Nông dân Trung Quốc lo sợ thiếu lương thực sau đại dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nông dân Trung Quốc đang đối mặt với một mùa trồng trọt khó khăn khi họ phải vật lộn với tình trạng thiếu thốn lao động, hạt giống và phân bón sau khi toàn quốc bị phong tỏa để kiểm soát sự lây lan của virus Corona Vũ Hán. Bên cạnh đó, nạn châu chấu sa mạc đang áp sát càng khiến cho bức tranh trở nên ảm đạm hơn.

Theo Financial Times, một cuộc khảo sát của Đại học Qufu vào tháng trước dành cho các cán bộ thôn, làng xã ở 1.636 quận cho thấy 60% số người được hỏi cảm thấy bi quan hoặc rất bi quan về mùa trồng trọt năm nay.

Tâm trạng ảm đạm đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới sau khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, dẫn đầu là việc hạn chế giao thông, đã gây nhiều thiệt hại cho hoạt động nông nghiệp. “Ngành công nông nghiệp của Trung Quốc đang sụp đổ do không có dòng chảy tự do của lao động và nguyên liệu thô”, ông Ma Wenfeng, một nhà phân tích làm việc cho hãng tư vấn CnAgri có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.

Trang trại thiếu nhân lực, hạt giống và phân bón do virus Corona Vũ Hán

Các trang trại Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào lao động nhập cư và đang chật vật trong việc tìm đủ lao động sau khi giao thông công cộng bị đình chỉ nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Theo khảo sát của Đại học Vũ Hán, chưa đến một phần ba người trưởng thành địa phương từ 104 ngôi làng ở 12 tỉnh nội địa đã rời quê để đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thông thường, từ 80% đến 90% người trưởng thành sẽ làm việc ở nơi khác.

Ông Wang Heqing, chủ một trang trại rộng 94 ha ở phía nam tỉnh Quảng Đông, cho biết 80% công nhân của mình đang bị mắc kẹt tại nhà ở tỉnh Quý Châu do những hạn chế đi lại. Thay vì trồng bắp cải và ngô ngọt như dự tính, ông Wang đã chuyển sang trồng lúa vì công việc này cần ít lao động hơn. Tuy nhiên giá bán gạo thường không cao bằng giá bán rau.

Ông Wang cho biết: “Tình trạng thiếu lao động đã giáng một đòn mạnh vào các trang trại trồng rau ở Quảng Đông, nhưng chúng tôi phải khéo xoay xở với những gì mình có”. Những người nông dân cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu phân bón và hạt giống. Vấn đề đặc biệt rõ rệt ở tỉnh Hồ Bắc - nơi sản xuất phân bón lớn nhất cả nước và cũng là trung tâm của sự bùng phát virus Corona.

Các nhà máy địa phương đang phải vật lộn để mở cửa trở lại do những hạn chế đi lại. Những quy định này vẫn được duy trì mặc dù số lượng các ca nhiễm mới của Trung Quốc (theo công bố của chính phủ) đang giảm. Một giám đốc điều hành của Tập đoàn Sản xuất Nông nghiệp Beifeng - một nhà phân phối phân bón lớn, cho biết các tỉnh phía đông bắc của Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn sản lượng ngũ cốc của cả nước, đang phải đối mặt với sự thiếu hụt 1,3 triệu tấn phân lân, tương đương 40% lượng tiêu thụ hàng năm (theo Financial Times).

Thảm họa kép thiếu lương thực có thể xảy ra bởi nạn châu chấu sa mạc đang áp sát

Ngoài việc phải đối phó với dịch viêm phổi Vũ Hán, Trung Quốc cũng đang tăng cường cảnh báo về một đàn châu chấu khổng lồ chuẩn bị tràn qua biên giới nước này, sau khi chúng tấn công châu Phi, Pakistan và Ấn Độ gây tổn thất lớn cho ngành nông nghiệp.

Thông báo khẩn cấp của Cục Quản lý Lâm nghiệp Trung Quốc cho rằng mặc dù nguy cơ gây thảm họa không cao, nhưng nước này sẽ khó kiểm soát đàn châu chấu do thiếu kỹ thuật giám sát và có ít kiến thức về hình thức di cư của chúng, theo báo SCMP.

Bắc Kinh đã phải triệu tập một đội đặc nhiệm nhằm chuyên theo dõi, kiểm soát và nếu có thể thì ngăn chặn sự xuất hiện của loài côn trùng phàm ăn này. Chính phủ cũng lên kế hoạch cho cuộc họp các chuyên gia trong tháng 3 để thảo luận cách phòng chống trên toàn quốc, bao gồm cả hệ thống cảnh báo khẩn cấp.

Nông nghiệp Trung Quốc đã trải qua một năm 2019 đầy khó khăn, sau khi bị nạn sâu keo tấn công trên 1 triệu ha đất nông nghiệp. Tiếp theo là dịch tả lợn châu Phi khiến hơn một nửa trong số 440 triệu con trên toàn quốc phải tiêu hủy.

Đến năm 2020, nạn châu chấu có thể kéo nền kinh tế Trung Quốc vào nguy cơ khủng hoảng sau dịch bệnh Covid-19. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng có khả năng đàn châu chấu khổng lồ này sẽ xâm nhập Trung Quốc vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay.

Châu chấu là loài gây hại lâu đời nhất và có tính tàn phá lớn với mùa màng, đồng cỏ và thực vật. Theo Liên Hợp Quốc, số lượng châu chấu trên mỗi km vuông có thể lên tới 40 triệu con, chúng có thể bay 150km mỗi ngày và ăn hết số thực phẩm dành cho 35.000 người chỉ trong một ngày.

Thiếu hụt lương thực làm gia tăng thêm lạm phát giá lương thực vốn rất trầm trọng trong tháng 2/2020

“Chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng nông nghiệp ở mức an toàn nếu sự thiếu hụt không được cải thiện trong 30 ngày tới”, chính quyền cho biết. Các nhà phân tích nói rằng sản lượng nông nghiệp giảm mạnh, đặc biệt là ngũ cốc, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát giá lương thực vốn đã đạt tới 21,9% vào tháng Hai - mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.

Financial Times nhận định, điều này sẽ đặt ra một thách thức chính trị cho Đảng Cộng sản cầm quyền, vốn đã bị cáo buộc che đậy sự bùng phát của dịch bệnh. Một học giả ở Bắc Kinh nhận xét: “Người Trung Quốc có thể chỉ càu nhàu khi giá thịt lợn tăng gấp đôi, nhưng họ sẽ đứng lên chống lại Đảng nếu giá gạo tăng vọt”.

Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Nông dân Trung Quốc lo sợ thiếu lương thực sau đại dịch