Những điều ‘thú vị’ cần biết về Hội nghị toàn thể lần thứ năm của ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ban hành một bản kế hoạch chi tiết cho 5 năm tới - và còn hơn thế nữa. Với kế hoạch từ 5 năm lên đến 15 năm, phải chăng chủ tịch Tập đang muốn "mừng thượng thọ trong vinh quang"?

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 đã kết thúc tại Bắc Kinh vào ngày 29 tháng 10 sau cuộc họp kéo dài 4 ngày.

Năm nay, cuộc họp nửa năm một lần của các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có một nhiệm vụ đặc biệt: hoàn thiện bản thiết kế cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, kế hoạch này sẽ đặt ra tầm nhìn chính sách kinh tế và xã hội của Trung Quốc cho giai đoạn 2021-2025.

Phiên bản cuối cùng của kế hoạch sẽ không được thông qua cho đến khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc họp vào đầu năm 2021, nhưng nó không khác về bản chất so với kế hoạch tuần này.

“Toàn văn thông cáo” của ĐCSTQ - mặc dù là một cuốn sách dày đặc chữ, đầy những biệt ngữ của ĐCSTQ, nhưng nó chứa đựng những manh mối thiết yếu về quỹ đạo của Trung Quốc trong 5 năm - và thậm chí trong 15 năm tới.

Nhấn mạnh trọng tâm ‘đô thị hóa mới’

Như một điển hình, thông cáo này phần lớn mang “giọng điệu chiến thắng”, với tuyên bố chiến thắng trong việc đạt được các mục tiêu của kế hoạch 5 năm trước đó.

Tuy nhiên, có sự thừa nhận về một số vấn đề mà Trung Quốc vẫn phải đối mặt, bao gồm sự bất bình đẳng dai dẳng (và ngày càng gia tăng) giữa cư dân nông thôn và thành thị, các vấn đề môi trường và thiếu đổi mới chất lượng. Kế hoạch 5 năm tới là nhằm giải quyết những vấn đề đó.

Lần này, tầm nhìn về tương lai kinh tế của Trung Quốc đặt trọng tâm vào chất lượng. Kế hoạch chi tiết kêu gọi tăng trưởng “bền vững và lành mạnh” được đánh dấu bằng “chất lượng và hiệu quả được cải thiện đáng kể” trong giai đoạn 5 năm tới.

Trung Quốc hồi sinh nền kinh tế bằng cách... thúc đẩy thị trường bán hàng rong? (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)
Trung Quốc hồi sinh nền kinh tế bằng cách... thúc đẩy thị trường bán hàng rong? (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Điều quan trọng là không có mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng GDP, điều mà các nhà phân tích từ lâu cho rằng cần phải loại bỏ nếu Trung Quốc thực sự muốn thoát khỏi nỗi ám ảnh về tăng trưởng bằng mọi giá.

Chúng ta vẫn có thể thấy mục tiêu “GDP mềm” được bổ sung trong phiên bản cuối cùng của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 được phê duyệt vào năm tới, nhưng hiện tại, trọng tâm chính dường như tập trung vào GDP bình quân đầu người. Thông cáo chung đặt mục tiêu nâng cao GDP bình quân đầu người lên mức của một quốc gia phát triển vừa phải - một "mục tiêu mơ hồ" tạo dư địa cho "sự linh hoạt".

Thông cáo cũng cam kết giảm đáng kể khoảng cách thu nhập giữa cư dân nông thôn và thành thị, đồng thời nhắc lại trọng tâm lâu đời là “đô thị hóa mới”. Giải quyết khoảng cách phát triển nông thôn-thành thị đã là mục tiêu của ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ, nhưng rất nhiều việc vẫn "đang được tiến hành".

‘Bước đột phá’ về cải cách quyền tài sản: Một đề cập đầy ‘trêu ngươi’?

Ngoài ra còn có một đề cập đầy “trêu ngươi” liên quan đến “bước đột phá” về cải cách quyền tài sản. Đây đã là một cái gì đó của “Chén Thánh” đối với những người theo chủ nghĩa cải cách ở Trung Quốc, đã được thảo luận từ lâu nhưng chưa bao giờ được thực hiện.

Dưới chế độ của ĐCSTQ, tất cả đất đai đều thuộc sở hữu của chính phủ - một điều đặc biệt gây bất lợi cho các chủ đất nông thôn - những người có thể thấy tài sản của họ bị lấy đi theo ý muốn của chính quyền địa phương, kèm theo ít tiền bồi thường.

Liệu việc đề cập ngắn gọn này trong thông cáo sẽ dẫn đến sự thay đổi thực sự đối với quyền đất đai của Trung Quốc, hay nó đơn giản là lời dỗ dành cho “những hy vọng tan vỡ”.

Lưu thông kép - Lời hứa ‘chung chung’?

Theo dự kiến, bản tóm tắt của kế hoạch 5 năm tiếp theo bao gồm các tham chiếu đến "lưu thông kép", một thuật ngữ mới do chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra vào mùa xuân năm ngoái, trong bối cảnh sự gián đoạn kinh tế toàn cầu do đại dịch viêm phổi Vũ Hán và sự cạnh tranh kinh tế ngày càng thù địch với Hoa Kỳ.

Cụm từ này gợi ý một trọng tâm hướng vào thị trường nội địa đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai.

Lưu Côn, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, tham dự cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông vào ngày 07/03/2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Lintao Zhang / Getty Images)
Lưu Côn, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, tham dự cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông vào ngày 07/03/2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Lintao Zhang / Getty Images)

“Chu kỳ trong nước” (có nghĩa là sản xuất và tiêu dùng nội bộ) sẽ là trọng tâm chính của kế hoạch 5 năm tới, được bổ sung bởi “chu kỳ quốc tế” (ngoại thương và đầu tư). Do đó, Thông cáo chung bao gồm nhiều đề cập đến việc thúc đẩy nhu cầu trong nước, nhưng không có chi tiết cụ thể về cách thức để thực sự đạt được mục tiêu đó.

Có một số ý kiến ​​đồng tình với việc tăng cường mở cửa và cải cách kinh tế - loại thay đổi mà các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài luôn kêu gọi - nhưng không có gì cụ thể trong kế hoạch của ĐCSTQ.

Thay vào đó, có những lời hứa chung chung về “các bước mới trong cải cách và mở cửa” và xây dựng “hệ thống thị trường tiêu chuẩn cao” - nơi các lực lượng thị trường quyết định việc phân bổ các nguồn lực.

Về vấn đề “vai trò quyết định đối với các lực lượng thị trường”, ĐCSTQ đã hứa “nhiều lần”, với lần đầu tiên là vào năm 2013, nhưng tình hình "không có gì mới mẻ". Do do, không có gì ở đây để có thể gợi ý về “một sự thay đổi lớn trong tương lai”.

Cấp bách ‘chạy đua công nghệ’

Đáng chú ý nhất, có sự tập trung mạnh mẽ vào công nghệ và đổi mới trong thông cáo, để phù hợp với “cuộc chiến công nghệ” ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Khi Washington quyết định ngăn chặn các công ty Trung Quốc như Huawei tiếp cận với các công nghệ quan trọng của phương Tây, Trung Quốc càng cấp bách hơn để phát triển nền tảng công nghệ của riêng mình.

Thông cáo lưu ý rằng đổi mới chiếm “vị trí cốt lõi” trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc và chỉ ra rằng “tự lực về khoa học và công nghệ là chiến lược hỗ trợ cho sự phát triển quốc gia”.

Do đó, nhiều mục tiêu dài hạn được nêu bật trong tài liệu là theo định hướng phát triển công nghệ. Trung Quốc “mơ ước” sẽ tạo ra “những bước đột phá lớn trong các công nghệ cốt lõi quan trọng”, trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới và đạt được “công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp mới”.

“Công nghệ cốt lõi” không được nêu tên trong thông cáo, nhưng có thể bao gồm các công nghệ tương tự được nhấn mạnh trong các kế hoạch khác của chính phủ: chất bán dẫn, viễn thông, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Mục tiêu đến năm 2035: Ông Tập muốn 'mừng thượng thọ trong vinh quang'?

Đáng chú ý, các mục tiêu công nghệ nêu trên là cho năm 2035, không phải năm 2025. Ngoài kế hoạch 5 năm thông thường, hội nghị toàn thể cũng thảo luận về một kế hoạch chi tiết 15 năm đầy tham vọng hơn, đặt ra các mục tiêu của Trung Quốc đến năm 2035.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Thủ tướng Bỉ Charles Michel (không ảnh) trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 31/10/2016 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Kenzaburo Fukuhara - Pool / Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp với Thủ tướng Bỉ Charles Michel trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 31/10/2016 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Kenzaburo Fukuhara - Pool / Getty Images)

Theo thông cáo, vào năm 2035, Trung Quốc lẽ ra đã “về cơ bản đạt được” mục tiêu trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, mặc dù thời điểm để hoàn thành mục tiêu đó là năm 2049, kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập.

Vậy tại sao lại nhấn mạnh vào năm 2035? Và tại sao lại tập trung vào tầm nhìn dài hạn hơn tại cuộc họp toàn thể năm nay, thay vì bám vào kế hoạch 5 năm điển hình?

Chỉ một lý do: chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập đã nói rõ rằng ông có ý định nắm quyền lâu hơn nhiệm kỳ truyền thống 10 năm. Không có người thừa kế rõ ràng nào lọt vào Ủy ban Trung ương khóa 19 vào năm 2017, điều này tạo tiền đề cho ông Tập giữ vị trí hàng đầu trong ĐCSTQ trước năm 2022.

Ông Tập đã thông báo ý định nắm giữ quyền lực rõ ràng hơn vào năm 2018, khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc nhằm xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với nhiệm kỳ chủ tịch nước.

Giờ đây, giới hạn duy nhất là về thời gian ông Tập có thể nắm giữ quyền lực - một giới hạn mà ông không thể thay đổi: tuổi của ông. Ông Tập hiện 67 tuổi, có nghĩa là nếu ông nắm quyền cho đến lễ kỷ niệm lớn năm 2049 thì đó sẽ là một điều kỳ diệu - ông sẽ 96 tuổi.

Tuy nhiên, tính cho đến năm 2035 thì tình hình thực tế hơn nhiều; ông sẽ chỉ 82 tuổi (cùng tuổi Mao Trạch Đông qua đời).

Với mục tiêu đảm bảo di sản của mình với tư cách là “người đã đạt được các mục tiêu hiện đại hóa của Trung Quốc”, ông Tập rõ ràng đang thay đổi các mục tiêu để ông có thể chủ trì quá trình chuyển đổi hoàn toàn này.

Điều đó nói lên rất nhiều về tham vọng cá nhân của ông Tập. Nó cũng cho thấy niềm tin của các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, những người coi sự trỗi dậy của đất nước họ là "không thể tránh khỏi và không thể ngăn cản" - và "ảo tưởng" rằng mọi thứ sẽ đạt được nhanh hơn những gì trước đây dự tính.

Tác giả: Shannon Tiezzi từng là cộng sự nghiên cứu tại Quỹ Chính sách Hoa Kỳ-Trung Quốc, nơi cô tổ chức chương trình truyền hình hàng tuần Diễn đàn Trung Quốc.

Lê Minh



BÀI CHỌN LỌC

Những điều ‘thú vị’ cần biết về Hội nghị toàn thể lần thứ năm của ĐCS Trung Quốc