Ngân hàng Việt không thể tiếp tục hạ lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay vì lạm phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hạ lãi suất cho vay để sớm phục hồi kinh tế ngày càng trở nên ‘lực bất tòng tâm’ bởi lạm phát. Lạm phát không còn là rủi ro của tương lai, nó đã cao nhất trong 30 năm qua tại Mỹ và khó có thể yên ổn trong vài tháng tới tại Việt Nam. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn bao nhiêu dư địa để hạ lãi suất, sự phục hồi của các doanh nghiệp trở nên mong manh sau đại dịch…

Chia sẻ tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước (SBV) ngày 12/10, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, bối cảnh hiện nay không thể tiếp tục giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay. Theo phân tích của Phó Thống đốc SBV, mặc dù lạm phát tháng 9 của Việt Nam đang ghi nhận ở mức thấp 1,82% nhưng dự báo của các tổ chức quốc tế như IMF đã lên tới 3%. Theo SBV, lạm phát bình quân tạm tính có thể ở mức 5 - 5,5%/năm.

Không chỉ ở Việt Nam, lạm phát bắt đầu bùng phát trên toàn cầu. Gần đây nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cần chuẩn bị siết chặt chính sách để đề phòng lạm phát ngoài tầm kiểm soát.

Cảnh báo trên được IMF nêu trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu hàng quý. Trong đó, tổ chức này đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2021, đồng thời hạ dự báo 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP Mỹ được đưa ra hồi tháng 7, xuống còn 6%. Đối với các nền kinh tế phát triển khác, mức tăng trưởng được dự báo đạt khoảng 5,2%.

Cũng trong báo cáo này, IMF lưu ý rằng: Mỹ, Anh, và các nền kinh tế phát triển khác đang đối mặt với rủi ro lạm phát có thể còn gia tăng.

Người dân giảm gửi tiền ngân hàng vì lãi suất không bù nổi lạm phát kỳ vọng

Vấn đề ở chỗ, với lãi suất huy động hiện nay, nếu lạm phát 3% năm 2021 thì lãi suất tiền gửi mới thực dương (mức lãi suất cao hơn tốc độ mất giá của tiền đồng), khi đó người dân mới gửi tiền vào ngân hàng.

Tuy nhiên, mức lạm phát trong nước 3%/năm trong bối cảnh giá xăng dầu cao nhất trong 7 năm qua, giá lương thực thực phẩm thế giới cao nhất trong 10 năm trở lại đây và lạm phát tại Mỹ vào tháng 10 đã cao nhất trong 30 năm qua là điều không thể. Trước biến động bùng phát lạm phát cao của thế giới, khả năng Việt Nam giữ được mức lạm phát 3% - 4% là không khả thi. Đặc biệt khi 33% kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế (chủ yếu là nguyên vật liệu đầu vào sản xuất) đến từ Trung Quốc, quốc gia có lạm phát giá nhà sản xuất cao nhất trong 12 năm qua.

A costumer (R) deposes bricks of dong bank notes to a local commercial bank in Hanoi on February 23, 2011. Vietnam's central bank raised its reverse repurchase rate, the second increase in borrowing costs in less than a week in an effort to tame inflation, according to official media. The State Bank of Vietnam raised the rate it charges commercial banks in daily open-market operations to 12 percent from 11 percent on February 22, 2011.AFP PHOTO/HOANG DINH Nam (Photo credit should read HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)
Nếu lãi suất huy động không bù đắp được rủi ro lạm phát, người dân sẽ chuyển tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác để giữ giá trị của tiền và có thể sinh lời như vàng, bất động sản. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images)

Người dân không vì con số tính toán lạm phát thấp của chính phủ mà tính toán mức lãi suất thực dương cho mình khi quyết định có gửi tiền ở ngân hàng hay không. Thứ họ nhìn vào lạm phát là giá cả lương thực, xăng dầu, chi phí tiêu dùng hàng ngày.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, vừa qua, lãi suất huy động chỉ giảm khoảng 1-1,5%/năm so với trước đây mà huy động vốn trong nền kinh tế đã giảm xuống, năm ngoái huy động dân cư chỉ tăng hơn 6%. Tốc độ huy động tiền gửi cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Nếu lãi suất huy động không bù đắp được rủi ro lạm phát, người dân sẽ chuyển tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác để giữ giá trị của tiền và có thể sinh lời như vàng, bất động sản.

Nhưng nếu thiếu đi nguồn tiền gửi từ dân cư, hiện chiếm hơn 60% nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM), thì rủi ro thanh khoản của hệ thống NHTM là rất lớn.

Giảm lãi suất cho vay có đi vào ngõ cụt?

Ở đầu cho vay ra, nếu cộng thêm biên lợi nhuận 2-2,5%/năm cho các NHTM thì lãi suất cho vay vào khoảng 8%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân cũng đã chỉ khoảng 6,5-8%/năm, với các công ty tài chính thì có thể cao hơn, theo Cafef.

Thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng đang có dấu hiệu tăng ở các NHTM. Gần đây nhất, ngân hàng Tiên phong đã chào mức lãi suất lên tới 18% cho các khoản vay thấu chi cá nhân. Trong hệ thống các sản phẩm tín dụng, vay tín chấp cá nhân luôn là sản phẩm có lãi suất cao nhất vì được cho là phản ánh rủi ro lớn nhất.

Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động bình quân trong khi đã giảm gần 1% thì lãi suất cho vay bình quân chỉ giảm gần 0,3%. Mặc dù lãi suất cho vay giảm nhẹ nhưng không đáng kể, và rõ ràng việc giảm lãi suất huy động đã không tác động đáng kể tới việc giảm lãi suất cho vay. Tình trạng này đã diễn ra từ năm 2019 tới nay.

Nguyên nhân do nợ xấu cũ chưa xử lý hết, nợ xấu mới tăng cao, các NHTM cần bù đắp chi phí vốn cho các tài sản xấu này. Thêm vào đó, khi ưu ái chính sách lãi suất diễn ra với nhóm doanh nghiệp này (ví dụ như doanh nghiệp nhà nước) thì chi phí bù đắp sẽ phải được tính lên nhóm không được ưu ái. Đây là lý do lãi suất huy động bình quân giảm nhưng lãi suất cho vay bình quân không thể giảm tương ứng trong suốt 3 năm qua.

Theo Phó Thống đốc của SBV, các NHTM chỉ có thể giảm lãi suất cho vay ra dựa vào 2 phương án: (i) giảm chi phí hoạt động của NHTM, từ đó giảm chi phí vốn cung ứng ra nền kinh tế; (ii) cắt giảm lợi nhuận của NHTM.

Thông điệp này của SBV cho thấy SBV dường như không tính tới chính sách tiền tệ để giảm chi phí vốn cho nền kinh tế. Thực tế, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Năm 2019, SBV đã 3 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất điều hành nhưng không tác động đáng kể tới lãi suất cho vay bình quân. Lãi suất điều hành của SBV, trong hàng chục năm, không có thay đổi, và có vẻ như nó không hề tương thông với mặt bằng lãi suất trên thị trường của các NHTM Việt Nam.

Tuy nhiên, 2 giải pháp mà Phó Thống đốc SBV nêu ra đều không phải là 2 giải pháp khả thi. Với việc giảm chi phí hoạt động, các NHTM cần thời gian tái cấu trúc và đầu tư công nghệ. Đây không phải là giải pháp trong ngắn hạn. Với giải pháp cắt giảm lợi nhuận của NHTM, giải pháp này mang tính an ủi thị trường nhiều hơn là tính khả thi. Vì sao? Vì giữa các NHTM khác nhau cũng có tình trạng NHTM lãi nhiều, có NHTM lãi ít, có người sẵn sàng cắt giảm, có người không có gì để cắt giảm. Mặt khác, với các NHTM lãi nhiều, họ có thể cắt giảm bao nhiêu lợi nhuận thay vì tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để phòng ngừa cho làn sóng nợ xấu bùng nổ sau đại dịch?

Nợ xấu đang tăng vọt và sẽ trở thành vấn đề trầm trọng ngay trong trung hạn, các NHTM đang sinh lời tốt sẽ phải tính tới vấn đề này thay vì công bố lãi cao rồi trích một phần lãi đó bù đắp vào lãi suất ưu đãi cho khách hàng của họ.

Dù vậy, các NHTM buộc phải cam kết với SBV về việc giảm lãi suất. Các con số công bố không đưa ra mức lãi suất được giảm.

Theo Cafef đưa tin, đến cuối tháng 9/2021, hệ thống tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800 nghìn khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

Riêng 16 NHTM (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Việt không thể tiếp tục hạ lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay vì lạm phát