Ngành giải trí có thể trở thành mục tiêu đàn áp tiếp theo của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau các cuộc đàn áp đối với các lĩnh vực công nghệ (big-tech) và giáo dục, ngành giải trí của Trung Quốc có thể là mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh. Theo nhà bình luận Li Yanming, vụ chính thức bắt giữ ngôi sao điện ảnh Kris Ngô (Ngô Diệc Phàm) trong tuần này đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch thanh lọc ngành giải trí của ông Tập Cận Bình.

Các nền tảng truyền thông Trung Quốc đã xóa khoảng 2 triệu video clip liên quan đến Kris Ngô và khoảng 7,000 tập phát sóng của các chương trình tạp kỹ, theo một thông báo chính thức hôm 17/08 vừa qua. Kết quả là Kris Ngô gần như biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng ở Trung Quốc.

Vụ bắt bớ đình đám hôm 16/08 vì nghi vấn hiếp dâm là điều chưa từng có trong làng giải trí Trung Quốc. Ngoài ra, vụ bắt giữ xảy ra trong bối cảnh một loạt các động thái khác đều nhắm vào các thành viên trong ngành, tiêu biểu là một nhóm đào tạo những người nổi tiếng về “lằn ranh đỏ” do nhà nước tài trợ, các chương trình đối thoại về quản trị bản thân giữa các công ty giải trí với các ngôi sao của họ.

Các cuộc nói chuyện trên Weibo và chương trình Giáo dục Đạo đức

Hôm 04/08/2021, Trung tâm quản lý cộng đồng Weibo và Ban giải trí của tập đoàn Sina đã đề nghị tổ chức một cuộc họp với các hãng phim nổi tiếng, thảo luận về cách thức "quản lý người hâm mộ" để ngăn chặn việc lạm dụng phát ngôn và cạnh tranh không lành mạnh, chẳng hạn như việc một nhóm người hâm mộ tỏ ra là giàu có hơn những nhóm khác. Hơn 20 sao hạng A và các công ty đại diện của họ đã tham dự những cuộc họp này.

Hôm 11/08, cổng thông tin trực tuyến của Sina cho biết các cuộc họp không chỉ dành cho một vài ngôi sao hàng đầu. Hoạt động "tự quản lý" của Weibo và Sina với những người nổi tiếng dựa trên sáng kiến ​​"Tu chính những Hỗn loạn trong Vòng kết nối Người hâm mộ" đã ra đời. Đây là sáng kiến của Cơ quan quản lý không gian mạng trung ương được công bố vào ngày 15/6 vừa qua.

Hôm 19 và 20/07, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) và Liên đoàn các Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đã tổ chức một khóa đào tạo về “đạo đức” cho 64 diễn viên và đại diện của họ. Một thành viên cấp cao của ĐCSTQ tại NRTA đã tham dự lễ khai mạc.

Giám đốc NRTA Gao Changli giải thích mục tiêu đào tạo là thông báo cho mọi người về “lằn ranh đỏ”. Khóa đào tạo cũng nhấn mạnh các luật thuế, trong đó giải thích sự bất hợp pháp của việc ký hai hợp đồng để trốn thuế. (Các diễn viên/người nổi tiếng thường trốn thuế bằng cách ký 2 hợp đồng cho 1 show diễn, hợp đồng giá trị cao hơn là thù lao thực nhận của họ, còn hợp đồng có mức thù lao thấp hơn sẽ nộp cho cơ quan thuế để né thuế thu nhập).

Sự thách thức chính quyền của người hâm mộ cũng không giúp được gì cho ngôi sao

Trước khi vụ án bắt đầu, Kris Ngô có hơn 50 triệu người hâm mộ trên Weibo. Một số người hâm mộ đã thảo luận về "kế hoạch giải cứu" và "đột nhập vào các trung tâm giam giữ" sau khi thông tin bắt giữ Ngô Diệc Phàm được công bố hôm 31/07. Một số bài đăng so sánh tổng số 5 triệu lực lượng quân đội và cảnh sát với 50 triệu người hâm mộ của Kris Ngô, cho rằng nỗ lực giải cứu của người hâm mộ là có khả năng thành công. Những tuyên bố như vậy đã gây ra chỉ trích trên nhiều nền tảng truyền thông của nhà nước, bao gồm cả Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.

Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Zhang Tianliang nói rằng người hâm mộ gần như coi anh Ngô như "hoàng đế" của họ. Do đó, những lời nói của họ đã đưa anh Ngô vào vị trí của một nhà lãnh đạo đối lập với ĐCSTQ. Ông Zhang cho biết ông Tập Cận Bình sẽ không để điều này tiếp diễn, đồng thời nói thêm rằng hoàn cảnh của Kris Ngô cũng giống như Didi Global - công ty đã bất chấp khuyến cáo của chính quyền và công khai niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ - để rồi lãnh hậu quả nghiêm trọng.

Ông Zhang nói rằng trong quá khứ, Ngô Diệc Phàm đã có mối quan hệ tốt với ĐCSTQ. Ví dụ, vào tháng 08/2019, diễn viên này đã kêu gọi sự hỗ trợ của cảnh sát Hồng Kông trong các cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân Hồng Kông vì tự do và dân chủ. Tuy nhiên, theo ông Zhang, Kris Ngô sẽ không được khoan hồng vì sức mạnh mà người hâm mộ dành cho anh ta đang trở thành thách thức đối với ĐCSTQ.

Hôm 01/08, tờ Nhân dân Nhật báo - kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ - nhận xét rằng cả quốc tịch nước ngoài và danh tiếng đều không trở thành yếu tố để miễn trừ cho Kris Ngô. Ngô Diệc Phàm sinh tại Trung Quốc vào tháng 11/1990 và hiện mang quốc tịch Canada.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngành giải trí có thể trở thành mục tiêu đàn áp tiếp theo của Bắc Kinh