Nhà cung cấp chỉ số toàn cầu hàng đầu MSCI không có kế hoạch ‘tách rời’ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Morgan Stanley Capital International (MSCI) là một trong những nhà cung cấp chỉ số lớn nhất trên thế giới có ảnh hưởng đến cách các nhà đầu tư triển khai quỹ của họ. Công ty cho biết không có kế hoạch điều chỉnh các chỉ số toàn cầu của mình để loại trừ các công ty thuộc chế độ Cộng sản Trung Quốc, bất chấp những lo ngại đang gia tăng về an ninh quốc gia và nhân quyền.

Trong cuộc họp cổ đông thường niên vào ngày 28 tháng 4, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của MSCI là Henry Fernandez bày tỏ không có kế hoạch xem xét loại bỏ các công ty nhà nước Trung Quốc khỏi các chỉ số của họ.

Trả lời câu hỏi của Trung tâm nghiên cứu chính sách công quốc gia, một nhóm chuyên gia có tư tưởng bảo thủ tại Washington, ông Fernandez nói rằng các nhà quản lý quỹ có thể tự do chọn bất kỳ chỉ số nào làm chuẩn. Ông tránh trả lời trực tiếp câu hỏi về những lo ngại đang gia tăng liên quan đến việc đầu tư lương hưu liên bang của Mỹ vào chứng khoán Trung Quốc.

Ông Fernandez cho biết: “Nói chung, tôi sẽ nói rằng tất cả các khách hàng của MSCI trên toàn thế giới có quyền lựa chọn bất kỳ chỉ số chuẩn nào họ muốn sử dụng theo mục tiêu đầu tư của mình. Một số người trong số họ có thể sử dụng các chỉ số chuẩn của chúng tôi, bao gồm tất cả các công ty được niêm yết công khai, dù thuộc sở hữu nhà nước hay không thuộc sở hữu nhà nước, cho dù họ ở Trung Quốc hay Pháp hay Mỹ, và đó là các chỉ số chuẩn mà chúng tôi cung cấp".

Có trụ sở tại New York, công ty MSCI cung cấp dữ liệu đầu tư và dịch vụ phân tích cho các tổ chức đầu tư. Công ty được biết đến với các chỉ số chuẩn như Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI, có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các quỹ.

Năm ngoái, công ty đã tăng gấp bốn lần tỷ trọng của Trung Quốc trong chỉ số thị trường mới nổi. Công ty đã công bố vào tháng 12 năm 2019 rằng chỉ số bao gồm 472 công ty Trung Quốc có cổ phiếu A và tỷ trọng của Trung Quốc trong chỉ số đã tăng lên thành 33% từ mức 28% trong năm 2017.

Vào tháng 2 năm ngoái, The Wall Street Journal đã đưa tin rằng MSCI “đã chịu áp lực nặng nề từ phía chính phủ Trung Quốc, khi chính phủ cố gắng kiềm chế công việc kinh doanh của công ty tại nước này”.

Do đó, nhà cung cấp chỉ số đã phải tăng tỷ trọng của cổ phiếu Trung Quốc trong các điểm chuẩn toàn cầu của mình, dẫn đến hàng tỷ USD chảy vào các cổ phiếu Trung Quốc, báo cáo cho biết.

Kế hoạch tiết kiệm (Thrift Savings Plan - TSP)

Vào tháng 10, một nhóm các thượng nghị sĩ lưỡng đảng do Marco Rubio (R-Fla.) và Jeanne Shaheen (D-N.H.) đứng đầu đã kêu gọi quỹ hưu trí của nhân viên liên bang (Kế hoạch Tiết kiệm - TSP) ngừng kế hoạch sử dụng chỉ số MSCI làm chuẩn cho các khoản đầu tư của mình.

Các công ty được bao gồm trong chỉ số “đang hỗ trợ cho các hoạt động quân sự, gián điệp và vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc, cũng như đang trợ giúp nhiều công ty Trung Quốc khác thiếu minh bạch tài chính cơ bản”, họ đã cảnh báo trong một bức thư.

Trong số các công ty Trung Quốc nằm trong chỉ số có Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc và China Unicom, là các nhà thầu cho Quân đội Giải phóng Nhân dân, đang hỗ trợ cho hoạt động quân sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Các công ty khác bao gồm Hàng Châu Hikvision (bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen) và ZTE Corp (đã bị phạt vào năm ngoái vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ).

Một số nhà lập pháp Cộng hòa và cựu quan chức Mỹ đã kêu gọi chính quyền Trump chấm dứt kế hoạch đầu tư lương hưu liên bang vào các công ty Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia hoặc vi phạm nhân quyền, Reuters đưa tin ngày 21 tháng 4.

Một quan chức chính quyền cấp cao nói với The Epoch Times rằng Nhà Trắng “chưa đưa ra quyết định nào” để ngăn chặn TSP đầu tư vào các công ty do Trung Quốc nắm giữ.

Trái ngược với một quỹ được quản lý tích cực, một quỹ chỉ số thụ động bắt chước một điểm chuẩn như MSCI. Hàng nghìn tỷ USD trên toàn thế giới đang theo dõi các chỉ số như vậy một cách thụ động.

Một trong những quỹ hưu trí công lớn nhất nước Mỹ, Hệ thống Hưu trí Giáo viên Tiểu bang New York (NYSTRS) cho biết: khoản đầu tư của quỹ vào chứng khoán Trung Quốc không được chọn bởi một người quản lý danh mục đầu tư, mà thay vào đó là tự động chọn để khớp với một chỉ số.

Tính đến tháng 6 năm 2019, NYSTRS đã nắm giữ 81.802 cổ phiếu Hikvision. Công ty này hiện được xem xét kỹ lưỡng vì liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm việc giam giữ hàng loạt, giám sát và lập hồ sơ chủng tộc.

Phát ngôn viên của quỹ nói với The Epoch Times: “Sự tiếp xúc của NYSTRS với Hikvision tiếp tục chủ yếu gắn liền với một danh mục đầu tư được quản lý thụ động thường tìm kiếm để phù hợp với chỉ số chuẩn của nó”.

“Số lượng cổ phiếu nắm giữ trong danh mục đầu tư được quản lý thụ động này vẫn tương đối ổn định từ quý này sang quý khác, và không có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến trọng số của chỉ số. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình”.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà cung cấp chỉ số toàn cầu hàng đầu MSCI không có kế hoạch ‘tách rời’ Trung Quốc