Reuters: Cần siết chặt quản lý tiền ảo để ngăn rủi ro hệ thống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rõ ràng, có những thời điểm mà tiền ảo khiến doanh nghiệp Mỹ phải vay với chi phí cao dù tiền thật và rẻ ngập nước Mỹ. Việc đó đã đe dọa tính thanh khoản của một bộ phận định chế tài chính Mỹ. Đầu cơ tiền ảo đã và đang xói mòn và xâm chiếm các nguồn lực vốn khan hiếm của khu vực kinh tế thực. Chính quyền Mỹ hiện chưa đưa ra các biện pháp cần thiết để theo kịp sự phát triển của tiền ảo.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, Gary Gensler, nói với Financial Times hôm 08/09 rằng các nền tảng giao dịch tài sản kỹ thuật số hiện là một ngành công nghiệp trị giá 2 nghìn tỷ USD, và các cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm soát thị trường.

Gần đây nhất, một phần rất nhỏ trong dự luật 1 nghìn tỷ USD của chính quyền ông Biden đã đề xuất đánh thuế hoạt động kinh doanh môi giới tiền ảo và yêu cầu các nhà phát triển tiền ảo phải minh bạch thông tin khách hàng để phục vụ việc kê khai thuế. Ngay lập tức, ngành kinh doanh tiền ảo đã bỏ ra một lượng tiền hết sức dồi dào để ngăn chặn một phần hoặc toàn bộ điều luật này.

Đầu cơ tiền ảo đang lấy đi nguồn lực vốn của doanh nghiệp, tạo rủi ro thanh khoản cho TTTC, chưa nói đến việc nó cũng làm suy yếu giá trị đồng USD.

Cái gọi là stablecoin (đồng tiền ổn định) là đồng tiền kỹ thuật số được phát triển trên nền tảng Blockchain và có giá trị neo vào một tài sản ổn định khác như vàng hay tiền pháp định như đồng USD và đồng EUR... Stablecoin được các nhà đầu tư lập luận rằng nó có tính phi tập trung, ổn định cao, bảo mật tốt, và có khả năng mở rộng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, stablecoin có thể không an toàn như vậy khi khủng hoảng diễn ra. Những nhà phát hành stablecoin tuyên bố họ có đủ tiền để thanh toán cho những người nắm giữ đồng tiền này nếu thị trường đột ngột gặp vấn đề và tất cả người dùng muốn đổi stablecoin của họ ra tiền mặt. Đó chỉ là một lời tuyên bố. Hiện không có bất kỳ một biện pháp đảm bảo, giám sát nào cho cam kết đó, và thực tế đang khác xa những gì họ tuyên bố.

Hãy lấy đồng Tether làm ví dụ. Đây là đồng stablecoin được ưa chuộng nhất với khoảng 67,5 tỷ USD giá trị đang được lưu hành, chiếm khoảng 55% thị trường.

Tính đến cuối tháng 6, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng được sử dụng để đảm bảo cho Tether chỉ chiếm 10%, trong khi nợ chính phủ Mỹ chiếm khoảng 24%, theo báo cáo kế toán độc lập của Tether. Gần 50% khác được đảm bảo bởi thương phiếu và chứng chỉ tiền gửi với giá trị khoảng 31 tỷ USD. Theo số liệu từ ICI, hiệp hội thương mại dành cho các quỹ đầu tư, con số này tương đương với khoảng 20% tổng số nợ doanh nghiệp ngắn hạn tại các quỹ thị trường tiền tệ.

Vào tháng 3/2020, trong đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch, cầu về vốn ngắn hạn của khu vực doanh nghiệp tăng cao để vượt qua khủng hoảng, và đây cũng là thời gian mà tiền ảo bắt đầu tích lũy chờ xu hướng tăng cao trở lại. Một khoản lớn đầu tư tiền mặt bị rút ra khỏi các quỹ thị trường tiền tệ đã gây ra sự sụt giảm đột ngột đầu tư vào thương phiếu của doanh nghiệp. Cầu giảm khiến chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng theo. Chi phí đi vay cho các khoản nợ doanh nghiệp ngắn hạn vào thời điểm đó đã ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sau đó đã phải can thiệp để giảm áp lực thị trường.

Đó là một nguy cơ đáng lo ngại cho thị trường tài chính. Rõ ràng là tiền ảo đã xâm lấn lợi ích khu vực kinh tế thực, tạo rủi ro thanh khoản theo thời điểm cho các định chế tài chính. Rủi ro thanh khoản luôn là rủi ro nguy hiểm nhất có thể dẫn tới đổ vỡ trên bất kỳ thị trường tài chính nào. Vào hồi tháng 7, Fitch Ratings đã cảnh báo rằng việc đầu cơ ồ ạt của Tether có thể ảnh hưởng đến “sự ổn định của thị trường tín dụng ngắn hạn”.

Chuyên gia tài chính Mỹ cho rằng nếu muốn củng cố sự ổn định của stablecoin thì cần thiết lập các quy tắc thanh khoản trong đó yêu cầu các tổ chức phát hành tiền điện tử phải nắm giữ một số lượng nhất định tài sản được đánh giá có mức an toàn cao như là đồng USD. Đây cũng là một lĩnh vực mà các nhà quản lý cần nhanh chóng tìm hiểu và đưa vào áp dụng. Nếu họ không tăng tốc và bắt kịp thì khả năng sẽ có một cuộc khủng hoảng lớn hơn đang chờ đợi phía trước, theo Reuters.

Chi Anh - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Reuters: Cần siết chặt quản lý tiền ảo để ngăn rủi ro hệ thống