Phục hồi kinh tế rõ nét nhờ FDI trong khi hàng chục ngàn doanh nghiệp nội địa đã biến mất khỏi thị trường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế phục hồi rõ nét so với năm 2020 dù còn yếu hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước đại dịch, chủ yếu nhờ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tăng khá nhanh của khu vực FDI. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nội địa đang chịu hậu quả nặng nề nhất trong cơn bão, gần chục nghìn doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường mỗi tháng.

Tăng trưởng có dấu hiệu thoát đáy năm 2020 do đại dịch hoành hành khắp toàn cầu. Tuy nhiên, tăng trưởng quý I/2021 chỉ tăng khá hơn so với cùng kỳ 2020, vẫn là mức thấp thứ hai trong chu kỳ tăng trưởng 10 năm qua.

Tăng trưởng GDP quý I trong 10 năm qua (2011-2021), nguồn: TCTK

Động lực thoát đáy với tăng trưởng không chỉ đến từ thặng dư trong cán cân thanh toán mà còn đến từ khôi phục sản xuất và tiêu dùng trong nước, đặc biệt là sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo Tổng cục thống kê (TCKT) sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16% - đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3% - đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34% - đóng góp 35,70%.

Ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng khá 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% - cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 14,3% của quý I/2018 và 11,52% của quý I/2019; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.

Sự phục hồi tăng trưởng có đóng góp lớn từ thặng dư thương mại do cầu kinh tế thế giới phục hồi nhẹ sau đại dịch.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021 ước tính đạt 152,65 tỷ USD - tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD - tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD - tăng 26,3%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu quý I/2021 tăng chủ yếu nhờ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng tới 28,5% so với cùng kỳ năm trước trong khi khu vực trong nước chỉ tăng 4,9% so cùng kỳ. Thặng dư thương mại nhờ xuất khẩu tăng mạnh của khu vực FDI cũng giải thích tốc độ phục hồi của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và mức đóng góp cao hơn của ngành này so với các ngành khác (vốn chủ yếu thuộc khu vực kinh tế trong nước).

Sự tăng trưởng của xuất khẩu FDI trong bối cảnh này là quý giá. Tuy nhiên, các ưu đãi quá mức dành cho FDI đã tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước trên chính sân nhà, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa. Thực tế, trước mỗi cơn bão, chấn động địa kinh tế - chính trị trong nước và khu vực, nhóm doanh nghiệp nội địa luôn bị tổn thương lớn nhất.

Nghiên cứu của VERP về báo cáo chi tiêu thuế (thực chất là ưu đãi thuế cho khu vực FDI) cho thấy các ưu đãi thuế làm hụt thu 20% ngân sách trong khi tạo ra môi trường kinh doanh mất công bằng giữa khu vực kinh tế FDI và kinh tế trong nước.

Nguồn: TCTK

Chỉ tính riêng quý 1/2021, gần 30,000 doanh nghiệp nội địa biến mất khỏi thị trường (hoàn tất thủ tục giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động). Gần 10.000 doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường mỗi tháng. Con số kỷ lục về lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường kể từ khi TCTK tuyên bố số liệu này.

Trà Nguyễn

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Phục hồi kinh tế rõ nét nhờ FDI trong khi hàng chục ngàn doanh nghiệp nội địa đã biến mất khỏi thị trường