Ngành Giao thông nói gì về nguyên nhân gây tham nhũng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Chỉ thị số 07/CT-BGTVT về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ ngành giao thông vận tải.

Chỉ thị nêu: Trong những năm gần đây, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ và xử lý nghiêm, các vi phạm tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực hoạt động của ngành GTVT.

Tuy nhiên, vừa qua vẫn còn xảy ra một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và nỗ lực, cố gắng của ngành GTVT trong công tác phòng, chống tham nhũng như: Vụ việc “Quỹ đen” xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tài sản nhà nước tại Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho; chuyên viên vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ Việt Nam móc nối, duyệt, cấp trái phép thẻ "luồng xanh".

Lý giải cho hiện tượng này, ngành GTVT cho rằng là tại một số cơ quan đơn vị, cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, cụ thể:

  • Chưa xây dựng quy trình giải quyết, xử lý công vụ hợp lý, nên dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi tiêu cực và vụ lợi cá nhân, tham nhũng;
  • Việc phân công nhiệm vụ, quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập;
  • Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chưa chặt chẽ;
  • Việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chậm…

Không chỉ trong ngành GTVT mà trong các ngành khác, nhân tố con người là được xem là nguyên nhân chính gây ra tham nhũng. Theo Tiền Phong, Thanh tra Chính phủ cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.544 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021, số lượng tổ chức, đơn vị vi phạm đã tăng 8,9% so với năm 2020. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 47.206 tỷ đồng, 2.088 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.530 tập thể, 2.165 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 161 vụ, 93 đối tượng.

Về kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản là trên 33 nghìn tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được là hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Ngành Giao thông nói gì về nguyên nhân gây tham nhũng?