Nguy cơ doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng từ 35-37%

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời gian qua, một lượng lớn công nhân tại các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất đã nghỉ việc về quê tránh dịch Covid-19. Cùng với đó, một số địa phương thực hiện “ai ở đâu, ở yên đó” nên công nhân không thể di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc. Dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ khoảng 60-70%. Nhiều doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán thiếu lao động.

Cục Việc làm - Bộ Lao động thương binh và Xã hội nhận định: Sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… là nghiêm trọng nhất.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thiếu nhân lực là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp khi mở cửa kinh tế trở lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa có phương án thật sự tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện mới. Nhiều công nhân lành nghề đã tìm việc làm mới để duy trì cuộc sống ở quê nhà.

Trao đổi với tờ Lao Động, ông Vũ Đức Giang cho hay: “Nếu TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10/2021, rất khó để công nhân quay lại làm việc. Vì hiện đã là giữa tháng 9, chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Chỉ thị 16 vẫn đang được áp dụng tại nhiều địa phương là rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế. Tôi cho rằng, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%”.

Theo ông Vũ Đức Giang, nguồn nhân lực có tuyển mới thì cũng không bù đắp được số lao động thiếu hụt. Ngoài ra, lực lượng lao động cũ chủ yếu là lao động lành nghề; công nhân mới sẽ cần phải được tạo trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Chính vì vậy, thời gian tới có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh lao động giữa các nhà máy và các ngành nghề.

Không chỉ có ngành dệt may, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ cũng đang đứng ngồi không yên khi các hợp đồng đặt hàng khá nhiều nhưng không đủ nguồn nhân lực. Qua khảo sát, chỉ có 141/265 doanh nghiệp chế biến gỗ tại vùng trọng điểm phía Nam duy trì hoạt động, với số lượng công nhân chỉ bằng ¼ trước đây.

Ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, cho hay: Gỗ Đức Thành hiện chỉ có khoảng 60% tổng số lao động dù công ty đã đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ như tặng thuốc men, thực phẩm, đồng thời thường xuyên trao đổi, động viên công nhân.

Ngành chăn nuôi cũng không ngoại lệ khi đang đối diện với vô vàn khó khăn, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi. Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, khiến giá vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá nguyên liệu thức ăn, từ đó khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi tăng theo. Ngoài ra, các nhà máy, cơ sở sản xuất, giết mổ, chế biến cũng đối mặt với nguy cơ phải ngưng sản xuất do thiếu hụt lao động.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nguy cơ doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng từ 35-37%