Những giọt nước mắt trên ruộng trong mùa dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nhóm thiện nguyện vận chuyển hoa quả, nông sản, kêu gọi tiêu thụ khắp cả nước không thích gọi đây là giải cứu, mà là cơ hội người dân cả nước tiếp cận hàng giá rẻ, chất lượng. Nhưng sự thật là trong mùa dịch, rất nhiều nước mắt đổ xuống ruộng của bà con, rất nhiều nông sản bị bỏ mặc không thu hoạch...

Tuần qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản gặp khó vì dịch bệnh. Tại Hà Nội, các điểm bán giải cứu thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân. Nhiều cơ quan, tổ chức đã chung tay mua lượng lớn nông sản của bà con vùng dịch. Để phòng chống COVID-19, người mua được khuyến khích đặt từ xa và được giao tận nơi, tránh tập trung đông người.

Tuy nhiên, những người làm công tác thiện nguyện không muốn gọi đây là giải cứu, mà coi đây cũng là cơ hội để người dân trong nước được tiếp cận hàng chất lượng, giá rẻ.

Theo báo Tiền phong, nông sản tập kết tại Hà Nội chủ yếu là dưa hấu, dưa lê, khoai lang tím, xoài Úc, ớt, vải thiều (Bắc Giang), mận... Tuy địa phương đã có phương án tiêu thụ, giải toả nông sản, nhưng theo UBND tỉnh Bắc Giang, việc xe chở nông sản lưu thông qua chốt kiểm soát của các tỉnh vẫn còn khó khăn; container khan hiếm, giá thành vận chuyển cao.

Dưa chín không chờ dịch tan

Trước đó, UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) - nơi cách ly xã hội từ ngày 19/5, có công văn kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ dưa cho nông dân. Theo huyện Yên Dũng, huyện có 2.000 tấn dưa hấu, dưa lê đến kỳ thu hoạch, chỉ để trên ruộng được 15 ngày đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Hoàng loạt dưa hấu chờ thương lái đến thu mua ( Ảnh: Facebook)

Bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sao Thần Nông (Bắc Giang), đơn vị được giao thu mua nông sản cho nông dân huyện Yên Dũng cho biết: “Khoảng 1-2 ngày tới, khi lứa dưa đã chín được tiêu thụ xong, thì không còn cảnh ùn ứ, dồn dập thu hoạch như hiện nay. Dưa khó bán, giá giảm mạnh vì không có người ăn, bếp ăn công nghiệp nghỉ, giao thương đình trệ, nhiều khu vực bị phong toả”.

Theo bà Nhung, từ ngày 30/5, giá dưa loại 1 tại ruộng đã tăng lên 6.000 đồng/kg, 5.500 đồng/kg loại, đảm bảo bà con có chút lãi. Hiện, dưa chủ yếu giao tới các "mạnh thường quân " tại Hà Nội, giá giao tại nơi nhận là 7.000 đồng/kg. Lái xe vận chuyển đã được xét nghiệm COVID-19, đảm bảo phòng dịch, tuy nhiên HTX vẫn gặp khó vì thiếu phương tiện. HTX này đã thuê 5 xe tải để kịp hỗ trợ nông dân.

Ngoài nông sản Bắc Giang, trên chợ mạng, nông dân nhiều địa phương cũng đang tự đăng đàn tìm mạnh thường quân giải cứu ổi (Hoài Đức, Hà Nội), hành (Hải Dương), xoài (Bình Thuận), khoai lang (Vĩnh Long), tỏi (Lý Sơn) … Đăng bài "cầu cứu" trên mạng xã hội, anh Nguyễn Thỏa (nông dân Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, vùng ổi lê Đài Loan ở bãi Đắc Sở, Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đang vào mùa nhưng tắc đầu ra. Thương lái không về thu mua, nông dân cũng không thể bán rong ở Hà Nội vì dịch bệnh, lâm vào bế tắc. Trước đây, ổi bán 12.000 đồng/kg, nay nông dân mong có người mua 6.000 đồng/kg để thu hồi vốn.

'Vương quốc khoai lang' miền Tây - những giọt nước mắt trên ruộng

Ngồi thất thần bên 10 công khoai lang tím Nhật đang tới kỳ thu hoạch, anh Tước (huyện Bình Tân) cho biết, năng suất khoai năm nay đạt khá. Mấy hôm nay, đến ngày thu hoạch khoai lang anh gọi cho thương lái quen nhưng đều bị từ chối.

Khoai năm nay đạt sản lượng cao nhưng lại vướng dịch khiến nông dân đau đầu (Ảnh: Facebook)

“Thậm chí, tôi năn nỉ nhưng họ lắc đầu từ chối mua. Cũng có người hứa đến mua nhưng rồi cũng biệt tăm. Giờ khoai vẫn neo ngoài ruộng vì thu hoạch không biết bán cho ai”, anh Tước nói.

Cùng cảnh khó, anh Nguyễn Văn Tấn (ngụ ấp Tân Mỹ, Tân Thành) kể rằng, vụ này gia đình anh làm 15 công khoai lang tím Nhật, giá bán chỉ 40.000 đồng/tạ (60kg) nên lỗ hơn 200 triệu đồng.

“Tiền tôi tích góp từ các vụ khoai trước nay mất trắng trong vụ này. Giá bán khoai hiện chỉ đủ trả tiền nhân công”, anh Tấn nói. Giờ khoai còn đầy ngoài ruộng nhưng không có thương lái đến mua.

Người dân trồng khoai than thở đây là lần đầu tiên họ chứng kiến giá khoai xuống thấp kỷ lục như thế này.

“Giá khoai bắt đầu giảm từ dịp lễ 30/4-1/5. Từ đó đến nay, bà con trồng khoai ở Bình Tân mất ăn, mất ngủ. Vụ này khoai cho năng suất khá cao, nhưng giá lại thê thảm nên thua lỗ hoàn toàn. Có người thấy giá khoai thấp quá nên quyết không bán mà đem làm từ thiện”, ông Nguyễn Văn Nghĩa - một hộ trồng khoai khác - chia sẻ.

Khoai lang tím giống Nhật được trồng nhiều tại Vĩnh Long, tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu (Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản) nên bị ùn ứ khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Vì thế, giá nông sản này do thương lái mua chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, người trồng lỗ nặng.

Giá ớt tiếp tục rơi tận đáy, nông dân bỏ mặc ruộng ớt chín cây

Ngày 3-5, giá ớt được thương lái thu mua tại huyện Phù Mỹ, địa phương được mệnh danh là "thủ phủ ớt" của tỉnh Bình Định, tiếp tục hạ xuống chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg đối với ớt chỉ thiên (ớt nhỏ), giảm chỉ còn 1/3 so với khoảng 1 tháng trước. Trong khi đó, ớt chỉ địa (ớt lớn) đầu vụ bán được 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng nay thì gần như không bán được, vì chẳng mấy người mua.

"Nếu ớt chỉ thiên được bán với giá 15.000 đồng/kg, người trồng ớt coi như hòa vốn. Thế nhưng với giá ớt giờ chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg, người trồng ớt năm nay ai cũng bị lỗ nặng. Thậm chí, nhiều người trồng ớt với diện tích lớn còn bỏ mặc ruộng ớt chín cây vì tiền bán ớt không đủ để bù cho tiền thuê công hái", bà Nguyễn Thị Nhàn (một người trồng ớt ở xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) than thở.

Ớt cũng chung số phận không ai đến thu mua (Ảnh: Facebook)

Theo nhiều thương lái chuyên thu mua ớt ở huyện Phù Mỹ, từ trước đến nay, giá ớt ở địa phương này luôn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vào chính vụ năm nay, giá ớt phía Trung Quốc thu mua cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nên giá ớt trong nước mới giảm thê thảm như vậy.

Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết vụ đông xuân năm nay, người dân địa phương trồng đến 1.262 ha ớt, tăng 29 ha so cùng kỳ năm trước. Nhờ thời tiết thuận lợi nên ớt trồng cho năng suất khá, đạt hơn 1,5 tấn/sào (500m2) đối với ớt chỉ địa, ớt chỉ thiên đạt 1 tấn/sào. Hiện ớt đang thu hoạch đại trà nhưng lại gặp lúc giá ớt giảm sâu, khiến người trồng ớt ở Phù Mỹ ngậm trái đắng vì thua lỗ.

Xoài Úc Cam Lâm chờ người đến mua

Chị Nguyễn Ngọc Thúy, một chủ vựa ở xã Cam Hải (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), cho biết với báo Người Lao Động, mùa này hầu hết vườn xoài Úc đều đạt sản lượng khá, mỗi cây cho từ 500-700 trái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hàng không xuất đi được. Các vựa chỉ thu mua cầm chừng và lựa những trái xoài Úc trái to, chín đỏ, đều, vỏ không tì vết để dễ bán nhưng chỉ trả 15.000 đồng/kg. Giá này thậm chí còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Giá xoài tây (canh nông) thu mua loại 1 giá 8.000 đồng/kg, loại 2 là 4.000 đồng/kg; các loại xoài khác thương lái không mua.

Theo các chủ vựa, những năm trước xoài Cam Lâm được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc và xuất sang Trung Quốc với số lượng lớn, có thời điểm lên đến 40.000- 60.000 đồng/kg, mỗi vựa thu mua 4-5 tấn xoài/ngày thì hiện nay chỉ còn chưa tới 1 tấn/ngày.

Ông Phạm Ngọc Đức cho biết gia đình ông có 20 năm trồng xoài ở Cam Lâm nhưng chưa bao giờ thê thảm năm nay. "Xoài không ai thu mua, nhìn thấy mà đắng lòng" – ông Đức buồn rầu.

Xoài úc nhìn rất ngon nhưng đầu ra thì rất chậm (Ảnh: Facebook)

Theo chính quyền địa phương, Cam Lâm được mệnh danh là thủ phủ xoài của tỉnh Khánh Hòa cũng như khu vực Nam Trung Bộ, huyện có nhiều loại xoài nổi tiếng như xoài Cát Hòa Lộc, xoài Bồ trắng, xoài Bồ Xanh, xoài Tứ Quý, xoài Đài Loan… Trong đó, 3 sản phẩm xoài tươi mang chứng nhận nhãn hiệu "Xoài Cam Lâm", gồm: xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc, xoài canh nông.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ chậm nên giá xoài Úc đang giảm mạnh. Việc tiêu thụ xoài khó khăn ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn vì sản lượng xoài Úc năm nay tăng đột biến. Hiện nay, Cam Lâm có hơn 6.000 ha xoài các loại, trong đó xoài Úc chiếm đa số với 3.500ha, sản lượng hơn 40.000 tấn.

 

Hoàng Anh

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Những giọt nước mắt trên ruộng trong mùa dịch