Nghịch lý ngành chăn nuôi: Doanh nghiệp lãi đậm, nông dân ‘than trời’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường ngành chăn nuôi trong nước đang chứng kiến một bức tranh khá mâu thuẫn khi nhiều nhà nông phải “treo máng” vì giá thức ăn quá cao, nuôi không lãi, còn các công ty lớn có báo cáo lãi khủng chưa từng thấy.

Theo báo Thanh Niên, đứng đầu danh sách những doanh nghiệp chăn nuôi lãi đậm là nhà đầu tư đến từ Thái Lan - C.P Việt Nam. Năm 2020, mảng nông nghiệp của tập đoàn đã đạt doanh thu 3,477 tỉ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2019. Hoạt động của doanh nghiệp này theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food) khép kín từ trang trại đến bàn ăn, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi và chế biến thành thực phẩm. Trong đó, mảng chăn nuôi có kết quả tăng vượt trội với 2,42 tỉ USD, tăng 36%.

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trong nước khác cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc. Tập đoàn Dabaco cũng đang có mô hình kinh doanh 3F tương đối giống C.P Việt Nam. Năm 2020, Dabaco đạt doanh thu 10.022 tỉ đồng, tăng trưởng 39%. Lợi nhuận ròng 1.400 tỉ đồng, gấp 4,6 lần năm 2019.

Masan MEATLife (MML - thuộc Masan Group) - một “tân binh” trong ngành chăn nuôi cũng đạt doanh thu 16.119 tỉ đồng năm 2020, tăng 17%, trong đó có phần hợp nhất từ kết quả kinh doanh của Công ty 3F Việt, ước khoảng trên 1.000 tỉ đồng năm qua. Mảng sản xuất kinh doanh thịt và trang trại của MML đạt 2.379 tỉ đồng, cao gấp 5,7 lần so với năm 2019.

Chăn nuôi nhỏ lẻ lao đao

Ngược lại, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đặc biệt là dịch tả heo châu Phi kéo dài khiến không ít trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ bị phá sản, khó khăn thậm chí không dám tái đàn khi vaccine ngừa dịch tả heo châu Phi chưa có. Thậm chí nếu có vaccine thì với tốc độ xuất hiện các biến chủng mới như hiện nay, việc tiêm chủng cũng chưa chắc có tác dụng. Hơn nữa, với điều kiện nuôi thả trong trang trại nhỏ lẻ, khả năng heo gà bị nhiễm bệnh rất cao.

Đặc biệt thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đang "ăn" vào lợi nhuận của nhà nông, khiến họ chỉ từ hòa đến lỗ. Theo tính toán của một chủ trại ở Đồng Nai, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 35% so với cách đây 5 tháng, khiến chi phí chăn nuôi heo tăng mạnh.

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp việc vận chuyển, tiêu thụ trở nên khó khăn, nhiều nông dân lo ngại lúc đấy sẽ không bán được nên giá nào cũng cho xuất chuồng. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, khiến người dân không chịu nổi đành bán tống, bán tháo, thậm chí bị các thương lái ép giá.

Với điều kiện nuôi thả trong trại nhỏ lẻ, khả năng heo gà bị nhiễm bệnh rất cao. (Ảnh: Pixabay)
Với điều kiện nuôi thả trong trại nhỏ lẻ, khả năng heo gà bị nhiễm bệnh rất cao. (Ảnh: PxHere)

Một chủ trang trại khác trong Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “75% nguyên liệu thức ăn phải nhập khẩu, đây là điều gây bất lợi lớn cho ngành khi quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đã và đang tăng theo giá thế giới. Sở dĩ các doanh nghiệp lớn thành công, có lợi nhuận khủng nhờ họ chủ động được nguồn thức ăn. Họ sản xuất được thức ăn và lấy đó để nuôi rồi chế biến vật nuôi đưa ra thị trường. Một chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn thì không thể không thành công. Mô hình này ai cũng biết nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Thế nên, nói một cách sòng phẳng, bất luận thế nào, thành công của một ngành đều nhờ vào mô hình sản xuất kinh doanh hiện đại, vốn lớn và chiếm lĩnh thị phần. C.P Việt Nam hay MML sau này không là ngoại lệ”.

Theo tờ Vietnambiz, Tổng cục Thống kê cho biết, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên bắt đầu từ giữa năm 2020 và đến nay. Nguyên nhân là do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm; chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao do gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, một số nước chuyển hướng đầu tư nông sản và Trung Quốc tăng thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi làm cho giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ nhập khẩu, chiếm từ 80-85% trong khi đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2021 tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2020 nên ảnh hưởng rất lớn đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước.

Cụ thể, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho ngành công nghiệp chế biến tháng 4/2021 tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2020 và tính chung 4 tháng đầu năm nay tăng 8,79%. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tăng 5,09% và tính chung 4 tháng tăng 3,6%.

Để khắc phục những khó khăn hiện tại, Tổng cục Thống kê khuyến cáo, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh trình trạng thiếu hụt khi giá tăng cao.

Cùng với việc kết hợp dự trữ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có cho thức ăn chăn nuôi trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu như: khô hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu cũng như: giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi để giảm giá thành, đảm bảo nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Nghịch lý ngành chăn nuôi: Doanh nghiệp lãi đậm, nông dân ‘than trời’