Nhiều ngành nghề ‘rỗng ruột’ - Việt Nam là kẻ nhập khẩu lạm phát lớn nhất từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hàng loạt ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu nhập siêu nghiêm trọng. Trong khu vực, theo nghiên cứu của Standard Chartered, Việt Nam là nước ảnh hưởng tồi tệ nhất từ lạm phát giá nhà sản xuất Trung Quốc do tình trạng phụ thuộc nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc khiến Việt Nam trở thành kẻ “nhập khẩu lạm phát” lớn nhất lớn nhất của nền kinh tế này.

Nguyên nhân chính đến từ việc thiếu các nguồn cung từ công nghiệp hỗ trợ. Thực trạng này đã kéo dài hàng chục năm qua, cho thấy nhiều ngành nghề của Việt Nam rỗng ruột, chỉ trở thành khâu “trung gian” lắp ráp giản đơn, khâu sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất.

Điều này không chỉ khiến ngành công nghiệp của Việt Nam trở nên dễ thay thế bởi bất kỳ đối thủ nào trong khu vực mà còn không tạo việc làm bền vững, tăng áp lực lên tỷ giá (do cầu ngoại tệ nhập khẩu cao), phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của nước ngoài và cũng chịu ảnh hưởng lớn nhất của lạm phát, biến động tỷ giá từ nước nhập khẩu.

Nhập siêu ‘khủng’ và phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc

Nếu như năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, xuất siêu của Việt Nam được coi là một kỳ tích vì đạt được con số kỷ lục 19,1 tỷ USD. Và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất siêu đã đạt 1,29 tỷ USD thì chỉ riêng trong tháng 5 năm nay, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD khiến cán cân thương mại 5 tháng đầu năm đảo chiều sau một thời gian dài xuất siêu. Tính tổng thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 5 tháng qua, các doanh nghiệp đã đẩy rất mạnh nhập khẩu linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu và nông sản để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao những tháng qua do ngành dệt may gần đây đã phục hồi trở lại với khối lượng đơn hàng cao. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2021. Việc gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng trưởng đến 15% trong 5 tháng đầu năm.

Giá nhà sản xuất của Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với giá nhà sản xuất của Trung Quốc do phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao, sô liệu 2016-2021 (Nguồn: Trading Economics)

Nhập khẩu từ Trung Quốc luôn dao động ở mức 30-33% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhìn vào cơ cấu hàng hóa nhập từ Trung Quốc, đều là các đầu vào thiết yếu cho sản xuất công nghiệp, phục vụ xuất khẩu tại Việt Nam như: sắt thép, chất dẻo, hóa chất, nguyên phụ liệu, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác… Việt Nam có thể đang phải nhập khẩu lạm phát giá nhà sản xuất từ Trung Quốc khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm lên tới 43,76 tỷ USD, chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu, máy móc thiết bị đầu vào cho sản xuất . Điều này sẽ thúc đẩy tăng giá sản xuất của Việt Nam, giá cả hàng hóa Việt Nam tăng mạnh hơn.

Theo một nghiên cứu của Standard Chatter, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ lạm phát ở Trung Quốc. Cứ mỗi 1% tăng thêm trong giá EPI của Trung Quốc có thể làm tăng thêm 0,3 điểm % chỉ số giá của Việt Nam.

Kim ngạch xuất nhập khẩu và nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020 và 2019 (Đơn vị, tỷ USD)

Phụ thuộc vào khối FDI

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, “thành tích” nhập siêu hoàn toàn thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với kim ngạch đạt 85,5 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối FDI Không chỉ nhập siêu cao, mà xuất siêu cũng “khủng”, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều đó cho thấy một thực tế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế, sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn chưa bền chặt. Những doanh nghiệp nội địa vẫn chưa cho thấy tiềm lực đủ mạnh để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không những vậy, nếu như năm 2012, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới chỉ chiếm 63,1%, thì đến 4 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng này đã tăng lên 75,2% (báo cáo của Bộ Công Thương). Không chỉ những ngành sản xuất mà khối FDI vốn ở thế “sân trên” là có lượng xuất siêu lớn: sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là 93,1% mà kể cả với ngành hàng giày dép và dệt may, những tưởng lợi thế thuộc về doanh nghiệp Việt Nam, thì khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chiếm tương ứng 81,9% và 62,5%. Điều này cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhập siêu cả trong ngành nông nghiệp

“Việc các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử, hàng hóa công nghệ cao và máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ giúp tạo ra dư địa và cơ hội để tăng xuất khẩu trong thời gian tới. Chưa kể, trong bối cảnh giá nhập khẩu tăng mạnh, doanh nghiệp còn có tâm lý tích trữ thêm nguyên liệu để phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài”, ông Giang cho hay.

Thậm chí, hiện tượng nhập siêu còn đang diễn ra với cả ngành nông nghiệp. Nhập khẩu điều 5 tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 1,4 triệu tấn với giá trị hơn 2,2 tỷ USD, tăng hơn 247% về lượng và tăng 281% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Điều nhập khẩu tăng cao bất thường cũng khiến lần đầu tiên ngành luôn dẫn đầu về xuất khẩu nông sản này rơi vào tình thế nhập siêu với giá trị hơn 1 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên ngành điều rơi vào nhập siêu, chủ yếu là nhập điều thô từ Campuchia.

Hạt Điều, Các Loại Hạt, Bữa Ăn Nhẹ, Mặn, Nutmeat
Nhập khẩu điều 5 tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 1,4 triệu tấn với giá trị hơn 2,2 tỷ USD, tăng hơn 247% về lượng và tăng 281% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Pixabay)

Làm sao để nâng ‘chất’ doanh nghiệp nội?

Theo Tiền Phong, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho rằng, về lâu dài, nếu duy trì mô hình xuất khẩu như hiện nay, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu. Mỗi năm ngành hàng điện tử xuất khẩu đạt kim ngạch 100 tỷ USD; dệt may xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; da giày 20 tỷ USD. 3 ngành hàng này xuất khẩu đạt 170 tỷ USD mỗi năm. Dù chiếm kim ngạch rất lớn trên tổng kim ngạch 270 tỷ USD xuất khẩu của cả nước nhưng giá trị gia tăng thu được thực tế không hề cao. Cụ thể, với ngành dệt may, nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh đến trên 20%. Riêng vải may mặc đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 30,9%.

Ngoài ra, sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài mà đại dịch Covid -19 là một ví dụ điển hình, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Không những vậy, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu bên ngoài do ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Đặc thù ở Việt Nam là để xuất khẩu thì doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu rất nhiều.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, nhìn vào rổ nhập khẩu cho thấy, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị vi tính, điện tử và phụ tùng tăng vọt. Khách quan mà nói, khu vực doanh nghiệp trong nước đang có nhiều dấu hiệu mở rộng đầu tư, nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị để đầu tư là chính. Bên cạnh đó là hoạt động lắp ráp, gia công cũng tăng mạnh. “Nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy, khu vực doanh nghiệp trong nước đang gia tăng nhập khẩu máy móc sản xuất thời hậu Covid-19. Đây là điều đáng mừng”.

Tuy nhiên về kết quả xuất khẩu lại không được là bao. Bởi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. “Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu, làm chủ cuộc chơi, còn doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu. Đây là “mảng tối” trong bức tranh sáng của ngành công thương”, PGS.TS. Thịnh nhấn mạnh.

Nhận định khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 20-22% GDP mà chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của chúng ta mang lại. Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp trong nước, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã chỉ ra một thực tế là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn doanh nghiệp nội lại rơi vào tình cảnh “bụt chùa nhà không thiêng”, dù doanh nghiệp nội vẫn mang lại giá trị gia tăng cao, tạo công ăn việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách.

“Việc tạo điều kiện, không gian cho doanh nghiệp trong nước, cho các doanh nhân phát triển là rất quan trọng để doanh nghiệp trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.

Chính vì vậy, quan điểm của các chuyên gia kinh tế là phải làm sao xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.

Tâm Chính



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều ngành nghề ‘rỗng ruột’ - Việt Nam là kẻ nhập khẩu lạm phát lớn nhất từ Trung Quốc