Ngân hàng Thế giới cam kết chi 12 tỷ đô la để chống lại COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng Thế giới hôm thứ Ba đã công bố gói viện trợ khẩn cấp trị giá 12 tỷ đô la để giúp các quốc gia đối phó với sự lây lan nhanh chóng của virus Corona.

Động thái này theo sau cảnh báo rằng suy thoái kinh tế từ dịch bệnh có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Chúng tôi đang làm việc để đưa ra một phản ứng nhanh chóng, linh hoạt dựa trên nhu cầu của các nước đang phát triển trong việc đối phó với sự lây lan của COVID-19”, ông David Malpass cho biết trong một báo cáo.

Viện trợ bao gồm tài chính khẩn cấp, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật. Tổ chức này cho biết trong việc phân phối viện trợ, họ sẽ ưu tiên các nước nghèo nhất và có nguy cơ cao nhất.

“Thông qua gói viện trợ mới này, Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ giúp các nước đang phát triển củng cố các hệ thống y tế, bao gồm tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế để bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch bệnh, tăng cường can thiệp y tế công cộng và làm việc với khu vực tư nhân để giảm bớt tác động đến các nền kinh tế”, Ngân hàng Thế giới nêu rõ.

“Khoản viện trợ này được thiết kế để giúp các quốc gia thành viên có những hành động hiệu quả để đáp ứng và, nếu có thể, giảm bớt các tổn thất do COVID-19”, tổ chức này bổ sung.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới và tổ chức đối tác của họ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã có một tuyên bố chung vào thứ Ba rằng hội nghị thượng đỉnh kinh tế hàng năm của họ sẽ không tổ chức gặp mặt trực tiếp do lo ngại lây nhiễm virus.

“Giống như tất cả những người khác trên khắp thế giới, chúng tôi đã lo lắng sâu sắc về tình hình phát triển của virus Corona và những bi kịch mà nó gây ra cho con người. Trước những lo ngại về sức khỏe liên quan đến virus, Ban quản lý của IMF và Nhóm Ngân hàng Thế giới cùng với Ban điều hành của 2 tổ chức đã đồng ý thực hiện một kế hoạch chung để điều chỉnh các cuộc họp mùa xuân năm 2020 của IMF-World Bank thành các hội nghị trực tuyến”, ông Malpass và bà Kristalina Georgieva - Giám đốc của IMF, cho biết.

Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

Hôm thứ Hai, trong một bản cập nhật về triển vọng kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng sự bùng phát virus đang khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Diễn đàn chính sách có trụ sở tại Paris dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi mức tăng trưởng 3,3% vào năm 2021 nếu dịch bệnh lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc trong quý I năm nay và sự bùng phát ở những nơi khác chỉ ở mức độ nhẹ và được kiểm soát. Tuy nhiên, nếu virus lây lan khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, thì tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 1,5% trong năm nay, OECD cảnh báo.

“Thông điệp chính từ kịch bản bất lợi này là nó sẽ khiến nhiều quốc gia rơi vào suy thoái, đó là lý do tại sao chúng tôi đang thúc giục đẩy nhanh các biện pháp khắc phục tại các khu vực bị ảnh hưởng”, Laurence Boone - nhà kinh tế trưởng của OECD, nói với Reuters.

Epoch Times Photo
Angel Gurria, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có bài phát biểu tại Paris vào ngày 21 tháng 5 năm 2019. (Eric Piermont/AFP/Getty Images)

Trong một động thái được dự đoán trước nhằm phối hợp phản ứng chính sách để đối phó với cuộc khủng hoảng virus Corona, các quan chức từ các nước G7 đã đưa ra một tuyên bố vào thứ Ba, trong đó có cam kết sử dụng “tất cả các công cụ thích hợp” để xử lý việc virus lây lan nhưng vẫn chưa có hành động lập tức nào.

Cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố cắt giảm lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong một tuyên bố rằng virus Corona sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ trong một thời gian, và ông tin rằng hành động của ngân hàng trung ương sẽ mang lại một sự thúc đẩy có ý nghĩa cho nền kinh tế.

Nhưng sau một chút phục hồi ban đầu, thị trường đã không đáp ứng được kỳ vọng của các biện pháp này.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói chuyện với các phóng viên sau khi Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất trong một động thái khẩn cấp được đưa ra để bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi tác động của virus Corona, trong một cuộc họp báo ở Washington vào ngày 3 tháng 3 năm 2020. ( Mark Makela/Getty Images)

Các chỉ số chính của Phố Wall và thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm vào thứ Ba, trong khi lợi suất của trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ 10 năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 1% trong lịch sử khi các nhà đầu tư tìm nơi ẩn náu trong các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu và vàng.

“Tuyên bố của G7 vào sáng hôm nay chắc chắn đã gây choáng ngợp và khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng”, ông Robert Johnson, giáo sư tài chính tại Đại học Kinh doanh Heider thuộc Đại học Creighton cho biết. “Cục Dự trữ Liên bang bước vào và nói rõ rằng họ đang cắt giảm lãi suất để cung cấp một sự thúc đẩy có ý nghĩa cho nền kinh tế, và sẽ tiếp tục làm như vậy nếu tình hình kinh tế cần”, ông nói với tờ Epoch Times.

“Chắc chắn rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không cung cấp cách chữa trị cho virus Corona”, ông nói thêm. “Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp củng cố thị trường tài chính và thông qua hiệu ứng tài sản sẽ giúp nền kinh tế cơ bản vượt qua sự gián đoạn (hy vọng là) ngắn hạn do virus Corona gây ra”.

Sự trượt giá cổ phiếu và gia tăng các tài sản trú ẩn an toàn cho thấy thị trường nghĩ rằng hành động của Fed là không thích đáng khi đối phó với dịch bệnh đã giết chết hàng ngàn người trên toàn thế giới và đe dọa làm chậm đáng kể sự tăng trưởng toàn cầu.

“Cuộc tấn công phủ đầu của Fed chống lại virus Corona đã phản tác dụng”, ông Michael Arone, chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors ở Boston cho biết. “Phản ứng này đã báo hiệu cho các thị trường rằng virus Corona ngang hàng với những thứ như Đại suy thoái, bong bóng công nghệ - truyền thông - viễn thông nổ tung hoặc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Thế giới cam kết chi 12 tỷ đô la để chống lại COVID-19