Nhân dân tệ thật quá tệ so với đô-la Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn một thập kỷ nay Trung Quốc đã luôn nuôi mộng một ngày nào đó đồng nhân dân tệ sẽ có thể thế chỗ đồng đô-la Mỹ. Tuy nhiên, các con số thống kê giao dịch thanh toán quốc tế cho thấy, nếu như đồng đô-la Mỹ là chàng khổng lồ Goliath thì đồng nhân dân tệ chỉ là một người tí hon.

Nếu Trung Quốc hy vọng thay thế đồng đô-la Mỹ như một công cụ thanh toán thương mại, định giá các mặt hàng toàn cầu như dầu lửa của Ả Rập, hoặc để thanh toán trong việc vận chuyển đậu nành Brazil, thì những hy vọng đó đã bị tan vỡ.

Đồng đô-la Mỹ là tiêu chuẩn vàng. Nếu đồng euro không thể vượt qua nó, thì đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chắc chắn lại càng không thể. Thêm vào thực tế là nhiều nền kinh tế chủ chốt tức giận với sự thiếu minh bạch của Trung Quốc liên quan đến đại dịch virus Corona vừa qua và thậm chí khó có khả năng các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc sẽ chấp nhận thanh toán bằng nhân dân tệ sau đại dịch.

Theo công cụ theo dõi nhân dân tệ hàng tháng của SWIFT (Swift tracker) - nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn giao dịch tài chính toàn cầu cho các giao dịch xuyên quốc gia - tiền tệ của Trung Quốc chỉ chiếm 1,85% giao dịch toàn cầu.

Nhân dân tệ chỉ đứng thứ 8 trong thanh toán quốc tế trong khi đô-la Mỹ luôn ở vị trí dẫn đầu

Về các khoản thanh toán quốc tế không bao gồm thanh toán nội bộ khu vực euro, nhân dân tệ đứng thứ 8 với tỷ lệ 1,23% thanh toán tiền tệ vào tháng 3 năm 2020.

Tiền tệ của Trung Quốc hầu như không tăng trong các bảng xếp hạng về nhu cầu đối với các giao dịch xuyên biên giới. Vào tháng 3 năm 2018, nó chiếm 1,6% trong tất cả các giao dịch. Để so sánh, đồng đô-la Mỹ đã tăng từ 39,4% tổng số giao dịch trong tháng 3 năm 2018 lên 44% vào tháng 3 năm 2020.

Theo SWIFT, mặc dù tiền tệ của Trung Quốc đã là một trong top năm hay sáu loại tiền tệ được giao dịch hàng đầu trong ba năm qua, thị phần cao nhất cho nhân dân tệ chỉ có 2,2% vào tháng 8 năm 2019.

Kỳ vọng là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ trở thành một tay chơi toàn cầu tham gia vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt. Điều đó đã diễn ra vào cuối năm 2015.

Thị trường trái phiếu Trung Quốc đã ngày càng mở cửa cho người nước ngoài, nhưng những người nắm giữ lớn nhất vẫn là các tổ chức tài chính Trung Quốc cũng như các công ty tài chính và giới nhà giàu ở Hong Kong.

Trong nhiều năm, khu vực các nước đang phát triển tại nam bán cầu đã lạc quan suy đoán rằng một ngày nào đó một loại tiền tệ cạnh tranh sẽ đánh bật đồng đô-la xuống một bậc. Đồng tiền đó luôn được coi là nhân dân tệ. Họ giả định rằng các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi (cụ thể là các ngân hàng có dự trữ ngoại tệ cao như Brazil, Nga và Ấn Độ, thành viên của gia đình BRICS), sẽ tăng sở hữu trái phiếu nhân dân tệ để đa dạng hóa.

Nhân dân tệ của Trung Quốc đã từng nhích lên trong bảng xếp hạng khi nói đến tài chính thương mại nhờ mối giao hảo với Vương quốc Anh

Vào tháng 3 năm 2018, nhân dân tệ từng là loại tiền được sử dụng nhiều thứ tư và chiếm 1,5% trong khi đô-la Mỹ chiếm 84,6%. Tháng trước đó, nhân dân tệ thậm chí chiếm vị trí thứ ba, tương đương 2,4% các giao dịch tài chính thương mại.

Một điều thú vị từ dữ liệu của Swift Tracker là Vương quốc Anh là nước dẫn đầu về thanh toán thương mại. Khoảng 37,5% giao dịch thị trường giao ngay bằng tiền Trung Quốc đã diễn ra tại London, cho thấy rằng hành động gần đây của họ để mời Huawei vào mạng viễn thông 5G của họ ít nhất một phần là do mong muốn giữ mối quan hệ tài chính một cách khéo léo.

Trung Quốc liên tục đe dọa đóng cửa kết nối giữa thị trường London và Thượng Hải khi có thông tin rằng người Anh đang lắng nghe người Mỹ nói về Huawei, bên cạnh những vấn đề khác được khuấy động bởi cuộc chiến thương mại.

Nếu Vương quốc Anh đang đảo ngược và quyết định không cho phép Huawei tham gia vào cơ sở hạ tầng 5G của đất nước, liệu tiền tệ và chứng khoán kết nối với Trung Quốc sẽ bị đe dọa hay không? Và không chỉ Huawei, thái độ của chính phủ Anh thay đổi mạnh mẽ trước nguy cơ Hong Kong mất hoàn toàn chế độ dân chủ bởi Luật An ninh Quốc gia do đại lục áp đặt. Cơ hội cuối cùng của đồng nhân dân tệ nhờ giao hảo với Anh quốc liệu có bởi các tham vọng của Bắc Kinh mà tiêu mất?

Đồng nhân dân tệ chẳng có ý nghĩa gì với Mỹ, giới đầu tư dầu mỏ từng từ chối định giá dầu bằng nhân dân tệ

Vương quốc Anh đứng thứ hai sau Hong Kong với tư cách là nền kinh tế nhân dân tệ hàng đầu nước ngoài dựa trên các giao dịch trong và ngoài nước. Hong Kong chiếm hơn 75%, và Vương quốc Anh chỉ chiếm có 6,7%, tiếp theo là Singapore ở mức 3,5%, và sau đó là Mỹ ở mức 2,8%. Vai trò của nhân dân tệ đối với Mỹ là quá thấp, mặc dù Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc; điều này cho thấy nhân dân tệ hoàn toàn bất lực. Để có thể gây bất kỳ ảnh hưởng nào cho đồng đô-la, Trung Quốc sẽ cần thuyết phục thêm châu Âu lựa chọn việc thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ thay vì bằng đô-la Mỹ. Thật hoang đường.

Trung Quốc đã từng cố gắng thuyết phục một số nhà sản xuất dầu lửa ở Trung Đông định giá dầu của họ bằng nhân dân tệ thông qua việc tạo ra một thị trường tương lai cho loại tiền này. Ý tưởng đó đã bị từ chối không chỉ vì chính trị, mà khi nó vừa được đề xướng lần đầu với các nhà môi giới từ Dubai, thì các đối tác đã cảm thấy họ không thể tin tưởng vào giá trị của đồng tiền Trung Quốc.

Thật không giống ai, Trung Quốc là loại tiền tệ duy nhất trong rổ IMF không được thả nổi tự do.

Trong giỏ hàng đó, nhân dân tệ của Trung Quốc hiện chiếm 10%. Đồng đô-la Mỹ vẫn là vua ở mức 41,7%, tiếp theo là đồng euro ở mức 30,93%.

Lê Minh

Theo forbes.com



BÀI CHỌN LỌC

Nhân dân tệ thật quá tệ so với đô-la Mỹ