Ngân hàng Thế giới ép nhân viên nâng hạng cho Trung Quốc và Ả Rập Xê-út

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Tạp chí phố Wall, dữ liệu bị thao túng trong báo cáo kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã giúp Trung Quốc, Ả Rập Xê-út “nâng hạng” trong cuộc khảo sát kinh doanh của các quốc gia. Vấn đề ở chỗ, lãnh đạo của WB đã gây sức ép buộc nhân viên của họ phải thay đổi dữ liệu xếp hạng môi trường kinh doanh của hai quốc gia này.

Sau khi “sửa chữa” những điểm không chính xác trong dữ liệu, thứ hạng của Trung Quốc đã giảm từ vị trí 78 xuống 85.

Ban lãnh đạo WB đã gây áp lực lên các nhân viên nhằm thao túng dữ liệu - dữ liệu xếp hàng này được sử dụng trong báo cáo được xem là có uy tín hàng đầu trên thế giới về khả năng cạnh tranh trong kinh doanh của các quốc gia, dẫn đến sự “cải thiện xếp hạng toàn cầu” của Trung Quốc và Ả Rập Xê Út, theo thông tin của WB sau cuộc kiểm toán nội bộ.

WB thao túng dữ liệu

Hôm thứ Tư (16/12), WB đã công bố kết quả kiểm toán, sau khi các nhân viên nêu lên quan ngại - thông qua một cuộc khảo sát nội bộ về tính toàn vẹn của dữ liệu trong báo cáo kinh doanh hàng năm.

Vào tháng 8/2020, WB cho biết họ đang điều tra những bất thường ảnh hưởng đến dữ liệu của 4 quốc gia: Trung Quốc, Azerbaijan, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Dữ liệu bị thao túng đã được sử dụng trong báo cáo năm 2017 cho Trung Quốc và trong báo cáo năm 2019 cho ba quốc gia còn lại.

Các báo cáo Môi trường Kinh doanh đã trở thành báo cáo quốc tế hàng đầu về xếp hạng môi trường kinh doanh quốc gia, thúc đẩy chính phủ trên khắp thế giới “nỗ lực” đạt được các vị trí cao hơn để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Bảng xếp hạng dựa trên các thước đo như: minh bạch chính sách và thông tin, mức độ dễ dàng khởi nghiệp, chính sách thuế và khả năng tiếp cận tín dụng. Trong báo cáo mới nhất được công bố vào năm ngoái, New Zealand được xếp hạng số 1 trong số 190 quốc gia về môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.

Cuộc kiểm soát nội bộ của WB phát hiện ra rằng trong số 15 nhân viên trong nhóm thực hiện báo cáo, thì có đến 9 người cho biết họ đã bị áp lực trực tiếp hoặc gián tiếp để thao túng dữ liệu, khi phát hành báo cáo vào năm 2017 và 2019. Các nhân viên cho biết ban đầu họ không dám thể hiện sự lo lắng về áp lực mà họ gặp phải do sợ bị trả thù, theo báo cáo kiểm toán tiết lộ.

Sau khi điều chỉnh những bất thường, xếp hạng toàn cầu của Trung Quốc trong báo cáo được công bố vào tháng 10 năm 2017 sẽ giảm 7 điểm - xuống vị trí 85 từ vị trí thứ 78 được trao ban đầu.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.

“Áp lực từ các bên liên quan trong quá trình sản xuất và xuất bản báo cáo này đã không được quản lý một cách hiệu quả”, báo cáo kiểm toán cho biết.

Việc thiếu môi trường để tố cáo, thiếu cơ chế để bảo vệ người tố cáo đã dẫn đến nỗi sợ bị trả thù đối với những người tố cáo việc thao túng dữ liệu. Báo cáo không tiết lộ các bên liên quan.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (C), Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde (R) và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim (L) tham dự Đối thoại Bàn tròn "1 + 6" lần thứ ba vào ngày 6 tháng 11 năm 2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Andrea Verdelli / Getty Images)
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (C), Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde (R) và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim (L) tham dự Đối thoại Bàn tròn "1 + 6" lần thứ ba vào ngày 6 tháng 11 năm 2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Andrea Verdelli / Getty Images)

Thao túng dữ liệu do áp lực từ bên trong và bên ngoài

Báo cáo kiểm toán cũng cho biết ban lãnh đạo WB đã không nhấn mạnh tầm quan trọng về tính toàn vẹn của dữ liệu, cũng như cam kết giải quyết rõ ràng những lo ngại của nhân viên về việc thao túng dữ liệu. Những thay đổi nhân sự thường xuyên trong cấp bậc quản lý và việc trách nhiệm giải trình thấp của các cấp quản lý cũng khiến nhân viên gặp khó khăn trong việc báo cáo những sai phạm đó.

Cuộc điều tra của WB cho thấy sau khi điều chỉnh những bất thường, xếp hạng của Ả Rập Xê Út trong báo cáo năm 2019 sẽ giảm từ hạng 62 xuống hạng 63, trong khi vị trí của Azerbaijan sẽ tăng từ hạng 34 lên hạng 28. Thứ hạng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ không thay đổi ở vị trí 18 trong báo cáo năm 2019 .

Đại sứ quán Saudi Arabia, Azerbaijan và UAE chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

WB cho biết họ sẽ kết hợp dữ liệu để phản ánh những phát hiện mới nhất trong báo cáo tiếp theo - sẽ được ban hành trong những tháng tới.

Một cuộc khảo sát về mức độ tham gia của nhân viên vào tháng 4 năm 2020 đã kích hoạt việc kiểm toán nội bộ này, ngay sau nhận xét năm 2018 của cựu kinh tế trưởng WB Paul Romer - người cho biết dữ liệu trong báo cáo dễ bị thao túng và bày tỏ lo ngại về khả năng có động cơ chính trị đằng sau sự thay đổi thứ hạng.

Trong báo cáo mới nhất, WB đã vạch ra kế hoạch của ban lãnh đạo để cải thiện tính toàn vẹn của dữ liệu. Các biện pháp đó bao gồm thực hiện một chương trình đào tạo hàng năm và nâng cao các quy trình nhằm tăng tính minh bạch của quy trình thực hiện báo cáo - “giảm cơ hội ảnh hưởng quá mức của các bên liên quan bên ngoài và bên trong”.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng sẽ tăng cường kiểm soát các thay đổi dữ liệu của nhân viên trong quá trình sản xuất báo cáo.

Ngân hàng cũng cho biết họ đang thực hiện một cuộc đánh giá độc lập bên ngoài về phương pháp luận của báo cáo môi trường kinh doanh, để củng cố chất lượng, tính tin cậy của sản phẩm cũng như tính hữu dụng của nó.

Thiện Nhân

Theo wsj

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Thế giới ép nhân viên nâng hạng cho Trung Quốc và Ả Rập Xê-út