'Nghịch lý' GDP của Trung Quốc: Giới trẻ thất vọng về triển vọng tương lai dù kinh tế tăng trưởng nhanh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới trẻ Trung Quốc đang sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Bilibili để nói lên sự tuyệt vọng về giá nhà, giá hàng hóa và bất bình đẳng gia tăng. Sự thất vọng ngày càng tăng cho thấy một sự khác biệt nghiêm trọng giữa nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và sự hài lòng trong cuộc sống của người dân.

Chủ nghĩa Đại Hán, hay chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, được nguyên chủ tịch nước Đặng Tiểu Bình, sử dụng thành công để kích động lòng yêu nước trong mọi tầng lớp của người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta có thể nhìn thấy lòng yêu nước cực đoan, sự sùng bái với tổ quốc và niềm tin vào sự thống trị thế giới của chủ nghĩa Đại Hán trong mọi diễn đàn khắp đại lục. Không thể không thừa nhận, sự thành công trong lan tỏa, cường thế chủ nghĩa Đại Hán đã giúp Bắc Kinh không ngần ngại tuyên bố "Giấc mộng Trung Hoa", phô trương rất nhiều tham vọng bá quyền của họ trong đó.

Nhưng đứng trước sự bất ổn của thu nhập, sự tuyệt vọng khi khó có thể mua nhà, tình trạng nợ nần, bất bình đẳng thu nhập, giá cả leo thang... giới trẻ Trung Quốc dường như không thể dùng chủ nghĩa Đại Hán được giáo dục để lấp đầy sự tuyệt vọng của mình. Có vẻ như, tăng trưởng GDP cao hoặc ít nhất là điểm sáng duy nhất trên toàn cầu về tăng trưởng đã trở thành nghịch lý khi so sánh với sự tuyệt vọng của giới trẻ tại quốc gia này.

Khi chủ nghĩa Đại Hán cũng không giúp giới trẻ Trung Quốc vượt qua được sự tuyệt vọng về tương lai

Khi vlogger (người viết blog video) Ning Nanshan nhìn chằm chằm vào máy quay và bắt đầu một bài thuyết trình về sự thúc đẩy tự lực công nghệ của Trung Quốc, một loạt bình luận bắt đầu nổi trên Bilibili, một trang web chia sẻ video phổ biến cho phép người xem đăng tin nhắn trong thời gian thực.

"Hãy đi theo cách riêng của chúng ta và dồn ép phần còn lại của thế giới!".

“Kế hoạch 5 năm của đất mẹ chúng tôi thật tuyệt vời!” một câu khác bay ngang qua màn hình.

Mặc dù hầu hết các video của Ning đều ca ngợi những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, nhưng đôi khi ông đề cập đến những mối quan tâm của tầng lớp trung lưu, ví dụ như giá nhà tăng cao. Ở đó, các bình luận gạch đầu dòng xuất hiện dày đặc và nhanh chóng - nhưng với một giọng điệu hoàn toàn khác.

Một người dùng viết: “Giá nhà không thể giảm, không có giải pháp cho sự tuyệt vọng của tôi”.

"Làm việc chăm chỉ không phải là câu trả lời, nó sẽ không hiệu quả", một bình luận khác.

Các nền tảng truyền thông xã hội như Bilibili đã trở thành nơi tụ tập trực tuyến để bày tỏ quan điểm quan trọng của giới trẻ Trung Quốc. Các nền tảng như vậy là nơi giới trẻ Trung Quốc thỏa sức (được khuyến khích) thể hiện tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Đại Hán. Nhưng đây cũng là nơi giới trẻ bộc lộ sự thất vọng, đôi khi là tuyệt vọng của họ về những lợi ích thiết thân vốn ngày một rời xa họ trong cuộc sống hàng ngày. Một số nhà phân tích chính trị đại lục nhận định rằng điều này thể hiện "sự khác biệt nghiêm trọng" giữa nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc và triển vọng cá nhân của người dân thường.

Tập Xican, Phó giáo sư tại Trường Kinh tế thuộc Đại học Phúc Đán, cho biết: “Tôi tin rằng niềm tin của giới trẻ vào nền kinh tế vĩ mô xuất phát từ tận đáy lòng của họ, bởi vì họ nhìn nhận nó từ quan điểm của chính quyền trung ương. Tuy nhiên, khi họ chuyển đổi vai trò và quay trở lại cuộc sống của chính mình, tất cả sự đau khổ đều quá thực tại."

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng tích cực năm ngoái, sau khi phục hồi nhanh chóng từ đại dịch coronavirus. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nó lần đầu tiên đạt 100 nghìn tỷ nhân dân tệ (15,4 nghìn tỷ USD) vào năm 2020 - chiếm khoảng 17% quy mô nền kinh tế thế giới - thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ chỉ còn 6,2 nghìn tỷ USD, từ 7,1 nghìn tỷ USD vào năm 2019.

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, số liệu GDP là một “cột mốc” thể hiện sức mạnh kinh tế và công nghệ của quốc gia. Các nhà phân tích ước tính quốc gia này sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó.

Nhưng quy mô hay tốc độ tăng GDP ấn tượng không nói lên toàn bộ câu chuyện. Giới trẻ Trung Quốc nói riêng đang sử dụng các nền tảng trực tuyến như Bilibili hoặc Weibo để nói lên sự tuyệt vọng về giá nhà tăng vọt, bất bình đẳng gia tăng và giá hàng hóa ngày càng tăng.

Rất khó sở hữu nhà ở, giá cả leo thang và bất bình đẳng thu nhập gia tăng

Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản E-House của Trung Quốc, giá nhà ở tính theo thu nhập của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong 20 năm là 9,2 vào năm ngoái - nghĩa là giá nhà trung bình cao hơn 9 lần so với thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình - bất chấp những cam kết nhiều lần từ chính quyền. họ sẽ ổn định thời kỳ bùng nổ giá bắt đầu từ năm 2008.

Nhưng theo số liệu thống kê quốc tế trên trang Numbeo, một trang về cơ sở dữ liệu thống kê xếp hạng toàn cầu về giá cả hàng hóa, bất động sản và các vấn đề xã hội khác dựa trên dữ liệu lớn, chỉ số giá bất động sản/thu nhập bình quân của Trung Quốc lên tới 29 lần, chỉ số này ở Hồng Kông cao thứ hai thế giới, chỉ sau Syria, ở mức 45,19 lần. Nếu tính tới giá thuê nhà tại các thành phố trung tâm/thu nhập bình quân, Trung Quốc đứng đầu thế giới (65,78 lần). Các chỉ số này tăng đều hàng năm, điều này đồng nghĩa với việc ước mơ sở hữu nhà ở hoặc thậm chí đủ tiền thuê nhà của giới trẻ Trung Quốc ngày một xa vời.

Dù quy mô GDP đứng thứ hai thế giới, nhưng khoảng cách giữa thu nhập bình quân và giá nhà đất của Trung Quốc gấp hơn 7 lần của Mỹ, gấp 3 lần Nga, hơn 2 lần Pháp và Nhật bản... Điều này cũng đồng nghĩa, sự tuyệt vọng của người dân Trung Quốc trong sở hữu nhà ở cao hơn nhiều với các nền kinh tế lớn, vốn là đối thủ kinh tế của Trung Quốc.

Sự khó khăn của người dân Trung Quốc trong sở hữu nhà ở cao hơn nhiều với các nền kinh tế lớn, vốn là đối thủ kinh tế của Trung Quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Nga... (nguồn: Numbeo)
Sự khó khăn của người dân Trung Quốc trong sở hữu nhà ở cao hơn nhiều với các nền kinh tế lớn, vốn là đối thủ kinh tế của Trung Quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Nga... (nguồn: Numbeo)

Sự khó khăn của người dân Trung Quốc trong sở hữu nhà ở cao hơn nhiều với các nền kinh tế lớn, vốn là đối thủ kinh tế của Trung Quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Nga... (nguồn: Numbeo)

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá lương thực đã tăng 1,2% trong năm ngoái, trong đó giá thịt tươi tăng 7,1% và giá thịt lợn tăng 49,7%. Trong tháng Giêng, giá rau cũng tăng đột biến, với ớt xanh, bầu sáp và bắp cải tăng hơn 30%, Bộ Nông nghiệp cho biết.

Vì vậy, tháng trước, khi Phó Thống đốc Chen Yulu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết lạm phát có khả năng “tăng trưởng vừa phải” trong năm nay, sự tức giận của công chúng lan truyền như lửa cháy rừng trên các nền tảng mạng xã hội.

“Tăng trưởng vừa phải? Vậy chúng ta là ếch luộc từ từ rồi, các bạn cứ đun đi!”, một người nói trên Weibo.

“Làm thế nào bạn có thể tôn vinh lạm phát theo cách như vậy? Tăng trưởng vừa phải có nghĩa là tăng gấp đôi giá cả!”, một người khác viết.

Ông Wu Qiang, một nhà quan sát chính trị và một học giả độc lập có văn phòng làm việc tại Bắc Kinh, cho biết sự lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc trên mạng xã hội chủ yếu là "tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc", với nhiều chủ đề khác nằm ngoài giới hạn do hệ thống kiểm duyệt trực tuyến rộng lớn của quốc gia.

“Chủ nghĩa dân tộc trên truyền thông Trung Quốc là một thống kê hư vô, nhằm che giấu sự bất bình đẳng thông qua những khẩu hiệu sáo rỗng mà không mang lại bình đẳng thực sự và quyền chính trị cho người dân. Điều này được phản ánh qua những đau khổ mà mọi người cảm thấy trong cuộc sống của họ”, ông chia sẻ (theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng).

Giải thích nghịch lý

Ông cho biết sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc dưới chế độ tư bản đỏ - là một “nghịch lý” đối với nhiều người trẻ, những người thiếu quyền lao động toàn diện và nhiều người phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.

Thu nhập hộ gia đình tương đối thấp của Trung Quốc và tỷ lệ việc làm nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ cho phép chúng ta giải thích được sự khác biệt giữa nền kinh tế đang bùng nổ của quốc gia và mức độ hài lòng trong cuộc sống của người lao động bình thường.

GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc vào khoảng 10,200 USD vào năm 2019, so với 63.200 USD ở Hoa Kỳ, theo dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới.

Năm 2019, tiêu dùng tư nhân của Trung Quốc chiếm khoảng 39% GDP, thấp hơn khoảng 30 điểm phần trăm so với Mỹ và châu Âu, theo số liệu từ CEIC. Nó cũng thấp hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với các nước đang phát triển như Ấn Độ và Brazil.

“Điều này có nghĩa là mặc dù Trung Quốc sản xuất một số lượng lớn hàng hóa và dịch vụ hàng năm, nhưng tỷ lệ tiêu dùng thực sự của người dân nước này lại thấp hơn nhiều so với các nước khác”, giáo sư Tập, từ Đại học Phúc Đán cho biết.

Ông Tập cho biết nghiên cứu của ông cho thấy ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng đặc biệt thấp trong GDP của Trung Quốc - thấp hơn 10 điểm phần trăm so với các nước đang phát triển như Ấn Độ và Brazil. Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số.

Theo giáo sư Tập, nhìn chung giáo dục công kém sẽ đẩy giá nhà lên ở một số khu vực nhất định, cư dân tầng lớp trung lưu ở các thành phố hạng nhất tranh giành bất động sản gần các trường học tốt.

Trung Quốc tuyên bố họ chính thức chấm dứt nghèo đói và đạt đến một “xã hội khá giả toàn diện” vào cuối năm ngoái, nhưng cảm giác nghèo tương đối đang trở nên trầm trọng, đặc biệt là giữa thành phố và nông thôn.

Hệ số Gini của Trung Quốc - một thước đo bất bình đẳng từ 0 đến 1, với 1 là bất bình đẳng hoàn hảo - đã dao động trong khoảng 0,46 đến 0,49 trong hai thập kỷ qua. Mức 0,4 thường được coi là vạch đỏ cho sự bất bình đẳng.

Ngay cả khi đó, các chuyên gia từ lâu đã đặt câu hỏi liệu hệ số Gini của Trung Quốc có bị đánh giá thấp hay không. Năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết quốc gia này có 600 triệu người sống với thu nhập hàng tháng là 1.000 nhân dân tệ, chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà hàng tháng ở một thành phố cỡ trung của Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi ông đến dự cuộc họp tại khu nhà lãnh đạo Trung Nam Hải vào ngày 9 tháng 1 năm 2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Mark Schiefelbein - Pool / Getty Images)
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi ông đến dự cuộc họp tại khu nhà lãnh đạo Trung Nam Hải vào ngày 9 tháng 1 năm 2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Mark Schiefelbein - Pool / Getty Images)

Mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế là gì nếu không vì nhân sinh?

Điều này đưa chúng ta trở lại một câu hỏi cũ trong kinh tế học và khoa học chính trị: mục đích cuối cùng của sự phát triển kinh tế của chúng ta là gì?

Nghiên cứu được công bố bởi ông Hao Qi tại Trường Kinh tế thuộc Đại học Renmin vào tháng 11 năm ngoái cho thấy tỷ trọng thu nhập của lao động theo GDP của Trung Quốc - phần GDP được trả bằng tiền lương, tiền công và phúc lợi - đã giảm từ 51,4% năm 1995 xuống 43,7 phần trăm trong năm 2008. Chỉ số này đã duy trì ở khoảng 40% trong vài năm qua.

Theo báo cáo của McKinsey năm 2019, tỷ trọng thu nhập của lao động theo GDP ở 35 nền kinh tế tiên tiến đã giảm từ khoảng 54% năm 1980 xuống còn 50,5% vào năm 2014.

Các số liệu cho thấy lợi nhuận đầu tư đang tập trung vào tay một số ít và hầu hết người lao động Trung Quốc đang nhận được tỷ trọng tăng trưởng GDP thấp hơn so với các nước phát triển.

“Điều này đưa chúng ta trở lại một câu hỏi cũ trong kinh tế học và khoa học chính trị: mục đích cuối cùng của sự phát triển kinh tế của chúng ta là gì?”.

"Nó là để tìm kiếm các số liệu GDP đẹp hơn, hay nó cho cảm giác tiếp cận và sự hài lòng của mọi người?" giáo sư Tập bình luận.

Lê Minh

Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

'Nghịch lý' GDP của Trung Quốc: Giới trẻ thất vọng về triển vọng tương lai dù kinh tế tăng trưởng nhanh