Người biểu tình Myanmar: 'Doanh nghiệp Trung Quốc hãy cút đi!'

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Đường ống khí đốt của Trung Quốc sẽ bị đốt cháy”, một nhóm người biểu tình ở Myanmar hô vang khẩu hiệu này trên tuyến đường ống dẫn khí đốt của Trung Quốc những ngày gần đây, theo Reuters.

Được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là biểu tượng của “sự hợp tác cùng có lợi”, đường ống này đã trở thành mục tiêu trút giận của công chúng Miến Điện khi họ nhận thức được rằng Bắc Kinh đã hậu thuẫn cho quân đội cướp chính quyền trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 vừa qua.

Sự gia tăng tâm lý chống Trung khiến cho không chỉ giới kinh doanh Myanmar mà các doanh nhân Trung Quốc cũng băn khoăn về sự gia tăng đầu tư vào Myanmar của Trung Quốc trong những năm gần đây. Bắc Kinh đã dành hàng tỷ USD cho nước láng giềng chiến lược này trong kế hoạch cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường”.

“Doanh nghiệp Trung Quốc, Cút đi! Xéo đi!”, khoảng hơn chục người biểu tình hò hét ở thành phố Mandalay, một điểm thi công tuyến đường ống xuyên Myanmar từ Ấn Độ Dương đến Trung Quốc. Trên các mạng xã hội, những lời phản đối còn mạnh mẽ hơn.

Đường ống dẫn khí đốt từ các mỏ ngoài khơi của Myanmar được khai trương vào năm 2013 khi quân đội Myanmar bắt đầu cải cách dân chủ. Đường ống dẫn dầu dài 770 km (480 dặm) trị giá 1,5 tỷ USD, chở dầu thô chủ yếu từ Trung Đông, bắt đầu hoạt động vào năm 2017 dưới thời chính phủ Aung San Suu Kyi - người hiện đang bị giam giữ và đối mặt với một loạt cáo buộc.

Một quan chức của PetroChina giấu tên cho biết không có vấn đề gì xảy ra với hoạt động của đường ống dẫn dầu - nguồn cung cấp dầu thô duy nhất cho nhà máy lọc dầu của tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam.

Các cuộc biểu tình liên quan đến đường dẫn khí đốt bùng phát sau khi một tài liệu của chính phủ Myanmar bị rò rỉ trong cuộc họp ngày 24 tháng 2 vừa qua cho thấy các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Myanmar cung cấp an ninh tốt hơn - và thông tin tình báo về các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số liên quan đến các tuyến đường ống.

Trước làn sóng phản đối dâng cao, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi: “Tất cả các bên ở Myanmar hãy bình tĩnh và kiềm chế” và giải quyết sự khác biệt, “Bảo vệ an ninh cho các dự án hợp tác song phương là trách nhiệm chung của cả Trung Quốc và Myanmar”, “Điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho các hoạt động an toàn của các dự án hợp tác song phương”.

Hàng tỷ USD đã được dành cho các dự án như vậy, bao gồm một hành lang kinh tế dẫn tới một cảng nước sâu 1,3 tỷ USD, các khu công nghiệp, một thành phố mới bên cạnh trung tâm thương mại của Yangon và một tuyến đường sắt tới biên giới.

Bà Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết: “Dư luận thù địch sẽ gây ra những mối đe dọa và thiệt hại lâu dài cho các kế hoạch của Trung Quốc”.

Bà đặc biệt chỉ ra những thiệt hại đối với danh tiếng của Bắc Kinh do dự án đập Myitsone, dự án bị đình trệ vào năm 2011 do người dân địa phương phản đối kịch liệt. Bà nói: “Dư luận được coi là ưu tiên hàng đầu đối với chính sách của Trung Quốc ở Myanmar”.

Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy những dự án này bằng mọi cách, từ tặng ba lô đi học đến tài trợ các chuyến đi thăm Trung Quốc cho các quan chức Myanmar - mặc dù một cuộc khảo sát năm 2018 ở Myanmar vẫn cho thấy "sự thiên vị rõ ràng" đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Trung Quốc một mặt tiếp cận với bà Suu Kyi, một mặt duy trì quan hệ với hệ thống quân đội đã lật đổ bà.

Việc cân bằng mối quan hệ ngày càng trở nên bấp bênh.

Trong khi các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính thì báo chí Trung Quốc thậm chí không coi đó là một cuộc đảo chính - điều này phù hợp với mong muốn của các tướng lĩnh Myanmar. Lời kêu gọi kiềm chế từ cả hai phía đã khiến những người phản đối cuộc đảo chính khinh miệt, họ chỉ ra cái chết của hơn 60 người biểu tình và 1 cảnh sát.

“Trung Quốc, thật đáng xấu hổ. Các vị hãy ngừng ủng hộ hành vi đánh cắp chính quyền của một quốc gia”, đó là nội dung của một biểu ngữ phản đối bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc.

Những cáo buộc về sự tham gia của Bắc Kinh vào chính trường của Myanmar cũng đã gây xôn xao trên mạng xã hội.

Một số người nói rằng họ đã nhìn thấy những người lính Trung Quốc hoặc nghe thấy một số người nói tiếng Quan Thoại xuất hiện ở Myanmar. Ngoài ra, mối nghi ngờ càng lớn lên khi chứng kiến số lượng các chuyến bay vào ban đêm đến Trung Quốc tăng vọt - các chuyến bay mà hãng hàng không nhà nước cho biết chở hải sản cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Người ta nghi ngờ rằng rằng các máy bay đó đưa binh lính hoặc kỹ thuật viên đến để cài đặt tường lửa Internet - điều này đã bị chính quyền bác bỏ và bị đại sứ Trung Quốc mô tả là "vô nghĩa".

Lo ngại rằng tâm lý chống Bắc Kinh có thể gây tác động tiêu cực, các doanh nhân Trung Quốc đã phải cân nhắc lại việc đầu tư vào thị trường này - đặc biệt là khi các cuộc biểu tình và đình công chống đảo chính đang bóp nghẹt nền kinh tế.

“Họ chỉ có thể trút giận lên những người Trung Quốc không có quyền lực”, một doanh nhân Trung Quốc tên là Ran cho biết. Hiện Ran vẫn chưa phải đối mặt với bất kỳ cuộc tấn công cá nhân nào.

Myanmar cũng có một nhóm thiểu số người gốc Trung Quốc, những thành viên lớn tuổi của họ vẫn còn lưu giữ ký ức về các cuộc bạo động chống Trung vào năm 1967 khiến cho khoảng 30 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, những thành viên trẻ tuổi thì có quan điểm khác về những người biểu tình: “Những người lớn tuổi trong chúng tôi lo lắng về các bài đăng chống Trung Quốc - những thứ đầy rẫy trên Facebook như 'người Trung Quốc sẽ là những người đầu tiên bị đánh bại', nhưng theo tôi đó chỉ là quan điểm của một số ít người", Aung Aung, 23 tuổi, một người sáng lập của trang Tuổi trẻ Burma- Hiệp hội người Hoa cho biết. “Mọi người đều biết chúng ta đang muốn gì. Điều chúng ta muốn là lấy lại dân chủ”, Aung nói.

Đã hơn một tháng kể từ khi người dân Myanmar bắt đầu xuống đường biểu tình kêu gọi chấm dứt chế độ quân sự và trả tự do cho các lãnh đạo được dân bầu - gồm cả bà Aung San Suu Kyi.

Cảnh sát đã đột kích vào các ngôi nhà trong khu vực để tìm kiếm những người đến từ ngoài tỉnh,đã có ít nhất 20 người đã bị bắt trong các cuộc bố ráp, theo thông tin từ một hãng tin địa phương đăng trên Facebook. Gần 60 người đã thiệt mạng.

Gần đây chính quyền quân sự đã thu hồi giấy phép xuất bản của 5 hãng tin địa phương - Mizzima, DVB, Khit Thit Media, Myanmar Now và 7Day News với cáo buộc tuyên truyền và cổ vũ các cuộc biểu tình. Hãng tin Mizzima nói họ vẫn sẽ "tiếp tục chiến đấu chống lại cuộc đảo chính quân sự bằng cách xuất bản và phát sóng thông qua các nền tảng đa phương tiện", còn hãng tin Myanmar Now thì thông báo rằng văn phòng của họ ở trung tâm thành phố Yangon đã bị lính và cảnh sát đột kích, máy tính, máy in và các bộ phận của máy chủ dữ liệu của tòa soạn đã bị thu giữ. Một trong những phóng viên của hãng tin đã bị bắt khi đang phát trực tiếp một cuộc biểu tình ở Yangon vào tháng trước.

Tâm Minh

Theo Reuters

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Người biểu tình Myanmar: 'Doanh nghiệp Trung Quốc hãy cút đi!'