Cầu tiêu dùng Trung Quốc chậm phục hồi - Gánh nặng cho thương mại toàn cầu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các hộ gia đình Trung Quốc không mua những gì doanh nghiệp Trung Quốc đang bán, trong khi người mua sắm ở Mỹ và châu Âu vẫn đang cứu trợ các nhà sản xuất Trung Quốc ngay cả khi các nhà sản xuất trong nước họ đang gặp khó khăn. Điều đó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột về thương mại toàn cầu.

Người tiêu dùng Trung Quốc nổi tiếng thế giới với “túi tiền sâu rộng”. Trong thời kỳ Đại suy thoái, nền kinh tế toàn cầu được hỗ trợ bởi sức mạnh chi tiêu của họ trước áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng lần này, người tiêu dùng đại lục - “lực lượng 4,9 nghìn tỷ USD” - có thể chịu sự “căng thẳng” của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc đã không thể phục hồi

“Nợ hộ gia đình Trung Quốc đã tăng từ 28% vào năm 2011 lên 55% vào năm 2019 tính theo tỷ trọng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 19%. Sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề hiện có”, theo nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2020 của tác giả Alicia Garcia Herrero và các đồng sự.

Theo Asia Times, các chính phủ toàn cầu đã bơm 8 nghìn tỷ USD vào hệ thống để củng cố các nền kinh tế đang khó khăn. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo rằng thế giới có thể phải đối mặt với “cuộc suy thoái thời bình” sâu sắc nhất kể từ những năm 1930.

Hầu như không có gì ngạc nhiên khi mọi con mắt đều đổ dồn vào... người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, Wang Jun, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc - một tổ chức tư vấn của chính phủ, cho biết:

“Chính sách của chính phủ đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo (vốn ngày càng gia tăng) sau khi virus bùng phát. Điều này sẽ cản trở sự phục hồi tiêu dùng nói chung vì dân số thu nhập thấp đông hơn nhiều so với dân số thu nhập cao”.

Zhuang Bo, một nhà kinh tế tại TS Lombard, cho biết: “Chính phủ có thể quyết định xây dựng bao nhiêu con đường và cây cầu, nhưng không thể kiểm soát số lượng các hộ gia đình thu nhập trung bình muốn chi tiêu bao nhiêu”.

Hậu quả kinh tế của đại dịch viêm phổi Vũ Hán là hoàn toàn khác nhau giữa các quốc gia, cũng là điều khiến thế giới gặp rắc rối về thương mại, đặc biệt là giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu.

Tại Trung Quốc, chi tiêu của người tiêu dùng đã không thể phục hồi, ngay cả khi sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định đạt mức cao mới. Vấn đề là mọi thứ được sản xuất ra cuối cùng đều phải được tiêu thụ, vì vậy nếu các hộ gia đình Trung Quốc không mua những gì doanh nghiệp của họ đang bán, vậy thì ai sẽ mua?

Cho đến nay, những người mua sắm ở Mỹ và châu Âu vẫn đang cứu trợ các nhà sản xuất Trung Quốc, ngay cả khi các nhà sản xuất của chính họ gặp khó khăn.

Sau khi virus Corona Vũ Hán xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc, chi tiêu bán lẻ đã giảm khoảng 25% trên cơ sở điều chỉnh theo mùa từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, trong khi sản lượng sản xuất giảm khoảng 20%.

Đó dường như là chính xác những gì đã xảy ra ở Hoa Kỳ giữa mức đỉnh của nền kinh tế vào tháng 2/2020 và mức đáy vào tháng 4/2020 (Sản xuất và tiêu thụ đều giảm 30% ở Châu Âu).

Sự phục hồi của ba nền kinh tế lớn trên thế giới về cơ bản là khác nhau

Tuy nhiên, sự phục hồi của ba nền kinh tế lớn trên thế giới về cơ bản là khác nhau. Dữ liệu mới nhất cho thấy người Mỹ và châu Âu đã quay trở lại chi tiêu nhiều như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch (nếu không muốn nói là nhiều hơn), ngay cả khi các nhà sản xuất của họ hoạt động dưới mức công suất.

Nhưng ở Trung Quốc, chi tiêu bán lẻ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, ngay cả khi khu vực sản xuất tăng trưởng mạnh. Trên thực tế, chi tiêu bán lẻ trong tháng 7/2020 dường như đã giảm nhẹ so với tháng 6/2020.

Sự khác biệt này phản ánh các lựa chọn chính sách của chính phủ, đặc biệt là khi chính quyền Trung Quốc hạn chế về phúc lợi xã hội dành cho hàng trăm triệu công nhân Trung Quốc (thành thị) đến từ nông thôn.

Ví dụ, thay vì nhận được trợ cấp thất nghiệp, những người di cư ở nông thôn đã rời thành phố để đến các trang trại tự cung tự cấp của họ. Đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc nhận được trợ cấp từ nhà nước để tiếp tục sản xuất, bất kể việc này có mang lại hiệu quả hay không.

Kết quả là tổng chi tiêu của Trung Quốc cho nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong tháng 4 đến tháng 6 chỉ dưới 530 tỷ USD, so với 606 tỷ USD trong quý II/2019 và gần 640 tỷ USD trong quý II/2018.

Ngược lại, giá trị xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Trung Quốc trong quý II/2020 về cơ bản không thay đổi trong nhiều năm qua. Thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc đã tăng vọt nhờ sự kết hợp của nhu cầu trong nước giảm và việc sản xuất được duy trì. (Ngoài ra, giá năng lượng giảm và ít người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài hơn cũng là nguyên nhân thêm vào)

Thực tế là, sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc với GDP tăng 3,2% trong quý II/2020 - phần lớn được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, trong khi chính sách này có nguy cơ làm tăng cao nợ của Trung Quốc; trong bối cảnh tiêu dùng trong nước đang phải vật lộn để giải quyết tình trạng sụt giảm.

Trong khi đó, cán cân thương mại sản xuất của Châu Âu đã chuyển sang hướng khác. Trong khi nhập khẩu giảm, xuất khẩu đã giảm nhiều hơn. Thặng dư hàng hóa chế tạo của Châu Âu trong quý II/2020 là 50 tỷ euro (60 tỷ USD), so với mức trung bình trước đại dịch là khoảng 110 tỷ euro.

Thặng dư thương mại của Châu Âu là do tiêu dùng thấp và đầu tư quá mức (vốn gây hại cho người Châu Âu), tuy nhiên, cách phù hợp để khắc phục điều đó là thông qua nhập khẩu cao hơn chứ không phải xuất khẩu thấp hơn.

Dữ liệu thương mại của Mỹ cho thấy xuất khẩu đã giảm nhiều hơn nhập khẩu, mặc dù khoảng cách đã thu hẹp phần nào trong tháng 6 nhờ xuất khẩu tăng.

Tháng 8/2020, chỉ số khảo sát đối với các nhà quản lý mua hàng của Mỹ tăng cao nhất trong một năm qua, đạt mức 53,6 điểm, mức điểm trên 50 cho thấy các nhà quản lý mua hàng của Mỹ dự báo mở rộng đơn hàng trong tháng tới.

Dấu hiệu tích cực này cho thấy sản xuất trong nước của Mỹ có thể duy trì đà phục hồi tốt trong tháng tới, đặc biệt khi cuộc chiến vaccine chống lại đại dịch đang tiến triển khả quan.

Nhu cầu tiêu dùng yếu có khả năng lây lan từ Trung Quốc sang phần còn lại của thế giới

Vấn đề nhu cầu tiêu dùng yếu có khả năng lây lan từ Trung Quốc sang phần còn lại của thế giới. Hàng chục triệu người Mỹ đã chứng kiến ​​thu nhập của họ bị cắt giảm khi hết hạn phúc lợi “Bồi thường Thất nghiệp Đại dịch”.

Các chính phủ châu Âu đang tranh luận về việc bao lâu nữa thì họ nên kết thúc các chương trình hỗ trợ này, sau khi đã tạm thời giúp các doanh nghiệp giữ người lao động trong biên chế.

Miếng bánh kinh tế toàn cầu” ngày càng nhỏ đi, điều đó có nghĩa là các công ty, và các chính phủ hỗ trợ họ, sẽ buộc phải đấu tranh gay gắt hơn nữa chỉ để ngăn doanh số của họ giảm.

Điều đó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột về thương mại, điều đã và đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu từ trước đại dịch.

Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Cầu tiêu dùng Trung Quốc chậm phục hồi - Gánh nặng cho thương mại toàn cầu?