Những thủ đoạn nào của 'ma tài chính' đang được dung túng trên TTCK Việt Nam?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quá nhiều thủ đoạn lừa đảo tiền của nhà đầu tư trên sàn giao dịch của các "ma tài chính" được chỉ điểm, đặt tên, nhưng vì sự yếu kém của quản lý nhà nước, của hệ thống công nghệ, thông tin, cho tới nay, thị trường chứng khoán Việt vẫn là mảnh đất màu mỡ của nhiều "ma tài chính" như vậy...

Theo Dân trí, ngày 11/6 vừa qua, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính với nội dung "cần mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán (TTCK)".

Tại văn bản này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI - cho rằng, sàn Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) "không chỉ yếu kém về quản lý công nghệ thông tin mà còn yếu kém về công tác quản lý giám sát thị trường".

Liên quan đến tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HSX, VAFI đặt vấn đề với cơ quan thanh tra: "Tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HSX không thể làm chủ công nghệ vận hành?".

Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng đề nghị tìm hiểu về chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HSX ra sao. "Có một thực tế đối với một bộ phận doanh nghiệp Nhà nước là thích thuê các nhà thầu không có danh tiếng. Những nhà thầu này luôn sẵn lòng chiều bên A như dễ dàng nâng khống giá trị công trình, chia đậm hoa hồng ở mức rất cao 40%-50%. Vụ án Nhật Cường là 1 ví dụ sinh động về vấn đề này", VAFI cho biết.

Không chỉ vậy, các yếu kém của quản lý nhà nước trước thủ đoạn của "ma tài chính" trên các sàn giao dịch đã tồn tại hàng chục năm nay, luôn được cảnh báo và không hề mới mẻ. Nhưng cho tới nay, thiếu minh bạch trong quản lý, giám sát, chế tài yếu và lỏng lẻo với các "ma tài chính" này đã biến nhiều nhà đầu tư thành nạn nhân.

Trong những ngày gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia tài chính hô hào về "nâng hạng thị trường". Tuy nhiên, trên một sàn giao dịch mà yếu tố công nghệ còn là rào cản cho giao dịch, các thủ thuật câu kết để lừa đảo tài chính trên sàn giao dịch chưa bao giờ bị trừng phạt thích đáng, nhiều thủ thuật được công nhiên tồn tại hàng chục năm thì khả năng nâng hạng thị trường là khá xa vời.

Thêm vào đó, ba yếu tố cốt lõi để đảm bảo nâng hạng thị trường là: tự do hóa dòng vốn, nới room đầu tư nước ngoài, minh bạch thị trường thì đều là nút thắt của một nền kinh tế chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ như Việt Nam.

Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). (Ảnh: Kiwimedia)
Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). (Ảnh: Kiwimedia)

Những thủ đoạn trên thị trường chứng khoán

Những nội dung yêu cầu thanh tra như kể trên đã phần nào phản ánh những góc khuất, những thủ đoạn mà những kẻ xấu đang dùng để kiếm chác trên mồ hôi, công sức của những nhà đầu tư (nhà đầu tư) thiếu kinh nghiệm. Thậm chí, kể cả những người vốn rất giàu kinh nghiệm làm ăn, những người có trí thức cao trong ngành tài chính, độ am hiểu thị trường chứng khoán cao nhiều khi cũng “sập bẫy” những thủ đoạn quá tinh vi của những “ông chủ bịp” trên TTCK.

Dưới đây là một số thủ đoạn tiêu biểu của 'các con sâu' trên TTCK hay sử dụng để giăng bẫy nhà đầu tư được chính các nhà đầu tư trên vạch trần trên mạng xã hội, được cộng đồng các nhà đầu tư nhất loạt hoan nghênh.

  1. Rút ruột công ty - Bán cổ phiếu 'lởm' cho nhà đầu tư

     

Đây là “chiêu” bán tài sản gà đẻ trứng vàng sang cho nhóm lợi ích. Hình thức là ưu ái cho công ty sân sau, thông qua giá cung cấp cao để rút ruột, hoặc gọi thầu và lại quả. Đây là hiện tượng cực kỳ phổ biến, một vấn đề tham nhũng cực lớn trong các công ty Việt Nam.

Ví dụ, công ty A mở bán một dự án BĐS, thay vì bán 1000 tỷ, công ty này bán sang một công ty B nào đó (trong nhóm lợi ích) 600 tỷ, tức là ngang bằng giá vốn. Từ công ty B này mới bán ra 1000 tỷ. Vậy là những nhà đầu tư đã đổ tiền vào mua cổ phiếu của công ty A với hy vọng dự án bán ra sẽ lãi đậm, khi công ty báo không có lãi thì mọi người có thể tưởng tượng ra thảm cảnh của các nhà đầu tư này. Đây cũng là cách trốn thuế cực kỳ hiệu quả: Các cá nhân đứng tên bán lại chỉ đóng 2% thuế, còn công ty thì không đóng đồng nào ngoại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp 20-22% và một phần Thuế VAT.

Hiện tượng này đã quá phổ biến, nhưng cho đến nay không hiểu sao vẫn chưa thấy chính phủ ra luật để ngăn chặn, làm thất thoát thuế cực kỳ lớn cho nhà nước.

Đây là một trong số các thủ đoạn rút ruột cực kỳ phổ biến ở các công ty BĐS. Với lợi nhuận cực thấp hoặc thậm chí là lỗ sau khi “rút ruột”, cổ phiếu của công ty sẽ chạm đáy. Đến khi các công ty này cần mua cổ phiếu với số lượng lớn, thì tiền rút ruột sẽ lại được dùng để mua lại chính cổ phiếu mà các nhà đầu tư chán chường mà bán tháo. Hãy coi lại danh mục cổ phiếu bạn đang quan sát, sẽ không khó lắm để có thể “chỉ mặt đặt tên” những cổ phiếu như thế.


  1. 'Chế tác' báo cáo tài chính, có nói thành không, không nói thành có:

Các công ty này rất khéo léo dùng thủ thuật tạm che đậy chi phí cao, để ép lợi nhuận tăng vào một quý, hoặc một số quý nào đó để thổi giá cổ phiếu. Sau đó nhả ra dần dần. Khi “cá mập” đã chốt lời cổ phiếu xong, tạo hiệu ứng lợi nhuận xong thì giá cổ phiếu bắt đầu đi xuống, lợi nhuận các quý tiếp theo cũng đi xuống, nhà đầu tư kinh hãi tháo chạy, lúc này, “kẻ chủ mưu” lại dần gom lại.

Loại cổ phiếu này cũng vô cùng phố biến trên TTCK Việt Nam. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp cổ phiếu TTF, VIN cũng sập bẫy cổ phiếu này. Ngay cả tập đoàn lớn như VIN còn mắc bẫy, thì không lạ gì khi hàng nghìn nhà đầu tư trắng tay vì TTF.

Các công ty này thường dùng cách thức chung là báo cáo lợi nhuận thật lớn, dùng truyền thông để quảng bá khắp nơi. Tức là, truyền thông thực ra là một công cụ đắc lực cho hình thức lừa đảo này, nhất là trong tình trạng TTCK đang “sốt sình sịch”, với lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản cực lớn như hiện nay.

Lời khuyên cho các nhà đầu tư, đừng dễ dàng bỏ tiền vào các cổ phiếu mới lên sàn, bởi họ chưa qua sự tầm soát gắt gao, chưa chứng minh được một công ty chất lượng. Đừng tự biến mình thành con thiêu thân rồi hối hận cũng đã muộn.

  1. Tạo Big game:

Đó là thủ đoạn tạo thông tin rầm rộ, vẽ lên bức tranh sáp nhập, hợp đồng làm ăn béo bở nào đó, cổ đông chiến lược, thương vụ gì đó… rồi đưa cho đội quân truyền thông rải trên khắp các mặt báo, phân tích nhận định. Rồi làm cả các “bánh vẽ” kỹ thuật giá, vẽ biểu đồ, … Cái kết là gì, chắc bạn cũng đã đoán ra. Đây là “chiêu” dụ gà vô cùng bẩn thỉu và cũng vô cùng phổ biến, nhưng vẫn luôn có người dùng và vẫn luôn có người sập bẫy, có thể là vì lòng tham…

Nhiều big game với các đôi lái như thế, sử dụng truyền thông, người nổi tiếng và cả hàng chục tài khoản giao dịch giả để tạo giao dịch cho một cổ phiếu rác.

Cổ phiếu NHP, sáng lập bởi một chuyên gia tài chính có uy tín ở Việt Nam, trở thành cổ phiếu rác với nghi vấn công ty thành lập để lừa đảo tài chính trên sàn giao dịch mà không có hoạt động đầu tư như công bố trên truyền thông (Nguồn: Marketwatch.com)

Cổ phiếu NHP, sáng lập bởi một chuyên gia tài chính có uy tín ở Việt Nam, trở thành cổ phiếu rác với nghi vấn công ty thành lập để lừa đảo tài chính trên sàn giao dịch mà không có hoạt động đầu tư như công bố trên truyền thông (Nguồn: Marketwatch.com)

Một ví dụ về Big Game như vậy là cổ phiếu NHP, hiện cổ phiếu này tạm ngừng giao dịch từ tháng 4/2021, nhưng nó đã là cổ phiếu rác từ năm 2017, bị cảnh báo từ tháng 9/2018 và bị hạn chế giao dịch kể từ năm 2019. Cổ phiếu này từng được tung hô bởi đứng sau nó là một chuyên gia kinh tế tài chính rất có danh tiếng, uy tín của Việt Nam tại thời điểm đó.

Năm 2017, thời điểm giá cổ phiếu NHP bắt đầu lao dốc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt một cá nhân là ông Nguyễn Trọng Đức 550 triệu đồng do đã sử dụng 30 tài khoản khác nhau để làm giá cổ phiếu NHP. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo của NHP cũng bị phạt do vi phạm giao dịch cổ phiếu này, trong đó có Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Hành vi làm giá này diễn ra khi công ty bắt đầu thua lỗ. Theo Thanh Niên, trong Báo cáo kiểm toán năm 2018, kiểm toán viên đã nêu nhiều ý kiến ngoại trừ về việc không thể xác định giá trị chính xác của các khoản công nợ phải thu, phải trả ngắn hạn của NHP đến cuối tháng 12.2018 với tổng số tiền 40,56 tỉ đồng cũng như số tiền 11,15 tỉ đồng của các khoản trên trong năm 2017. Đồng thời kiểm toán viên cũng không xác định được giá trị của khoản ủy thác đầu tư cho hai cá nhân với giá trị 16,3 tỉ đồng mua cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang…

Quan trọng hơn, công ty NHP đã có khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 10,5 tỉ đồng và lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 hơn 74,3 tỉ đồng. Riêng trong năm 2018, công ty này bị thua lỗ hơn 73 tỉ đồng do từ quý 3/2018, công ty gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phát sinh các khoản công nợ khó đòi, nợ quá hạn phải thanh toán… Do đó công ty kiểm toán bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Nhưng không phải cổ phiếu rác nào cũng được xử lý, dù chậm chạp, như NHP. Văn bản của VAFI cho hay, có tình trạng các cổ phiếu "rác" không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HSX nhưng đã được lựa chọn vào chỉ số VN30 trong 6 năm từ 2014 - 2020. "Những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản phát hiện từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ HSX" - ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định.

Theo ông Hải, hầu như tất cả các nhà đầu tư giá trị tránh xa cổ phiếu "rác" này nhưng hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán lại bị "dụ" lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng ngàn tỷ đồng.

VAFI còn "vạch trần" tình trạng giá cổ phiếu "rác" thị giá thấp hơn nhiều so với mệnh giá (10.000 đồng) trong khoảng thời gian dài nhưng chủ doanh nghiệp vẫn tiến hành nhiều đợt bán cổ phiếu mới bằng với mệnh giá (như pháp luật quy định).

"Những thương vụ này nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường không mua nổi, nhà đầu tư giá trị cũng không mua, vậy thì ai mua, ai tài trợ, hay là chỉ là vấn đề được tăng vốn điều lệ để bán giấy?" - ông Hải đặt câu hỏi.

  1. Phát hành lừa bịp

Thường thì khi một công ty kiểu này phát hành cổ phiếu ra công chúng, giá phát hành là 10.000 VND, nhưng giá thị trường chỉ là 2.000 - 3.000 VNĐ, tức là giá phát hành cao hơn thị giá rất nhiều. nhà đầu tư tất nhiên là không ai mua, cho dù giá có lên hơn 10.000VNĐ. Sau đó, với các thủ thuật chuyên nghiệp, họ tạo ra cầu ảo cho cổ phiếu như vậy, thanh khoản ảo và cầu ảo (gọi là đội lái) đã hấp dẫn các nhà đầu tư ngây thơ mua vào. Khi cầu ảo thành cầu thật, các “cá mập” bán cổ phiếu ra trước khi phát hành, hoặc có khi là sau phát hành, hoặc cả hai.

Ví dụ như họ gọi vốn 2000 tỷ phát hành 1:1 giá 10.000 VND, tức là phát hành 2000 tỷ. Giả sử họ tạo game này để bán ra một phần, chẳng hạn bán ra được 80 triệu cổ phiếu trước giá 5.000 đồng, như vậy họ đã thu về 400 tỷ. Họ lấy tiền đâu đó nộp vào cho hoàn tất đợt phát hành, số tiền này lại chạy ra ngoài bằng công cụ hợp tác dạng ủy thác đầu tư cho một bên thứ ba nào đó. Rồi sau khi xong hết đợt phát hành họ bán ra CP còn lại là 120 triệu, kể cả bán giá 3.000 VND thì cũng đã thu được 360 tỷ.

Vậy là đã hoàn tất việc phát hành thu 2000 tỷ, thực chất chẳng có đồng nào vào công ty cả, mà chỉ có thêm 760 tỷ từ những cổ đông nhẹ dạ đã nộp cho chúng làm ăn (trên các báo cáo tài chính bạn sẽ thấy rất rõ dòng tiền này…).

Sau đó, họ dùng “chiêu” “ve sầu thoát xác” làm cho công ty đó biến mất, hoặc sáp nhập, hoặc theo cách nào đó tương tự. Tóm lại là...tiền cũng biến mất theo.

Ngoài ra còn hàng trăm tạo game khác…

Phía VAFI "tố" có bàn tay thao túng, mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo nhằm đẩy giá chứng khoán.

Các đề xuất thanh tra của VAFI đang được nhiệt tình ủng hộ

VAFI đề xuất cụ thể hóa 3 nội dung thanh tra như sau:

1/ Thanh tra loại cổ phiếu "rác" bị nhà đầu tư giá trị xa lánh, giá trị cổ phiếu dưới mệnh giá trong thời gian dài nhưng vẫn huy động được "nhà đầu tư chiến lược'' để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường từ 40% - 50%.

- Không khó để xác định "các nhà đầu tư chiến lược'' từ cơ sở dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán;

- Tại sao họ mua cao rồi bán thấp? Chẳng nhẽ họ chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng hay đó chỉ là thủ tục mua, sau đó toàn bộ tiền được rút ra hoàn trả và doanh nghiệp phát hành, từ đó có cơ sở bán giấy thu tiền thực?

- Tại sao UBCKNN, sàn HSX dễ dàng chấp thuận những đợt phát hành mới kiểu này, không phải một đợt mà rất nhiều đợt diễn ra?

2/ Thanh tra việc tạo lập vốn điều lệ khống, gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền về.

- Với loại hình doanh nghiệp này có bán cổ phiếu với giá 1.000 đồng/cổ phiếu thì họ cũng thu lợi rất nhiều, tuy nhiên không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ tưởng lầm rằng giá đó là rất hấp dẫn .

- Những dạng doanh nghiệp này thường đối phó để có báo cáo tài chính có vẻ hợp pháp bằng cách gần đến kỳ báo cáo họ tạo lập báo cáo giả để kiểm toán ghi nhận.

- Để thanh tra một đơn vị thì phải tiến hành kiểm tra số sách nhiều đơn vị liên quan.

3/ Thanh tra một công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình.

- Cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân thích nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện.

- Không khó xác định khi người có thu nhập bình thường không thể thường xuyên có những giao dịch hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

- Cần yêu cầu Trung tâm lưu ký (VSD) cung cấp dữ liệu để xác định những đối tượng đầu tư giả.

- Với những công ty chứng khoán không tin cậy thì hầu như không có nhà đầu tư lớn (không có quan hệ với nhóm lừa đảo), nhà đầu tư giá trị mở tài khoản tại đó. Từ đó, dễ dàng xác định được danh sách các nhà đầu tư giả được công ty chứng khoán sử dụng để thao túng giá chứng khoán.

- Tại công ty chứng khoán này cũng xác định danh sách "nhà đầu tư nước ngoài'' đang mở tại đó xác định xem giả hay thật.

- Nhà đầu tư nước ngoài "giả" thường là lao động Việt ở nước ngoài và bị lợi dụng.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch VAFI, có lẽ từ trước tới nay hầu như chưa có nội dung thanh tra toàn diện nào tại doanh nghiệp được tiến hành bởi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra tài chính, thanh tra UBCKNN. Các cuộc thanh tra doanh nghiệp chủ yếu ở nội dung chấp hành về nghĩa vụ thuế, về tham nhũng tại doanh nghiệp.

Đây được cho là một khoảng trống trong việc thi hành pháp luật chứng khoán mà bản thân UBCKNN chưa chủ động đề xuất tiến hành một cuộc thanh tra nào như nội dung trên.

Trước tình hình trên, VAFI đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cần tập hợp một lực lượng "tinh nhuệ" từ các đơn vị thuộc Bộ như Thanh tra tài chính; Cục tài chính doanh nghiệp; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Vụ tài chính ngân hàng; Vụ pháp chế để tiến hành thanh tra các nội dung như trên.

"Cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện như trên để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết. Chỉ có cách làm sâu sắc như trên thì TTCK Việt Nam mới thực sự nâng hạng" - lãnh đạo VAFI bày tỏ.

Mộc Trà

(Bài viết có sử dụng nội dung chia sẻ trên facebook của Truong Money về các thủ đoạn lừa đảo trên TTCK Việt Nam để làm tư liệu)



BÀI CHỌN LỌC

Những thủ đoạn nào của 'ma tài chính' đang được dung túng trên TTCK Việt Nam?