điều này vẫn sẽ tiếp diễn".

Cô Reilly cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối quan hệ chặt chẽ giữa các điệp viên ĐCSTQ và các quan chức cấp cao trong hệ thống nhân quyền của LHQ chịu trách nhiệm bảo vệ nhân quyền.

Trong nhiều năm, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc đã cố gắng đánh lừa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, giới truyền thông và công chúng về vụ bê bối chia sẻ tên tuổi, cô Reilly nói.

Từ năm 2013 đến năm 2017, LHQ luôn luôn tuyên bố rằng không có việc tiết lộ danh tính nhân chứng này. Rất lâu sau đó, vào tháng 1 năm 2021, một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc nói với Cơ quan Anadolu rằng hoạt động này đã bị dừng “kể từ năm 2015”.

Tuy nhiên, trong một thông cáo báo chí ngày 2 tháng 2 năm 2017, nhằm xoa dịu những chỉ trích đang leo thang, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) thừa nhận rằng họ đã xác nhận với các chính phủ danh tính của những cá nhân được công nhận sẽ tham dự các chương trình về quyền con người.

“Các nhà chức trách Trung Quốc và các nước khác, thường xuyên hỏi Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc, vài ngày hoặc vài tuần trước các cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền, về việc các đại biểu [tổ chức phi chính phủ] cụ thể có tham dự phiên họp sắp tới hay không”, OHCHR của Liên hợp quốc cho biết. “Văn phòng không bao giờ xác nhận thông tin này cho đến khi quá trình công nhận chính thức được tiến hành và cho đến khi chắc chắn rằng không có rủi ro bảo mật rõ ràng nào”.

Cô Reilly cho biết cô đã bị sốc bởi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản phát hành: “Kiểm tra an ninh duy nhất từng được tiến hành, mỉa mai thay, lại là do các nhà ngoại giao Trung Quốc thực hiện", cô nói với Epoch Times.

Thật vậy, các bản ghi chép từ vụ việc này cho thấy Reilly đã thách thức Liên Hợp Quốc đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về các cuộc kiểm tra “an ninh” mà họ đã thực hiện trước khi chuyển giao tên. Hoàn toàn không có gì bất kỳ thông tin có thể cung cấp được.

Cô nói: “Tất cả là về việc liệu những người này có gây ra vấn đề cho các nhà ngoại giao Trung Quốc tại LHQ hay không", vì "nó không liên quan gì đến việc giữ an toàn cho bất kỳ ai".

Cô Reilly nói, đây là một sự vi phạm nghiêm trọng các quy tắc riêng của Liên hợp quốc, lưu ý rằng nếu các chính phủ muốn biết ai sẽ tham dự, họ phải hỏi toàn thể trước các quốc gia thành viên Liên hợp quốc khác.

Bất chấp vụ bê bối leo thang xung quanh hoạt động này và việc LHQ trả đũa người tố giác đã tiết lộ các email, Reilly nói với Đại Kỷ Nguyên rằng hoạt động giao nộp những tên bất đồng chính kiến ​​cho ĐCSTQ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

“Giờ đây, nó đã trở thành sứ mệnh và trách nhiệm của cá nhân tôi để ngăn chặn sự đồng lõa của Liên hợp quốc trong tội ác diệt chủng”, cô nói.

Các tài liệu do Epoch Times thu được cho thấy một số quan chức cấp cao nhất trong hệ thống Liên Hợp Quốc đã tham gia vào nỗ lực bịt miệng, làm mất uy tín và trả đũa Reilly vì những nỗ lực của cô.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã không trả lời yêu cầu bình luận về các email bị rò rỉ hoặc vụ bê bối lớn hơn.

Đầu năm 2020, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã từ chối yêu cầu bình luận của Epoch Times, với lý do các vụ kiện tụng đang diễn ra. Tuy nhiên, tuần này cô Reilly nói với Epoch Times rằng cô đã cho phép họ bình luận về vụ việc với giới truyền thông.

Nhiều phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng từ chối bình luận.

Tâm Chính

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Rò rỉ email xác nhận LHQ đã gửi tên của những người bất đồng chính kiến ​​cho ĐCSTQ