Ngành thụ tinh trong ống nghiệm ‘bùng nổ’: ‘Mầm sống thiêng liêng’ nên chăng được ‘chọn lọc ra’ từ phòng thí nghiệm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đang bùng nổ, mang về hàng chục tỷ USD lợi nhuận mỗi năm. Thế nhưng, cảm nhận của bạn thế nào nếu bạn là một trong những "mầm sống" đang bị thử nghiệm hoặc bị đông lạnh này? Sự sống là thiêng liêng, dù rằng là những mầm sống "mới chớm"...

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản theo cách tinh trùng và trứng được kết hợp với nhau trong ống nghiệm thay vì trong vòi tử cung của người mẹ.

Từ khi đứa trẻ đầu tiên Louis Brown ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 1978 ở Anh, từ đó đến nay, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã không ngừng phát triển. Trên toàn thế giới, mỗi ngày có tới hàng chục nghìn ca thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để tạo phôi thai.

Giải pháp cho vô sinh, hiếm muộn?

IVF được các bác sĩ tư vấn áp dụng đối với nhiều nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn, đã áp dụng qua các phương pháp hỗ trợ sinh sản truyền thống nhưng không đạt kết quả. Theo định nghĩa, hiếm muộn được xác định khi hai vợ chồng giao hợp đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai, sau 12 tháng mà chưa thể thụ thai tự nhiên.

Do ảnh hưởng bởi môi trường, thực phẩm, áp lực cuộc sống, và các nhân tố độc hại khác ngày càng gia tăng, tỷ lệ vô sinh đang tăng đều, cản trở thiên chức làm cha mẹ của không ít các cặp vợ chồng. Qua nhiều thập kỷ cố gắng với vô vàn các thất bại, cuối cùng, những cuộc sống được tạo ra trong phòng thí nghiệm cũng đã thành công. Bùng nổ trào lưu tư vấn và hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại các bệnh viện.

Theo số liệu thống kê, ngành này tăng trưởng và thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm. Ngoài các trường hợp vô sinh nguyên phát và thứ phát ngày một tăng cao, còn có thêm các nhu cầu sinh con theo giới tính mong muốn, và các cặp đồng tính cũng áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản để có con. Sự mở rộng và phát triển của ngành đã tăng nhanh chóng để đáp ứng đa dạng những nhu cầu này.

Một trong những biện pháp đang được thực hiện phổ biến là lưu trữ trứng, tinh trùng trong những ngân hàng đặc biệt. Ngân hàng Trứng Thế giới, chào bán hơn 40.000 trứng từ người hiến tặng để giúp “việc xây dựng tổ ấm trở thành hiện thực”!

Nhưng cuộc sống của con người có nên được “tạo ra”, “làm ra” hay “chọn lọc ra” từ phòng thí nghiệm?

Sự sống được ‘chọn lọc ra’ từ phòng thí nghiệm - Bước tiến của khoa học hay bước lùi của lương tri?

Tỷ lệ thành công khi làm IVF ở mức rất thấp. Trung bình của thế giới là khoảng 40%, ở Việt Nam tỉ lệ này vào khoảng 40-45%. Do tỷ lệ thất bại cao và để giảm giá thành, các nhà chuyên môn thường tạo ra số phôi nhiều hơn nhu cầu cho việc cấy vào tử cung người mẹ.

Các “phôi dư” này, sau đó bị phá hủy hoặc dự trữ đông lạnh để dùng trong nghiên cứu, với danh nghĩa vì sự tiến bộ khoa học, nhưng thực chất hạ thấp sự sống của con người.

Hơn nữa, trước khi cấy vào tử cung, các phôi sẽ được phân loại di truyền tốt xấu, phôi tốt được giữ lại, phôi xấu bị loại bỏ. Để đảm bảo tỷ lệ thành công cao, các bác sĩ sẽ bơm vào tử cung của người mẹ với số lượng nhiều hơn một phôi. Do vậy, đa thai là một hậu quả khác của quá trình làm IVF. Nhiều khi, để bảo đảm thai phát triển tốt, bác sĩ sẽ thực hiện phá thai chọn lọc, giữ lại thai mạnh khỏe và bỏ thai yếu hay dị tật.

Tại Hoa Kỳ, có khoảng một triệu phôi thai đông lạnh. Các bác sĩ sản khoa phải tạo ra rất nhiều phôi thai mới, với hy vọng đạt được một ca thành công cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mong muốn có con.

Mặc dù lý do thất bại của IVF rất khác nhau, các ca thành công phụ thuộc phần lớn vào độ tuổi và khả năng sinh sản của người mẹ, tương tác giữa trứng “hiến tặng” so với trứng của người mẹ, sự tương tác giữa phôi và niêm mạc tử cung...

Tuy nhiên, dẫu nhiều chu kỳ IVF thất bại, các cặp vợ chồng vẫn cố gắng và nỗ lực tạo ra sự sống cho một thai nhi. Hầu hết mọi người không được chia sẻ thông tin về tỷ lệ thất bại khi làm IVF. Các bệnh viện và bác sĩ tư vấn luôn khéo léo tiếp thị dịch vụ, đánh trúng tâm lý đang khao khát có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn, nên tỷ lệ thất bại, rủi ro và biến chứng trong IVF thường bị lảng tránh.

Các bệnh viện và bác sĩ tư vấn luôn khéo léo tiếp thị dịch vụ, đánh trúng tâm lý đang khao khát có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn, nên tỷ lệ thất bại, rủi ro và biến chứng trong IVF thường bị lảng tránh (Ảnh bởi JUAN MABROMATA / AFP qua Getty Images)
Các bệnh viện và bác sĩ tư vấn luôn khéo léo tiếp thị dịch vụ, đánh trúng tâm lý đang khao khát có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn, nên tỷ lệ thất bại, rủi ro và biến chứng trong IVF thường bị lảng tránh (Ảnh bởi JUAN MABROMATA / AFP qua Getty Images)

Những nghịch lý ‘ẩn giấu’

Khoa học vẫn chưa có kết luận chính xác về việc cấy phôi thai tươi hay đông lạnh vào cơ thể người mẹ sẽ tốt hơn. Các phôi đông lạnh cũng thường thất bại trong quá trình rã đông, điều này cho thấy sự sống của con người nhỏ bé và mong manh như thế nào. Dùng trứng tươi hay trứng đông lạnh sẽ tốt hơn? Và giữ đông lạnh phôi thai trong bao lâu là đảm bảo? Những thông tin trên đa phần chúng ta đều không biết.

Trên thực tế, có những phụ nữ được cấy phôi đã đông lạnh quá lâu. Một phôi thai có thể bị đông cứng trong nhiều năm, thậm chí nhiều hơn cả tuổi của người mẹ khi em bé được sinh ra.

Và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những đứa trẻ được sinh ra từ các công nghệ hỗ trợ sinh sản có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều, so với những đứa trẻ được thụ thai tự nhiên theo cách truyền thống.

Một nghiên cứu mới vừa được báo cáo trên JAMA, một trong những tạp chí Y khoa có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, cho thấy “trong số những trẻ bị dị tật bẩm sinh thì những trẻ được thụ thai bằng phương pháp IVF có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với những trẻ được thụ thai tự nhiên”.

Thử nghiệm khoa học phi đạo đức: Có nên là bước khởi đầu của việc ‘tạo mầm sống thiêng liêng'?

Những cặp vợ chồng đang vật lộn với chứng vô sinh luôn nhận được sự quan tâm và thông cảm của mọi người xung quanh, nhưng cuộc sống của con người không nên được tạo ra từ phòng thí nghiệm, hay bị trữ đông và bỏ mặc trong nhiều năm.

Giáo sư Paul Ramsey quá cố, nhà đạo đức học Cơ đốc người Mỹ của thế kỷ 20 và là giáo sư tại trường đại học Princeton, năm 1972, ông đã cảnh báo, việc đông lạnh phôi thai “là một thử nghiệm y tế phi đạo đức trên những con người có thể có trong tương lai, và do đó, nó bị cấm tuyệt đối về mặt đạo đức”.

Mặc dù cộng đồng y tế không chú ý đến lời cảnh báo của Giáo sư Ramsey, nhưng những lời của ông vẫn đúng cho đến nay:

“Quan điểm duy nhất của tôi với tư cách là một nhà đạo đức học, không ai trong số những nhà chuyên môn có thể loại trừ khả năng họ sẽ gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với đứa trẻ sắp thành hình. Và kết luận của tôi, về mặt đạo đức, là các nhà chuyên môn không thể vì những thành tích ban đầu xem ra thành công mà chắc chắn rằng mọi thiệt hại có thể được loại trừ”.

Khoa học vẫn chưa giải quyết được những nguyên nhân gây ra tỷ lệ thất bại khi làm IVF, nguy cơ ung thư và các bệnh khác thường thấy ở những trẻ được sinh ra bởi các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Trên thực tế, có phải các cặp vợ chồng vô sinh áp dụng IVF đang gây ra những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe tương lai cho con cái họ?

Dùng phôi thai làm nghiên cứu, hủy các phôi bất thường có nguy cơ mắc bệnh là phá hủy sự sống con người ở giai đoạn sớm. Ngoài ra, xã hội còn nhiều vấn nạn luân lý khác trong quy trình thụ thai nhân tạo, như việc mua bán trứng và tinh trùng, thuê người mang thai hộ, vấn nạn hôn nhân đồng huyết thống sau này, khi các đứa trẻ thụ thai nhân tạo trưởng thành. Các giá trị truyền thống của gia đình bị hủy hoại.

Nói cách khác, chúng ta đang thực hiện các quy trình thử nghiệm kỹ thuật cao để tạo ra những con người - mà họ không thể thể hiện quan điểm đồng ý hay phản đối trên những gì họ bị buộc phải trải qua.

Cảm nhận của bạn thế nào nếu bạn là một trong những đứa bé đang bị thử nghiệm hoặc đang bị đông lạnh này? Sự sống là thiêng liêng, dù rằng chỉ "mới chớm"...

May May

(Tham khảo bài viết của tác giả Jennifer Lahl - người sáng lập và là chủ tịch của Trung tâm Văn hóa và Đạo đức Sinh học, đồng thời là nhà sản xuất của các bộ phim tài liệu “Eggsploitation”, “Anonymous Father’s Day”, “Breeders: A Subclass of Women?” và “Câu chuyện của Maggie”).



BÀI CHỌN LỌC

Ngành thụ tinh trong ống nghiệm ‘bùng nổ’: ‘Mầm sống thiêng liêng’ nên chăng được ‘chọn lọc ra’ từ phòng thí nghiệm?