Sau sự cố Suez, Nhật Bản vội vã tìm tới Việt Nam đầu tiên trong thỏa thuận với ASEAN

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gián đoạn chuỗi cung ứng do sự cố kênh đào Suez ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các tập đoàn sản xuất Nhật Bản trên toàn cầu. Một sáng kiến thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ giữa Nhật với ASEAN hình thành nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến chuỗi cung ứng. Việt Nam đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Nhật trong thỏa thuận này (Nikkei).

Sau hàng thập kỷ toàn cầu hóa và phân công lại lao động xã hội ở phạm vi toàn cầu, điểm yếu của hệ thống này phơi bày toàn bộ sau hàng loạt khủng hoảng và sự cố. Chưa bao giờ thuật ngữ đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu lại trở nên nóng như giai đoạn hiện nay.

Thế giới thu được hàng ngàn tỷ USD từ lợi thế về chuyên môn hóa và bây giờ cũng phải trả giá hàng ngàn tỷ USD vì một khâu trong chuỗi cung ứng chuyên môn hóa bị gián đoạn hay đứt gãy. Nói không quá lời, sự thịnh vượng trên toàn cầu được xây dựng hàng thập kỷ dựa trên sự vận hành ngày một mượt mà của chuỗi cung ứng chuyên môn hóa. Đây là một hệ thống phức tạp có vai trò gắn kết các nhà cung cấp nguyên liệu thô, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng lại với nhau. Các nhà cung cấp, nhà vận chuyển, ngân hàng, nhà bán buôn, bán lẻ... là các mắt xích nhịp nhàng cùng vận hành với nhau trong hệ thống này, và một khi một mắt xích bị xô lệch, cả hệ thống sẽ dừng lại, sẽ hỗn loạn.

Khi đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán chưa qua đi, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa kịp khôi phục thì sự cố kênh đào Suez, một nhà máy sản xuất chip 1$ ở Nhật Bản bốc cháy... Tất cả khiến hoạt động cung ứng toàn cầu căng thẳng đến mức cực điểm.

Sự cố kênh đào Suez đã khiến các doanh nghiệp toàn cầu của Nhật Bản có thể thiếu hụt nhiên liệu đầu vào trong hoạt động sản xuất dù Nhật là một trong những nền kinh tế phát triển có năng lực dự trữ dầu mỏ lớn, đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước ở mức hơn 200 ngày (gần 7 tháng); mức 200 ngày được rút ra từ bài học khủng hoảng dầu mỏ thập niên 70 của thế kỷ XX.

Dù vậy, Tokyo đang nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ với Hiệp hội các quốc gia thành viên Đông Nam Á (ASEAN) nhằm giảm thiểu rủi ro cung ứng dầu mỏ của Nhật cũng như của các nền kinh tế ASEAN, nơi rất nhiều doanh nghiệp của Nhật đang đặt nhà máy sản xuất ở đây. Theo một đề xuất, mỗi bên tham gia sẽ xây dựng hệ thống dự trữ dầu thô riêng lẻ, cùng với xăng, nhiên liệu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác, các nền kinh tế này với Nhật Bản có thể chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau khi chuỗi cung ứng có vấn đề.

Cả Nhật Bản và các nước ASEAN đều phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ Trung Đông. Hơn 60% các chuyến hàng dầu thô đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến từ Trung Đông, theo BP.

Chính phủ Nhật Bản đã coi Việt Nam là đối tác hàng đầu mà họ mong muốn đạt được thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ. Khi đại dịch coronavirus đã dịu đi, Tokyo sớm bắt tay vào đàm phán với mục tiêu là đạt thỏa thuận với Việt Nam trong thời gian sớm nhất (theo Nikkei Asia).

Nhật Bản cũng đang tiến hành đàm phán với Indonesia, Thái Lan, Malaysia và các nước ASEAN khác để ký kết các thỏa thuận hợp tác tương tự. Đối với Philippines, Nhật Bản đang xem xét một hình thức khác, trong đó Tokyo sẽ đưa ra hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dự trữ xăng dầu.

Tháng trước, Tập đoàn Quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản được nhà nước hậu thuẫn, tập đoàn Jogmec, đã cùng Cơ quan Năng lượng Quốc tế và các nhóm khác tổ chức cuộc họp với đại diện của 8 chính phủ ASEAN. Tại đó, phía Nhật Bản đã đề nghị đạt được sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của trữ lượng dầu mỏ và hợp tác.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tìm cách hợp tác với các nhà sản xuất dầu. Vào tháng 12, Tokyo đã ký một thỏa thuận với Kuwait để xây dựng một kho dự trữ dầu chung ở Nhật Bản. Thỏa thuận cũng bao gồm một cơ chế trong đó một số dự trữ có thể được chia sẻ với các quốc gia châu Á thứ ba nếu Nhật Bản và Kuwait đồng ý.

Bất chấp xu hướng toàn cầu hướng tới loại bỏ hoàn toàn carbon khỏi thị trường cung cấp năng lượng, chính phủ Nhật Bản tin rằng dầu mỏ sẽ vẫn là nguồn năng lượng chính trong ngắn hạn. Châu Á nói riêng dự kiến ​​sẽ có tăng trưởng kinh tế dồi dào và nhu cầu xăng dầu tăng vọt.

Trong khi đó, Nhật Bản đang hỗ trợ việc áp dụng công nghệ, chẳng hạn như các nguồn năng lượng tái tạo, sẽ làm giảm lượng khí nhà kính trong trung và dài hạn.

Đức Duy

Theo Asia Nikkei

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Sau sự cố Suez, Nhật Bản vội vã tìm tới Việt Nam đầu tiên trong thỏa thuận với ASEAN