Ông Tập đe dọa ‘Đối đầu Mỹ-Trung sẽ là thảm họa’ - Mỹ gấp rút đặt ra chương trình ‘cạnh tranh chiến lược’ với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đưa ra một chương trình nghị sự về an ninh quốc gia - phác thảo cách nước này sẽ cạnh tranh với một Trung Quốc ngày càng hung hăng - bao gồm cả việc khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu và thúc đẩy các liên minh để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.

Hướng dẫn chiến lược tạm thời được công bố hôm thứ Tư (ngày 3/3) đã mô tả Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất - có khả năng “thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở”, đặt trọng tâm vào lợi ích của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương so với sự tập trung vào Trung Đông dưới thời chính quyền Obama.

Chính quyền Biden đưa ra chương trình nghị sự - chống lại lời ‘đe dọa’ của ông Tập

Các ưu tiên an ninh quốc gia bao gồm: Bảo vệ, củng cố nền dân chủ của nước này tại quê nhà; thúc đẩy “sự phân bổ quyền lực thuận lợi” để răn đe hoặc ngăn chặn những kẻ thù đe dọa Mỹ và các đồng minh của họ; giữ vai trò lãnh đạo trong một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do các liên minh dân chủ bảo đảm.

“Tổng hợp lại, chương trình nghị sự này sẽ củng cố những lợi thế lâu dài của chúng tôi và cho phép chúng tôi giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, hoặc với bất kỳ quốc gia nào khác”, báo cáo viết. "Bằng cách khôi phục sự tín nhiệm của Hoa Kỳ và tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu hướng tới tương lai, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đặt ra chương trình nghị sự quốc tế, làm việc cùng với những nước khác để hình thành các chuẩn mực và thỏa thuận toàn cầu mới - nhằm thúc đẩy lợi ích và phản ánh giá trị của chúng tôi".

Điều này phản ánh rằng chính quyền Biden đã đưa ra báo hiệu cho thấy họ sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc - vốn có từ thời chính quyền Trump trước đó - nắm quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ trong hệ thống liên minh quốc tế.

Trong khi Bắc Kinh “háo hức” kêu gọi thiết lập lại quan hệ Mỹ-Trung sau nhiệm kỳ đầy biến động của ông Trump, ông Biden cho biết ông mong đợi "sự cạnh tranh gay gắt" với Trung Quốc, đồng thời vẫn để lại không gian hợp tác về các vấn đề như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.

“Đối đầu Mỹ-Trung sẽ là thảm họa”, ông Tập nói trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Biden (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)
“Đối đầu Mỹ-Trung sẽ là thảm họa”, ông Tập nói trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Biden (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 2/2021, hai bên đã thể hiện sự xung đột về các hoạt động kinh tế và về vấn đề vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh; trong đó ông Tập kêu gọi Mỹ tôn trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc liên quan đến Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng.

“Đối đầu Mỹ-Trung sẽ là thảm họa”, ông Tập nói trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Biden

Chương trình nghị sự sâu rộng, nhắm mục tiêu vào cả Đài Loan và vấn đề nhân quyền

Chương trình nghị sự về an ninh quốc gia của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng Mỹ không chỉ cần tăng cường mạng lưới đồng minh và đối tác, mà còn phải thực hiện các khoản đầu tư quốc phòng thông minh - nhằm đối đầu với các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, bảo vệ tự do hàng hải, và hỗ trợ các nước láng giềng của Trung Quốc “bảo vệ quyền của họ để đưa ra các lựa chọn chính trị độc lập - không bị ép buộc hoặc ảnh hưởng quá mức của nước ngoài”.

Tài liệu chương trình nghị sự nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Đài Loan với tư cách là một “nền dân chủ hàng đầu và một đối tác kinh tế và an ninh quan trọng”, một sự hòa nhập mà Đài Bắc hoan nghênh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Đài Loan Joanne Ou hôm thứ Tư cho biết đã có nhiều biểu hiện ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Loan dưới thời chính quyền Biden, và nhắc lại rằng đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Đài Loan là “vững chắc”.

“Đài Loan và Hoa Kỳ có cùng triết lý và mục tiêu chung khi nói đến việc bảo vệ các giá trị dân chủ, và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ của Biden để tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu chặt chẽ, dựa trên nền tảng của mối quan hệ lâu dài và sâu sắc của chúng tôi”, bà Ou nói.

Chương trình nghị sự của Nhà Trắng hôm thứ Tư cũng cho biết Mỹ sẽ ủng hộ nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng. Bộ trưởng Ngoại giao Biden Antony Blinken đã nói rằng ông đồng ý với những chỉ trích của chính quyền Trump rằng “sự đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương tương đương với tội ác diệt chủng”.

Ứng cử viên ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu sau khi được Tổng thống đắc cử Joe Biden giới thiệu, tại Nhà hát Queen vào ngày 24 tháng 11 năm 2020 ở Wilmington, Delaware. (Ảnh: Getty)
Ứng cử viên ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu sau khi được Tổng thống đắc cử Joe Biden giới thiệu, tại Nhà hát Queen vào ngày 24 tháng 11 năm 2020 ở Wilmington, Delaware. (Ảnh: Getty)

“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các công ty Mỹ không hy sinh các giá trị của Mỹ khi kinh doanh ở Trung Quốc. Về tất cả những vấn đề này, chúng tôi sẽ làm việc để tạo ra một cách tiếp cận chung với các quốc gia cùng chí hướng”, hướng dẫn chiến lược viết, ám chỉ nỗ lực của Mỹ nhằm cấm sử dụng lao động cưỡng bức từ Tân Cương trong chuỗi cung ứng của họ.

Washington tạo áp lực lớn nhưng ‘vẫn còn chỗ cho sự hợp tác’

Tuy nhiên, chương trình nghị sự vẫn “còn có chỗ” cho sự hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân - những cam kết sẽ được thực hiện “từ vị thế tự tin và sức mạnh”.

“Chúng tôi sẽ tiến hành ngoại giao thực tế để hướng tới kết quả với Bắc Kinh và làm việc để giảm nguy cơ ngộ nhận và tính toán sai lầm”, báo cáo viết. “Chúng tôi sẽ tập hợp các đồng minh và đối tác tham gia cùng chúng tôi, tổng hợp đòn bẩy đàm phán, thể hiện sức mạnh tập thể và quyết tâm của chúng tôi”.

Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Ocean Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh sẽ thất vọng với cách tiếp cận của chính quyền Biden trong việc “tiếp tục và thậm chí nâng cao” các chính sách cứng rắn của thời Trump, và tăng cường liên minh để đối phó với Trung Quốc.

“Dường như vẫn chưa có bất kỳ thay đổi nào đối với những căng thẳng nghiêm trọng ở trong quan hệ Mỹ-Trung”, ông Zhongying nói. “Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh có thể cảm thấy thất vọng vì sau hơn 40 ngày của chính quyền mới, họ không thấy bất kỳ sự thay đổi nào, trong khi thực sự có nhiều áp lực hơn từ Mỹ”.

Trần Đức

Theo SCMP

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập đe dọa ‘Đối đầu Mỹ-Trung sẽ là thảm họa’ - Mỹ gấp rút đặt ra chương trình ‘cạnh tranh chiến lược’ với Trung Quốc