Nỗ lực giảm nợ của Trung Quốc vô vọng như 'đẩy thần đèn quay trở lại chiếc bình'!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở trong nước nợ nần không thể hạ xuống, ở ngoài nước thì nguồn tiền đầu tư qua bẫy nợ Vành đai - Con đường (BRI) cũng không thể thu hồi, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh như ngồi trên đống lửa vì khi những sự tình này lộ rõ, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Trung Quốc sẽ khó lòng duy trì. Vì vậy, như thường lệ, họ dùng cách đơn giản và quen thuộc nhất: Che dấu.

Từ lâu, Trung Quốc thường tận dụng cách thức đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là vào mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Trong năm nay, Bắc Kinh thậm chí cho biết hệ thống này còn có thể tăng gần gấp đôi quy mô trong vòng 15 năm tới.

Các dự án vẫn đang được xây dựng ở các thành phố lớn - như giai đoạn hai của mạng lưới giao thông công cộng thành phố Phật Sơn ở tỉnh Quảng Đông có chi phí 77,21 tỷ NDT (12 tỷ USD).

Bắc Kinh nhận thức rõ ràng rằng mức nợ cao sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng của nền kinh tế và gây rủi ro đáng kể cho cả hệ thống tài chính, lẫn kinh tế của đất nước. Song, những nỗ lực giảm nợ được cho là sẽ gây áp lực lớn đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm tới.

Tỷ lệ nợ tăng lên 280% GDP vượt xa giới hạn đỏ 250% vào năm 2020, chưa kể ‘nợ ẩn’

Theo PBOC, trong khi nền kinh tế đã hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, tỷ lệ nợ của nước này đã tăng lên 280% GDP vào năm 2020, trong khi năm 2019 là 255%. Ngoài ra, tổng quy mô nợ hiện vẫn chưa có số liệu rõ ràng do các chính quyền địa phương có động thái vay ngoài ngân sách của họ, dẫn đến cái gọi là “nợ ẩn”.

“Các khoản vay tài sản và nợ chính quyền địa phương tiềm ẩn vẫn là những mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định tài chính của chúng tôi. Chúng tôi gọi chúng là tê giác xám”, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc Wang Zhaoxing, nói.

Mức nợ của Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh sau khi chính phủ chi 4 nghìn tỷ NDT (564 tỷ USD) vào năm 2008 để hỗ trợ nền kinh tế trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đồng thời, các khoản vay ngoài bảng cân đối kế toán của chính quyền các địa phương để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng và các khoản chi tiêu khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế đã tạo ra những khoản nợ ẩn.

Năm 2017, Bắc Kinh đã đặt ra mức trần nợ ở mức 250% GDP, nhưng đại dịch đã phá hỏng kế hoạch đó. Năm ngoái, chính phủ đã tung ra gói kích thích tài khóa gần 3,6 nghìn tỷ CNY (557 tỷ USD) để giải cứu nền kinh tế, theo đó tỷ lệ nợ/GDP tăng vượt trần.

Ông Rain Yin, phó giám đốc S&P Global Ratings, cho biết, để kiềm chế hoạt động vay nợ gia tăng, trọng tâm của chính phủ là hạn chế nợ do các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương phát hành.

Theo ông Nicholas Borst - phó chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Seafarer Capital, dù quy mô kích thích của Trung Quốc không lớn như Mỹ và các thị trường phát triển khác, nhưng việc vay nợ của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và hộ gia đình đều tăng trong năm ngoái.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Yi Gang tham dự cuộc họp báo tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Bắc Kinh vào ngày 12 tháng 3 năm 2016 (Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Yi Gang tham dự cuộc họp báo tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Bắc Kinh vào ngày 12 tháng 3 năm 2016 (Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)

Ông Borst nhận định: "Chính phủ Trung Quốc hiện đang nỗ lực đưa thần đèn trở lại chiếc bình. Điều này gây áp lực buộc chính quyền địa phương và các công ty mắc nợ phải ‘dọn dẹp’ bảng cân đối kế toán và giảm mức vay nợ".

Đánh tráo khái niệm

Nhiều ý kiến đặt câu hỏi về việc liệu lập trường chính sách tài khóa thắt chặt có thực sự hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc hay không, mặc dù các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ đòn bẩy tổng thể của Trung Quốc đã giảm kể từ đầu năm. Quý II/2021, tỷ lệ nợ trên GDP đã giảm 2,6 điểm phần trăm xuống 265,4% từ mức 268% vào quý I.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ này đã giảm 4,7%, theo Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia (NFID), một tổ chức tư vấn liên kết với chính phủ, dựa trên dữ liệu từ PBOC.

Tuy nhiên, ông Pettis của Đại học Bắc Kinh tin rằng mức nợ công của Trung Quốc thực sự cao hơn ước tính của NFID và tiếp tục tăng từ cuối năm ngoái đến quý 2 năm nay, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 9,6% trong nửa đầu năm 2021.

“Nói cách khác, thước đo chính thức về nợ tăng nhanh hơn nhiều so với bất kỳ thước đo có ý nghĩa nào về GDP, có nghĩa là theo định nghĩa, tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn. Thực tế là Trung Quốc báo giá tăng trưởng GDP trên cơ sở hàng năm làm nhầm lẫn điểm này vì tác động cơ bản rất lớn”, ông Pettis nói.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết biện pháp của Bắc Kinh nhằm kiềm chế tất cả các khoản nợ của chính quyền địa phương có thể phản tác dụng, dẫn đến rủi ro cao hơn đối với các nền kinh tế khu vực và hệ thống tài chính.

“Khi nói đến việc xóa bỏ đòn bẩy, không chỉ các cơ quan quản lý đang nỗ lực hết sức mà chính quyền các cấp cũng đang phải chủ động, bởi vì tỷ lệ đòn bẩy sẽ được sử dụng làm chuẩn để đánh giá hiệu quả hoạt động của họ”, ông Huang Yiping - cựu cố vấn của Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc NHTW Trung Quốc, cho biết.

“Rất dễ đi từ thái cực này sang thái cực khác. Và đặc biệt là đối với vấn đề tài chính, việc đánh đu giữa các thái cực sẽ rất nguy hiểm”.

Ông Wang Ren, giáo sư tài chính tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Trùng Khánh, cho biết dựa trên nợ và dữ liệu kinh tế trên 158 thành phố ở Trung Quốc, các thành phố phát triển có thể tận dụng nợ tốt hơn để nâng cao tăng trưởng chung của khu vực so với các thành phố nhỏ hơn, vì vậy các nền kinh tế đó trên thực tế, đã được hưởng lợi từ việc mở rộng nợ.

Ông Wang viết trên tờ The Paper có trụ sở tại Thượng Hải vào tháng 7: “Không thích hợp để áp dụng các biện pháp kiểm soát chung cho tất cả các rủi ro nợ của chính quyền địa phương, mà nó phải dựa trên đặc điểm khu vực”.

Túng quẫn và vô vọng - Châu phi mất khả năng trả nợ BRI cho Trung Quốc

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã nổi lên là nhà cho vay song phương lớn nhất ở châu Phi, chuyển gần 150 tỷ USD cho các chính phủ và các công ty nhà nước khi họ tìm cách đảm bảo nguồn cung hàng hóa và phát triển mạng lưới dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI).

Khách du lịch Trung Quốc đi ngang qua một mã QR dành cho ví kỹ thuật số Trung Quốc được hiển thị trên một con phố ở Kathmandu, Nepal vào ngày 21 tháng 5 năm 2019 (Ảnh của PRAKASH MATHEMA / AFP qua Getty Images)
Khách du lịch Trung Quốc đi ngang qua một mã QR dành cho ví kỹ thuật số Trung Quốc được hiển thị trên một con phố ở Kathmandu, Nepal vào ngày 21 tháng 5 năm 2019 (Ảnh của PRAKASH MATHEMA / AFP qua Getty Images)

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nợ song phương của Trung Quốc mà các nước nghèo nhất thế giới - đối với các thành viên của G20 - mắc phải, đã tăng từ 45% vào năm 2015 lên 63% vào năm ngoái. Đối với nhiều quốc gia ở châu Phi cận Sahara, tỷ lệ nợ song phương của Trung Quốc còn lớn hơn.

Các công ty cho vay Trung Quốc đã cho hầu hết các quốc gia trên lục địa này vay tiền và 8 quốc gia đã vay hơn 5 tỷ USD mỗi nước trong thế kỷ này. Vấn đề ở chỗ, dịch bệnh covid-19 khiến kinh tế toàn cầu lao dốc không phanh, các nền kinh tế sơ khai như các con nợ của Trung Quốc ở Châu Phi là nạn nhân khốn khổ nhất. Tất cả nghiên cứu đường như chỉ muốn chỉ ra một kết luận, các con nợ của Trung Quốc ở châu lục đen không có cách nào trả nợ cho Trung Quốc.

Không khó để nhận ra, mục đích Trung Quốc cho các nước này vay là để giăng một cái bẫy cho họ rơi vào “bẫy nợ” nổi tiếng của mình, từ đó sẽ chiếm được ưu thế về địa chính trị. Đồng thời khi các quốc gia này không thể trả nợ, thì Bắc Kinh có thể xiết nợ bằng cách ép họ phải trao đổi lấy những điều kiện chính trị có lợi cho Trung Quốc, hoặc dùng một phần lãnh thổ của quốc gia đó để gán nợ.

Tuy nhiên, với tư cách là một nhà đầu tư, Trung Quốc cũng phải tổn thất một số tiền cực lớn trong quá trình này. Và trong khi nợ trong nước đang âm thầm chờ ngày phát nổ, nợ ngoài nước cũng không thể thu hồi, thì dù “lừa” được bao nhiêu quốc gia vào bẫy nợ đi chăng nữa, một khi bong bóng kinh tế đã vỡ, thì cuối cùng Trung Quốc cũng chỉ còn lại cái vỏ rỗng mà thôi.

Mộc Trà

Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

Nỗ lực giảm nợ của Trung Quốc vô vọng như 'đẩy thần đèn quay trở lại chiếc bình'!