Nợ quốc gia Trung Quốc đã tới mặt trăng (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tăng trưởng cao GDP chính là căn cứ tồn tại hợp pháp của chính quyền Trung Quốc.” (Theo Blackwill & Tellis (2015))

Theo South China Morning Post, tổng nợ quốc gia của Trung quốc/GDP đến nay đã vượt 300%, Chính quyền Bắc Kinh không thể ngừng nới lỏng tín dụng, tiền tệ để duy trì tăng trưởng. Nợ quốc gia bao gồm nợ khu vực công và khu vực tư nhân. So với Nhật, Mỹ, tỷ lệ nợ này của Trung Quốc chưa phải lớn nhất nhưng mức độ bền vững và những rủi ro đằng sau các con số, thực tế, có thể khiến nền kinh tế nhiều sự bất cân đối này khó đứng vững trong thương chiến.

Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ sau mở cửa nền kinh tế và đặc biệt chuyển mình kể từ khi gia nhập WTO (2001) nhờ vi phạm mọi cam kết với WTO, đánh đổi môi trường với tăng trưởng, dòng vốn dễ dãi từ khắp thế giới,… Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc không giấu giếm tham vọng thống trị thế giới. Để làm điều đó, Trung Quốc không chỉ cần duy trì mức tăng trưởng GDP cao mà còn cần nguồn tiền lớn để tạo ra các con nợ trong dự án “vành đai - con đường”, thâu tóm, định hướng truyền thông, quyền lực khắp thế giới. Trung Quốc đã trở thành một con nợ lớn với nhiều dấu hỏi về khả năng kiểm soát nợ, đặc biệt trong bối cảnh thương chiến với Mỹ ngày một căng thẳng.

Chuyên đề “Mổ xẻ nợ Trung Quốc” hy vọng cung cấp thêm cho độc giả một góc nhìn tổng hợp và hệ thống hơn về nghĩa vụ nợ chính phủ Trung Quốc, nợ xấu trong hệ thống NHTM, rủi ro lây nhiễm giữa hệ thống tài chính này với bong bóng giá thị trường BĐS, nợ khu vực doanh nghiệp...

Bài 1: Nợ công của Trung Quốc đã vượt qua mặt trăng

Nợ công của Trung Quốc được trang Commodity dí dỏm ví “đã vượt qua mặt trăng”; cách ví von này không những ám chỉ khoản nợ công thực sự lớn hơn mức chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rất nhiều mà còn ám chỉ sự bất ổn tiềm ẩn trong các khoản nợ chính quyền TW và địa phương của nền kinh tế này. Cơ chế tạo ra nợ công và khả năng thu hồi nợ từ các dự án đầu tư công đằng sau khối nợ mới là nguy cơ thực sự mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt.

Rất nhiều khoản nợ thuộc nghĩa vụ nợ của chính phủ đã không được Trung Quốc đưa vào tính trong nợ công

Đây có lẽ là lý do khiến nợ chính phủ/GDP mà Trung Quốc công bố rất thấp, chỉ ở mức 50,5% cuối năm 2018. Tuy nhiên, theo ước tính đầy đủ của trang Commodity, tổng nợ công của Trung Quốc đã lên tới 92,8%. Bạn có thể bọc xung quanh Trái đất 20.894 lần bằng tờ 1 đô la với số nợ này. Nếu bạn đặt tờ $1 trên đầu tờ kia thì sẽ trải được quãng đường 586.175 km, hoặc chất được lên cao 364.232 dặm, tương đương 1,52 lần quãng đường đến Mặt trăng.

Embed from Getty Images

Nền kinh tế Trung Quốc không mạnh khỏe như vẻ bề ngoài của nó.

Nếu chỉ so sánh quy mô nợ công với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, khoản nợ công/GDP của Trung Quốc, ngay cả khi lên tới gần 100%, cũng không phải là con số cần cảnh báo. Vấn đề ở chỗ, nguyên nhân tích lũy nợ của chính quyền địa phương, các dự án xây dựng từ nguồn nợ công hiện đang trong tình trạng hoang phế, không tạo nguồn thu, các khoản bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước không thể thu hồi… mới chính là điểm nghẽn lớn nhất của con tàu kinh tế khổng lồ, bóng bẩy nhưng nhiều lỗ hổng này.

Nợ công gồm tổng của tất cả các khoản nợ của chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc thông qua các công cụ nợ. Tuy nhiên, rất nhiều khoản nợ thuộc nghĩa vụ nợ của Chính phủ đã không được Trung Quốc tính vào nợ công. Ví dụ, các khoản không được thể hiện bằng trái phiếu hay hóa đơn, như lương hưu hoặc bảo lãnh chính quyền đối với ngân hàng hoặc các công ty tư nhân không được coi là nợ công. Trung Quốc không tính các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Các doanh nghiệp này vốn được kiểm soát bởi chính phủ trung ương hoặc chính quyền địa phương và là đại diện cho một ngành lớn của nền kinh tế, các ngân hàng cũng ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay hơn là cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Dòng tiền luôn sẵn có làm nảy sinh hiện tượng trục lợi của các quản lý tha hóa trong các doanh nghiệp nhà nước.

Bảng 1: Cấu phần được tính vào nợ công của Trung Quốc

Nghĩa vụ nợ của chính phủ Trung Quốc tại các khoản mục Có bao gồm trong nợ công?
Trái phiếu do chính phủ phát hành
Công cụ nợ ngắn hạn
Nợ chính quyền địa phương
Sáng kiến ​​đầu tư công-tư Không
Nghĩa vụ dân sự và nghĩa vụ lương hưu quân đội Không
Nợ của các doanh nghiệp nhà nước Không
Nợ của ngân hàng nhà nước Không
Bảo lãnh cho khu vực ngân hàng tư nhân Không
Khoản nợ nào được tích lũy bởi chính phủ Macau và Hồng Kông Không
Các khoản phải trả (hóa đơn chưa thanh toán) Không

Nguồn: Commodity.com

Bộ máy giám sát và quản lý nợ công của Trung Quốc?

Có hai loại công cụ nợ công ở Trung Quốc: Trái phiếu chính phủ trung ương và Trái phiếu chính quyền địa phương.

Bộ Tài chính của Chính phủ Trung ương Trung Quốc chịu trách nhiệm gây quỹ cho chính phủ quốc gia và cũng giám sát các công cụ nợ do chính quyền địa phương phát hành. Hoạt động kinh tế tổng thể và tài chính công được điều hành bởi một ủy ban riêng gọi là Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương nằm dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Bộ Tài chính và thậm chí là Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chịu trách nhiệm trước ủy ban này. Bộ Tài chính thực hiện chính sách liên quan đến nợ của chính quyền địa phương thông qua một loạt các cảnh báo và động viên. Chính phủ trung ương cũng kiểm soát các hoạt động tài chính của chính quyền địa phương bằng cách ban hành hướng dẫn cho các ngân hàng quốc doanh về chính sách cho vay đối với chính quyền địa phương mà họ nên thực hiện.

Tuy nhiên, nợ của chính quyền địa phương không dễ kiểm soát bởi quyền tự chủ cao và áp lực “thành tích tăng trưởng” buộc phải báo cáo về Trung ương.

Các tỉnh của Trung Quốc và các chính quyền địa phương được hưởng quyền tự chủ cao và điều này mở rộng đến cả phạm vi tài chính. Chính quyền địa phương có quyền huy động vốn của mình thông qua việc phát hành trái phiếu trực tiếp.

Nợ quốc gia Trung Quốc
Nỗi sợ các cuộc biểu tình nổ ra bởi những người thất nghiệp đã tạo thành áp lực duy trì tăng trưởng GDP cao, từ đó làm căn cứ tồn tại hợp pháp của chính quyền đương nhiệm. (Ảnh: Pexels).

Nợ chính quyền địa phương lần đầu tiên trở thành một vấn đề quốc gia vào năm 2015 khi đất nước trải qua một cuộc khủng hoảng ngân hàng. Chính phủ trung ương đã chỉ đạo chính quyền địa phương bảo lãnh cho các ngân hàng trong khu vực của họ bằng cách phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (còn gọi là trái phiếu đô thị) để huy động đủ tiền.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương hầu hết là phát hành không thành công vì trái phiếu thành phố mang lại lợi nhuận thấp hơn so với các danh mục đầu tư khác ở Trung Quốc. Chính phủ trung ương sau đó đã chỉ đạo các ngân hàng quốc doanh mua trái phiếu không thể bán nổi ra thị trường này, chuyển vốn mới vào các ngân hàng thuộc sở hữu tư nhân thông qua các tài khoản của chính quyền địa phương.

Nhiệm vụ trọng yếu của chính quyền địa phương là duy trì tăng trưởng cao, không để thất nghiệp dẫn tới biểu tình và các mâu thuẫn xã hội vốn đang ngày một gay gắt trong lòng Trung Quốc. Theo Blackwill & Tellis (2015), tác giả cuốn sách “chiến lược lớn nhắm vào Trung Quốc”, cho rằng: “tăng trưởng GDP cao chính là căn cứ tồn tại hợp pháp của chính quyền đương nhiệm.” Và đương nhiên, chính quyền địa phương nào đạt được mục tiêu tăng trưởng mới có thể làm hài lòng chính quyền trung ương và con đường thăng tiến của các quan chức địa phương chắc hẳn sẽ rạng rỡ hơn.

Như vậy, chủ sở hữu nợ của chính quyền địa phương chính là các NHTM lớn mà Chính quyền trung ương sở hữu. Hiển nhiên, trung ương sẵn lòng rót tiền về địa phương qua hệ thống NHTM phi thị trường, tuân thủ chặt chẽ các mệnh lệnh hành chính của Trung ương chỉ để duy trì tăng trưởng, tạo việc làm, tránh đổ vỡ thị trường BĐS vốn là mấu chốt có thể gây ra đổ vỡ hệ thống tài chính của quốc gia này. Không những thế, nợ của chính quyền Trung ương chịu sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng đánh giá tín nhiệm quốc tế nên các chuyên gia cho rằng các quan chức Trung Quốc dường như muốn sử dụng kết hợp tài chính của chính quyền địa phương và chính sách cho vay của các ngân hàng quốc doanh để chuyển nhiều khoản nợ của chính quyền trung ương vào tài khoản của chính quyền địa phương.

Một cuộc điều tra năm 2015 của Tạp chí Phố Wall ước tính rằng nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã chiếm một con số tương đương với 35,5% GDP của đất nước với tổng số 18 nghìn tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây của các hãng tin trong nước ở Trung Quốc đưa ra con số nợ chính quyền địa phương ở mức 16,61 nghìn tỷ nhân dân tệ vào tháng 4 năm 2018. Chính phủ trung ương Trung Quốc đã tuyên bố giới hạn cho vay địa phương là 20,99 nghìn tỷ nhân dân tệ cho năm 2018. Con số 16,61 nghìn tỷ nhân dân tệ vào khoảng 2.432 tỷ USD, 20,99 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương với 3.075 tỷ USD. Khi quốc gia này ước tính GDP ở mức 14.092 tỷ USD vào cuối năm 2017, dự báo của chính phủ về khoản nợ của chính quyền địa phương lên tới 21,82% GDP.

Một ước tính của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, được báo cáo bởi South China Morning News vào tháng 4 năm 2018, đã tiết lộ các khoản nợ ngầm của chính quyền địa phương. Báo cáo này xác định rằng các khoản nợ vào khoảng 30 nghìn tỷ nhân dân tệ được huy động thông qua các thị trường phái sinh và các phương thức “ngân hàng ngầm”. Viện cũng chỉ ra rằng các thỏa thuận cho thuê và các kỹ xảo “đối tác công-tư” đã giúp Trung Quốc che dấu được các khoản nghĩa vụ lên đến 10 nghìn tỷ nhân dân tệ. Số tiền này góp thêm 40 nghìn tỷ nhân dân tệ (5.857 tỷ USD) vào danh sách nợ công không được cập nhật vào số liệu nợ quốc gia của đất nước này. Con số này tương đương 41,6% GDP, đưa tỷ lệ nợ thực tế trên GDP của Trung Quốc lên tới 92,8%.

Embed from Getty Images

Phát triển kinh tế dựa trên nền móng thiếu vững chắc đã bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề. Nhiều lợi thế trước đây của Trung Quốc như dân số đông nay có dấu hiệu trở thành gánh nặng.

Các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước

Vì tài chính của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc chưa bao giờ được điều tra nên rất có thể các tổ chức này cũng thực hiện các phương thức gây quỹ sáng tạo tương tự. Theo báo cáo của Financial Times vào tháng 6 năm 2018, tỷ lệ nợ trên tài sản chung của các doanh nghiệp thuộc sở hữu chính phủ ở mức khoảng 60%. Tuy nhiên, vào đầu năm 2018, chính phủ trung ương đã bắt đầu thực hiện chính sách ép doanh nghiệp nhà nước phải giảm nợ. Để tuân thủ chỉ thị này, các doanh nghiệp rất có thể đã buộc phải chuyển sang hệ thống ngân hàng chui để che giấu nợ nần với cách thức tương tự như của chính quyền địa phương.

Chính phủ Trung Quốc tăng vốn vay như thế nào?

Bộ Tài chính không quảng bá lịch trình bán trái phiếu của mình và cũng không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về những loại chứng khoán mà họ có thể sử dụng để trang trải các vấn đề về dòng tiền hoặc tăng nguồn tài chính ngắn hạn. Tất cả các khoản nợ của chính phủ được phát hành bằng đồng nhân dân tệ, chúng không thể chuyển đổi thành ngoại tệ và do đó không tạo ra lợi nhuận khi giao dịch với khối ngoại. Tương tự, trái phiếu đô thị được phát hành bằng đồng nhân dân tệ và không dành cho các thương nhân ngoại quốc. Trái phiếu chính phủ trung ương cũng không nhằm mục đích bán ra cho công chúng nhưng được phân phối bí mật cho các ngân hàng lớn của Trung Quốc, tất cả các ngân hàng này đều thuộc sở hữu nhà nước. Trái phiếu thành phố được cung ứng cho thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, chúng được phân phối thông qua các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, họ phải rất nỗ lực để thu hút tiền gửi của chính phủ thông qua các “công cụ quản lý tài sản”. Các chương trình này là các cơ sở cho vay trực tiếp cho phép các doanh nghiệp tư nhân kém hấp dẫn hơn vay cao hơn lãi suất do nhà nước quy định. Các công cụ quản lý tài sản tạo nguồn tiền cho các ngân hàng để cho tư nhân vay và trả lãi suất cao hơn so với lãi suất tiết kiệm của trái phiếu thành phố. Do đó, hầu hết trái phiếu đô thị cuối cùng đều kết thúc vòng tuần hoàn trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng quốc doanh.

Tóm tắt các loại nợ công của Trung Quốc

Phần lớn nợ công của Trung Quốc không do chính quyền trung ương trực tiếp sở hữu. Tuy nhiên, tất cả các khoản nợ đó cuối cùng đều do chính phủ quốc gia Trung Quốc chịu trách nhiệm và nên được tính vào nợ quốc gia của Trung Quốc. Các khoản nợ được sắp xếp như sau:

  • Nợ chính quyền địa phương trong ngân hàng bóng tối - 31,1% GDP
  • Nợ chính quyền địa phương trong trái phiếu đô thị - 21,82% GDP
  • Nợ chính quyền trung ương phát hành dưới dạng trái phiếu - 14,02% GDP
  • Sáng kiến ​​công-tư ở chính quyền địa phương - 10,39 % GDP.

Để hiểu về nợ công của Trung Quốc cần nghiên cứu nhiều hơn về nợ công ở cấp chính quyền địa phương mà chính phủ quốc gia chịu trách nhiệm. Những con số về tổng nợ công được báo cáo cũng không đề cập đến các khoản nợ chưa được công bố tại các ngân hàng quốc doanh hay các doanh nghiệp nhà nước là đại diện cho một lĩnh vực lớn của nền kinh tế Trung Quốc.

Trà Nguyễn tổng hợp
Theo Commodity.com



BÀI CHỌN LỌC

Nợ quốc gia Trung Quốc đã tới mặt trăng (Phần 1)