Nợ toàn cầu tăng kỷ lục, Ngân hàng Trung ương các nước vẫn phải nới lỏng tiền tệ để cứu vớt tăng trưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cầu thế giới suy giảm, tăng trưởng thấp, triển vọng tăng trưởng màu xám ở hầu hết các nền kinh tế đã buộc Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước tiếp tục nới lỏng tiền tệ để cứu vớt tăng trưởng. Đây không phải là tín hiệu tốt cho tương lai bởi dư địa chính sách tiền tệ ngày một hạn hẹp trong khi nợ toàn cầu đã tăng kỷ lục...

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 bùng nổ trong bối cảnh dòng vốn rẻ và dễ dãi không được kiểm soát đúng mức đã làm bùng nổ nợ dưới chuẩn trong ngành bất động sản. Nhưng kể từ sau khủng hoảng này, để hỗ trợ tăng trưởng, các nền kinh tế đều duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, tiếp tục cung ra thị trường nguồn vốn rẻ dù tăng cường thể chế giám sát an toàn chặt chẽ hơn.

Trong suốt một thập kỷ theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, NHTW nhiều nước thậm chí đã sử dụng chính sách lãi suất âm. Để hài hòa với chính sách tiền tệ và tận dụng dòng vốn rẻ, chính phủ các nước cũng mở rộng tài khóa. Điều này dẫn đến nợ khu vực công, khu vực doanh nghiệp toàn thế giới tăng kỷ lục, cao hơn GDP toàn cầu 2,3 lần theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và thậm chí là hơn 3 lần theo ước tính của Viện tài chính quốc tế IIF.

Mặc dù dư địa chính sách tiền tệ không còn là bao, nhưng áp lực tăng trưởng, tạo việc làm, duy trì lợi thế chính trị đã khiến NHTW và chính phủ các nước không thể không tiếp tục nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Đáng lưu ý là đã xuất hiện dấu hiệu nới lỏng chuẩn mực an toàn chỉ để bơm tiền vào hệ thống bất chấp rủi ro nợ ngày một lớn. Việc này làm tăng rủi ro nợ xấu và căng phồng thêm bong bóng nợ toàn cầu.

Triển vọng tăng trưởng màu xám ở hầu hết các nền kinh tế lớn, các tổ chức quốc tế liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng

Trong báo cáo tháng 10 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống mức 3,0%, mức thấp nhất từ sau khủng hoảng năm 2008; và hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu xuống 1,1%, giảm 2,3 điểm % so với dự báo T4/2019. Tăng trưởng 2020 cũng không khả quan, IMF dự báo tăng trưởng năm 2020 đạt 3,4% thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo tháng 4 do tác động của 2 đợt tăng thuế vào tháng 5 và tháng 8. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD vào tháng 9/2019 cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 xuống còn 3% (2019 ước tính là 2,9%), giảm 0,4 điểm % so với dự báo trước đó của tổ chức này.

Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2019-2020 được các tổ chức quốc tế dự báo ảm đạm do bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất định: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Brexit, bất ổn địa chính trị diễn ra nhiều nơi trên thế giới, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực EU suy giảm.

Cùng với suy giảm cầu, lạm phát dự báo ở mức thấp, giá hàng hóa cơ bản giảm mạnh

IMF dự báo lạm phát của các nền kinh tế phát triển sẽ không thể đạt mức lạm phát mục tiêu; ước đạt 1,5% và 1,8% trong năm 2019 và 2020. Với các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát 2019 và 2020 dự báo ở mức 4,7% và 4,8%.

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo không mấy khả quan về giá hàng hóa, nhiên liệu toàn cầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA (T9/2019) dự báo giá dầu Brent bình quân sẽ ở mức 60 USD/thùng vào quý cuối năm 2019 và 62 USD/thùng vào năm 2020. Citigroup cho rằng giá dầu Brent trung bình trong quý 4 năm nay sẽ ở mức 64 USD/thùng, sau đó giảm còn 53 USD vào cuối 2020. ANZ (T8/2019) dự báo giá dầu WTI và giá dầu Brent sẽ giảm lần lượt là 18,9% và 21% trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện không có bất ổn nghiêm trọng về địa chính trị.

Để cứu vớt tăng trưởng, NHTW sử dụng nhiều công cụ nới lỏng tiền tệ nhằm cung thêm nguồn vốn giá rẻ ra thị trường

Fed lần thứ ba trong năm cắt giảm lãi suất điều hành. Ngày 30/10 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất chính sách lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Theo đó, lãi suất được giảm 0,25 điểm phần trăm xuống mức từ 1,50 - 1,75% do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như lạm phát trong nước vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, Fed vẫn đánh giá kinh tế Mỹ đang tăng trưởng bền vững, thị trường lao động vững chắc và lạm phát đang tiến dần đến ngưỡng mục tiêu 2%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo hạ lãi suất tiền gửi chính 10 điểm cơ bản xuống mức kỷ lục -0.5%/năm, đồng thời tái khởi động chương trình mua trái phiếu (QE) trị giá 20 tỷ EUR/tháng nhằm thúc đẩy nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong cuộc họp chính sách tháng 10 vừa qua, NHTW Nhật Bản vẫn quyết định duy trì lãi suất chính sách âm (-0.1%), mục tiêu lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật 10 năm quanh mức 0% và khối lượng mua trái phiếu hàng năm ở mức khoảng 80 nghìn tỷ yên (khoảng 740 tỷ USD). NHTW Nhật Bản (BOJ) cũng phát tín hiệu có thể giảm thêm lãi suất nếu cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã 7 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc kể từ khi bắt đầu thương chiến với Mỹ (2018 đến nay). Theo tính toán của Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), PBoC đã bơm 610 tỷ USD vào nền kinh tế để cứu vớt tăng trưởng. Mặc dù vậy, tăng trưởng của nền kinh tế này vẫn xuống thấp kỷ lục trong 30 năm qua.

Không chỉ các nền kinh tế lớn, NHTW các nước đều liên tục hạ lãi suất cho vay, nới lỏng tiền tệ. NHTW Malaysia cắt giảm lãi suất dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản về mức 3%, chính sách có hiệu lực từ ngày 16/11/2019. Ngày 6/11/2019, NHTW Thái Lan hạ lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản, về mức 1,25% nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, NHTW Thái Lan có thể nới lỏng các quy định về vốn ra (capital outflow) nhằm làm giảm áp lực lên đồng Bạt Thái (theo UoB). Ngày 19/9, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) hạ lãi suất cho vay 0,25 điểm % xuống mức 5,25%. Đây là tháng thứ ba liên tiếp BI cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện tại, nợ toàn cầu đã tăng mức kỷ lục, việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ sẽ làm tăng bất ổn tài chính, thậm chí có thể thổi bùng một cuộc khủng hoảng mới

Theo IMF, nợ toàn cầu hiện đã tăng lên mức kỷ lục - 188 nghìn tỷ USD, tương đương 230% GDP toàn cầu; có nguy cơ đe dọa ổn định tài chính toàn cầu. Theo báo cáo khác của Viện tài chính quốc tế IIF, khối nợ toàn cầu ước tính còn cao hơn con số IMF đưa ra, tương đương hơn 300% GDP toàn cầu.

Nợ toàn cầu 2012-2019
Nợ toàn cầu 2012-2019.

-Nguồn: Viện tài chính quốc tế IIF

IMF nhấn mạnh sự gia tăng của nợ công là một trong những nguyên nhân dẫn tới núi nợ khổng lồ này:Nợ công tại các nền kinh tế phát triển đang ở mức không thể xác định kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai. Trong khi nợ công tại các nền kinh tế mới nổi ở mức tương đương mức ghi nhận tại thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công trong những năm 1980".

Sự gia tăng nợ công gần đây tại các nền kinh tế phát triển nhìn chung là do chính sách ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây 2007-2008. Tại các nước đang phát triển, tình trạng nợ công tăng phản ánh sự sụt giảm mạnh mẽ giá tiêu dùng, thảm họa thiên nhiên, xung đột vũ trang và những khoản đầu tư quá lớn vào những dự án không hiệu quả. Trong báo cáo công bố tháng 12 năm ngoái, IMF cho biết tổng nợ toàn cầu năm 2017 là 184 nghìn tỷ. Tỷ lệ nợ công tăng cao gây ra rủi ro đối với hệ thống tài chính. IMF kêu gọi sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các quốc gia đi vay và cho vay nhằm cải thiện những quy định về hợp đồng vay, có thể giúp giảm bớt những rủi ro và tăng tính trách nhiệm.

Không chỉ nợ công, IMF cũng đưa ra cảnh báo về nợ doanh nghiệp. Tại Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu tháng 10 vừa qua, IMF cảnh báo 40% tổng nợ doanh nghiệp của 8 nền kinh tế lớn (trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đang trong tình trạng cực kỳ rủi ro, có thể mất khả trả nợ nếu khủng hoảng xảy ra. Khoản nợ IMF cảnh báo này lên tới 19.000 tỷ USD.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Nợ toàn cầu tăng kỷ lục, Ngân hàng Trung ương các nước vẫn phải nới lỏng tiền tệ để cứu vớt tăng trưởng