Ngân hàng Nhà nước mở đường 'cấp oxy' cho Hàng không

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sớm làm việc với các Ngân hàng Thương mại (NHTM) về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp nhằm cứu các hãng hàng không đang thua lỗ nặng nề và đối mặt nguy cơ phá sản.

Thông tin trên được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tại buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan; tổ chức tín dụng; và các hãng hàng không diễn ra vào ngày hôm qua 28/9.

Ông Đào Minh Tú chia sẻ, chưa khi nào ngành hàng không phải đối mặt với khó khăn trăm bề như hiện nay. Hàng loạt máy bay đang ở tình trạng phủ bạt, các đường bay đình trệ. Cụ thể, tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, số lượng chuyến bay và hành khách đã giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu ngành hàng không giảm 80 - 90%. Trong thời gian tới muốn bay lại thì cũng sẽ tốn rất nhiều chi phí cho việc kiểm định an toàn bay.

Nói về vấn đề chi phí, hiện tại, dù đã liên tục cắt giảm nhưng chi tiêu hàng tháng của các hãng hàng không bao gồm: Tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng, và trả lương nhân viên vẫn là con số rất lớn. Thống kê cho thấy, chi phí bình quân của Vietnam Airlines đã giảm còn bằng ¼ so với năm 2019, trong khi Vietjet giảm còn bằng ⅕ lần. Tuy vậy, số nợ và tình trạng thiếu hụt dòng tiền của các hãng đã lên tới mức báo động. Cụ thể, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet, và Bamboo hiện trên 50.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền hoạt động bị thiếu hụt của các hãng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng khác.

Trong buổi làm việc, Tổng thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã đề xuất 2 gói vay dựa trên cơ sở báo cáo của các hãng hàng không.

  • Gói thứ nhất, đề nghị áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% cho các hãng hàng không khác như đã áp dụng với Vietnam Airlines với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.
  • Gói thứ hai, cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (tức là ngân sách cấp bù lãi suất 4%), thời hạn là 3 - 4 năm.

Đáp lại đề xuất này, ông Đào Minh Tú nói rằng NHNN luôn đồng hành với các doanh nghiệp hàng không. Theo Phó Thống đốc, các hãng hàng không có khả năng phục hồi và bứt tốc sau dịch rất cao nên xứng đáng nhận được ưu tiên vay vốn.

"Sau đây NHNN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, và Bộ Tài chính để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ", ông Tú nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Tú, ngân hàng cũng là một ngành kinh tế và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. “Điều hành vĩ mô của NHNN thời điểm này rất lo lắng, không phải ngay hôm nay mà là trung hạn trong mấy năm tới, khi nền kinh tế 2009 - 2010 do khủng hoảng tài chính tác động một số lĩnh vực, rồi bong bóng bất động sản và chứng khoán để lại nợ xấu 11% tổng dư nợ, ngân hàng giải quyết đến bây giờ vẫn chưa xong. Lúc đó, quy mô nền kinh tế có 2,7 triệu tỉ đồng, giờ lên tới 9,8 triệu tỉ đồng. Nếu như không đảm bảo được ổn định vĩ mô, giữ được giá trị đồng tiền, lạm phát vượt lên 7-8% thì bao nhiêu nỗ lực thời gian qua đổ sông đổ biển”, ông Tú nói.

Việc lạm dụng quá đà chính sách tiền tệ quốc gia sẽ phải trả giá đắt. Nếu cứ liên tục bơm tiền thì sẽ dẫn tới khả năng lạm phát cao trong vài năm tới. Đặc biệt chính sách tiền tệ luôn có độ trễ.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Nhà nước mở đường 'cấp oxy' cho Hàng không