Phố Wall cuối cùng cũng ‘mở mắt’ trước sự tráo trở của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuần này, Tập Cận Bình đã giáng một đòn bẽ mặt vào Phố Wall, đè bẹp một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc ngay sau khi các nhà đầu tư Mỹ đã giao hàng tỷ USD trong đợt IPO của công ty này. Đó là thời điểm mà ngay cả những người hậu thuẫn Trung Quốc mạnh mẽ nhất của Phố Wall cuối cùng cũng thừa nhận rằng cuộc chơi về cơ bản đã thay đổi. Đầu tư tương lai của người Mỹ vào các công ty Trung Quốc không còn là rủi ro mà Phố Wall có thể tính toán nổi, chưa nói gì đến chuyện phòng thủ.

Vào ngày 2/7 vừa qua, chỉ 2 ngày sau khi Goldman Sachs, JP Morgan và Morgan Stanley tung ra đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho ứng dụng gọi xe Trung Quốc Didi trên Sàn giao dịch chứng khoán New York, các nhà quản lý Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp công ty này. Trích dẫn những lo ngại về quyền riêng tư của dữ liệu, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh xóa ứng dụng của Didi khỏi các cửa hàng ứng dụng, để chờ một quy trình xem xét an ninh quốc gia không rõ ràng. Kết quả là, cổ phiếu đã mất 30% giá trị kể từ sau IPO không lâu, khi các nhà đầu tư, hầu hết đến từ Hoa Kỳ, đã bỏ 4,4 tỷ USD vào công ty. Thật đáng xấu hổ, các công ty Phố Wall thực hiện IPO Didi đã thu về hàng triệu USD các loại phí bất kể kết quả sẽ ra sao.

Hậu quả của việc này vô cùng nghiêm trọng. Cổ phiếu niêm yết trên sàn NYSE của Didi đã giảm xuống dưới mức giá IPO. Các nhà đầu tư đã tiến hành 2 vụ kiện ở New York và Los Angeles nhằm buộc tội giám đốc điều hành Didi và các ngân hàng bảo lãnh phát hành của hãng này vì không công bố thông tin về các cuộc điều tra đang diễn ra trước khi Didi niêm yết. Các chuyên gia tài chính đều đặt câu hỏi rằng liệu chứng khoán Trung Quốc còn có thể là tài sản đầu tư được nữa hay không.

Có rất nhiều thứ cần phải làm rõ ở đây. Nhưng có một điều chắc chắn là: trong tương lai, chứng khoán Trung Quốc sẽ không bao giờ được nhìn nhận như trước nữa.

Một số chuyên gia ở Phố Wall - có lẽ là lần đầu tiên - nhận ra rằng họ đã hành động như những kẻ ngốc hữu dụng khi khuyến khích người Mỹ ném tiền vào các công ty công nghệ Trung Quốc. Người dẫn chương trình CNBC, Jim Cramer, đã nói về Didi vào tuần trước: “Tôi sẽ cố gắng mua được càng nhiều cổ phần càng tốt … Tôi không nghĩ rằng họ sẽ gặp nhiều rắc rối với các cơ quan quản lý”.

Tuần này, anh ta lại “đổi giọng”: “Bạn là một kẻ ngu ngốc nếu bạn đầu tư vào một thương vụ đầu tư của Trung Quốc sau việc này. Đồ ngu. Tôi không quan tâm nếu nó đổ bể”, Cramer nói . "Tại sao bạn cần phải đặt vốn của mình vào rủi ro sau việc này chứ?".

Anh Cramer, một người hoài nghi về Trung Quốc mới xuất hiện, đang lặp lại những lo ngại về việc Washington đã chiều theo ý muốn của Phố Wall trong vài năm qua. Các công ty Trung Quốc huy động vốn tại Mỹ không thể được kiểm toán. Và bây giờ Bắc Kinh quyết tâm tăng cường kiểm soát đối với tất cả các ngành công nghiệp của Trung Quốc, các công ty này không thể tuyên bố một cách đáng tin cậy là họ độc lập với chính phủ Trung Quốc.

Hình ảnh chụp tòa nhà "Didi Chuxing" - gã khổng lồ ứng dụng gọi xe của Trung Quốc hôm 2/7/2021. (JADE GAO/AFP / Getty Images)
Hình ảnh chụp tòa nhà "Didi Chuxing" - gã khổng lồ ứng dụng gọi xe của Trung Quốc hôm 2/7/2021. (JADE GAO/AFP / Getty Images)

Cuộc đàn áp đối với Didi và những gã khổng lồ công nghệ khác của ĐCSTQ không có gì đáng ngạc nhiên. Sau khi ĐCSTQ tấn công IPO của Ant Group vào năm ngoái, các nhà đầu tư ủng hộ Didi hoặc đã không chú ý hoặc đã không tự rút ra được bài học cho mình. Thay vì chú ý đến những cảnh báo đó, các chuyên gia tài chính ở New York đã nói với khách hàng của họ và chính họ rằng đầu tư vào Trung Quốc là sự đánh cược chắc chắn. Giờ đây, hậu quả tài chính sẽ không rơi vào những người gác cổng hàng đầu trong ngành tài chính, mà là các khách hàng của họ - hàng triệu nhà đầu tư Hoa Kỳ kém khôn ngoan.

Didi là ứng dụng gọi xe lớn nhất của Trung Quốc và thu thập dữ liệu khổng lồ như nơi người Trung Quốc sẽ đi và khi nào họ đi. Đạo luật có trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ phải tuân theo các cuộc kiểm toán theo quy định của Hoa Kỳ, điều này có thể khiến dữ liệu đó rơi vào tay người Mỹ. Đây là một trong những lý do chính thức khiến Bắc Kinh muốn kìm hãm các công ty công nghệ.

Khi mà căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng trở nên tồi tệ, các công ty dịch vụ tài chính, quản lý tài sản và quỹ đầu tư Phố Wall đã chạy đua để tăng cổ phần của họ trong công ty Trung Quốc thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm cả những công ty mà Washington đã xử phạt vì đồng lõa với tội ác nhân quyền hoặc có liên kết đến Quân đội Trung Quốc.

Bị hấp dẫn bởi thị trường Trung Quốc béo bở, các công ty Phố Wall và các cơ quan quản lý Hoa Kỳ đã hăng hái giúp một loạt các công ty Trung Quốc huy động tiền từ các nhà đầu tư Mỹ. Những người này sau đó nhận ra rằng mình đang nắm giữ những tài sản rủi ro vì tiền tiết kiệm của họ bị ràng buộc vào quỹ hưu trí hoặc các phương tiện khác mà họ không trực tiếp quản lý.

Cho đến nay, nhiều người trong giới tài chính muốn tin rằng ĐCSTQ về cơ bản là thực dụng. Họ nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ mạo hiểm với sự phát triển kinh tế của mình bằng cách giết chết những cỗ máy in tiền của Phố Wall, và rằng các nhà đầu tư luôn có thể tin tưởng vào việc ra quyết định hợp lý và lợi nhuận chắc chắn. Không có quan điểm nào trong số đó có thể biện minh được nữa. Với động thái của Didi, ông Tập đã chấm dứt hoạt động kinh doanh như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Tình hình ngày càng tồi tệ chứ không khá hơn. Các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Tencent đang phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ vì nhiều cáo buộc vi phạm khác nhau. Chính phủ Trung Quốc đang theo đuổi nhiều công ty Trung Quốc huy động vốn tại thị trường Mỹ. Nhận thấy rằng sự chia ly giữa Mỹ và Trung Quốc là chắc chắn, ông Tập có thể muốn lèo lái quá trình này theo cách riêng của mình, đưa các công ty Trung Quốc về nước để giúp củng cố thị trường vốn của chính đất nước mình.

Lê Minh
Theo Washington Post



BÀI CHỌN LỌC

Phố Wall cuối cùng cũng ‘mở mắt’ trước sự tráo trở của Bắc Kinh