Nguồn vốn đầu tư vào Myanmar có thể tìm đến thiên đường ở Việt Nam và Campuchia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Nekkei Asia, các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nhân địa phương đều buộc phải bỏ chạy khỏi Myanmar khi quân đội đã tự nắm quyền trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã chấm dứt quan hệ đối tác với các công ty Myanmar có có liên quan với quân đội. Các nhà đầu tư đã dành nhiều vốn cho đất nước này phải tìm kiếm các giải pháp thay thế gần đó.

Delta Capital, Anthem Asia và các quỹ khác vốn chỉ tập trung đầu tư vào Myanmar đang buộc phải chờ và quan sát các động thái tiếp theo của chính trường nước này. Còn một số quỹ khác có phạm vi địa lý rộng hơn thì đang chuyển hướng đến các điểm đến như Campuchia và Việt Nam.

Việt Nam đang có đặc biệt nhiều cơ hội

Ông Field Pickering, người đứng đầu đầu tư mạo hiểm tại Vulpes Investment Management, công ty đã ra mắt phương tiện giai đoạn đầu Seed Myanmar vào năm 2016, cho biết: "Khi biên giới được thông thương trở lại sau đại dịch và các nhà đầu tư châu Á quay trở lại Việt Nam, bạn sẽ thấy các hoạt động thỏa thuận đầu tư nổ ra, đưa Việt Nam đứng đầu danh sách các thị trường mới nổi thu hút đầu tư nước ngoài".

Trong 5 năm qua, tiểu vùng Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) đã đạt tổng sản phẩm quốc nội hàng năm khoảng 6%, cao hơn nhiều so với các nước khác ở Đông Nam Á.

Các nhà đầu tư đã tìm cách tận dụng tối đa điều này. Theo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tiểu vùng CLMV đã tăng 6,3% trong năm 2019. Trong khi Việt Nam đứng đầu về giá trị đầu tư với 16,1 tỷ USD, thì Myanmar là quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất, 55,9%.

Tuy nhiên, việc quân đội nắm quyền vào ngày 1 tháng 2 vừa qua, phần lớn dòng chảy đầu tư vào Myanmar này sẽ chuyển hướng.

Ông Dave Richards, đối tác quản lý của nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng Capria Ventures, nói với tờ DealStreetAsia: “Tiền của nhà đầu tư đã đổ vào Myanmar sẽ không thể đi đến đó”. Vì vậy, "các quốc gia xung quanh khu vực sẽ được hưởng lợi".

Nhiều nhà đầu tư tập trung vào Myanmar hiện có thể giăng lưới rộng hơn. Ông Andrew Durke, Giám đốc điều hành của quỹ Obor Capital cho biết: “Tôi kỳ vọng nhiều nhà đầu tư rời Myanmar sẽ chuyển từ chiến lược chỉ dành cho Myanmar sang chiến lược khu vực. Năm ngoái, quỹ VC Campuchia đã có kế hoạch đầu tư 13 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp CLMV, tờ DealStreetAsia đưa tin.

Giống như ông Pickering, ông Durke của Obor Capital cũng đánh giá cao về Việt Nam.

Ông nói: “Đối với các nhà đầu tư có nhiệm vụ đầu tư tại Đông Nam Á và hoàn toàn tìm kiếm lợi nhuận tài chính, Việt Nam vẫn là một lựa chọn tốt với những lý do đã làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trong 5 đến 10 năm qua”.

Ngoài ra, nếu nhu cầu đối với các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước như Campuchia và Lào tạo cơ hội cho vốn tư nhân, Việt Nam cũng sẽ nổi bật nhờ vào nguồn nhân tài và hệ sinh thái mà vốn đầu tư mạo hiểm cần để hỗ trợ đổi mới ở quy mô lớn, theo ông Richards của Capria.

Ngân hàng phát triển Hà Lan FMO cho biết Việt Nam đã xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư từ các công ty chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. "Một chính sách thân thiện với doanh nghiệp của chính phủ sẽ giúp thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài tăng vốn phân bổ vào khu vực này", một đại diện của FMO nói với DealStreetAsia.

Mặc dù Việt Nam có nhiều cạnh tranh hơn trong các giao dịch, nhưng các nhà quản lý quỹ tin rằng đang tồn tại một động lực lành mạnh chào đón "nhà đầu tư tiếp theo" - "điều chưa từng xuất hiện ở Myanmar", ông Pickering cho biết.

Nhiều cạnh tranh hơn cũng có nghĩa là nhiều giao dịch hơn và một thị trường lớn hơn với nhiều lựa chọn rút lui hơn. Tất cả những yếu tố này đã đưa Việt Nam trở thành “kỷ lục gia” của khu vực CLMV, ông Durke nói.

Campuchia cũng trở thành điểm đầu tư mới

Qũy Obor Capital có trụ sở tại Phnom Penh, đã đầu tư vào năm doanh nghiệp Campuchia và một công ty Việt Nam có hoạt động tại Việt Nam và Lào. Ông Durke kỳ vọng Campuchia sẽ viết nên một câu chuyện tương tự như Việt Nam. Ông nói: “Xem xét các đặc điểm khiến Myanmar trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tôi nghĩ Campuchia là giống Myanmar nhất”.

Hầu hết các khoản đầu tư vào Campuchia đi vào bất động sản và cơ sở hạ tầng; Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng và công nghệ vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho biết công nghệ kỹ thuật số tại 90% doanh nghiệp Campuchia vẫn ở mức cơ bản. Nhưng nền kinh tế đang phát triển của đất nước, với dòng vốn FDI ngày càng tăng và dân số trẻ, có thể tạo ra cơ hội để khai thác công nghệ mới và cho phép đất nước đạt được mục tiêu thu nhập quốc dân.

Tuy nhiên, ông Pickering của Vulpes Investment Management nghi ngờ khả năng đạt được mục tiêu đầu tư ở Campuchia vì thị trường của quốc gia này tương đối nhỏ. Lào thậm chí còn nhỏ hơn, và "khó có thể tưởng tượng các công ty cây nhà lá vườn ở đó có thể mở rộng quy mô để tạo ra lợi nhuận như chúng tôi đã mạo hiểm đầu tư", ông nói.

Tuy nhiên, khi các tổ chức tài chính phát triển có khả năng rút lui khỏi Myanmar, Campuchia có thể sẽ nhận được nhiều vốn hơn, theo ông Durke.

“Các thị trường cận biên như Campuchia vẫn còn rất mới đối với vốn tư nhân và các quỹ đầu tư mạo hiểm, vì vậy đầu tư vào đây là đầu tư vào tương lai”, ông Durke nói. "Và có một lợi thế lớn khi bạn trở thành người đi đầu trong thị trường này và nhận được mức định giá hấp dẫn".

Theo Giám đốc điều hành Joshua Morris của Emerging Markets Investment Advisers, quỹ đầu tư phần lớn vốn tại Campuchia đang tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư hiện tại và nhà đầu tư mới. Công ty đang huy động quỹ thứ ba với quy mô lên tới 120 triệu USD để mở rộng đầu tư tại Campuchia.

Đức Duy

Theo Asia.Nikkei



BÀI CHỌN LỌC

Nguồn vốn đầu tư vào Myanmar có thể tìm đến thiên đường ở Việt Nam và Campuchia