Ngăn chặn hàng xuất khẩu của Trung Quốc - Mỹ, EU vạch trần Bắc Kinh ‘cưỡng bức lao động’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Washington nêu rõ các “trung tâm dạy nghề” ở Trung Quốc thực ra chính là các trại tập trung “trá hình”. Mỹ sẽ ngăn chặn các mặt hàng xuất khẩu được sản xuất bởi "lao động cưỡng bức" từ vùng Tân Cương. EU cũng phối hợp trong chiến dịch này.

Động thái của Washington nêu ra khi Liên Minh Châu Âu (EU) thúc giục Bắc Kinh đưa các quan sát viên độc lập đến vùng Tân Cương, và cảnh báo Trung Quốc phải minh bạch nếu muốn đạt được một thỏa thuận đầu tư lớn với khối.

Bắc Kinh duy trì ‘chế độ nô lệ thời hiện đại’

Mark A.Morgan, quyền Ủy viên Cục Bảo vệ Biên giới và Hải quan Hoa Kỳ, đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc “lạm dụng có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ” và các dân tộc thiểu số khác.

Ông Morgan nói: “Lao động cưỡng bức là một hành vi lạm dụng nhân quyền tàn bạo”.

Hoa Kỳ đã đưa ra danh sách các mặt hàng cấm bao gồm bông, hàng may mặc, các sản phẩm về tóc và đồ điện tử từ 5 nhà sản xuất ở Tân Cương.

Kenneth Cuccinelli, quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói với các phóng viên: "Còn bao gồm tất cả các sản phẩm gắn liền với Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ năng Nghề số 4 Quận Lop thuộc Tân Cương. Đây không phải là một trung tâm dạy nghề, mà là một trại tập trung, nơi các tín đồ tôn giáo và người dân tộc thiểu số bị ngược đãi và bị buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ, không có quyền lợi và không có tự do. Đây là chế độ nô lệ thời hiện đại".

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ được phép thu giữ hàng hóa từ các công ty và tổ chức trong danh sách đen. Hải quan Hoa Kỳ có thể sử dụng lệnh giữ lại đơn hàng (WROs) với những hàng hóa được làm bởi nguồn lao động cưỡng bức.

Hoa Kỳ, EU tham gia ‘giải cứu’

Chính phủ Hoa Kỳ đang tăng cường sử dụng những mệnh lệnh như trên để gây áp lực với Bắc Kinh trong việc giam giữ hơn một triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương dưới hình thức cải tạo.

Tháng 7 vừa qua, hải quan Hoa Kỳ đã thu giữ các sản phẩm tóc giả và tóc nối của một số công ty hoạt động tại Tân Cương và tiếp tục thu giữ các mặt hàng may mặc do Tập đoàn Hero Vast sản xuất và xuất khẩu trong tháng 8/2020.

“Chính phủ Trung Quốc cần phải đóng cửa tất cả các trại tập trung này.” Ông Cuccinelli nói.

Trong cuộc đàm phán video giữa các lãnh đạo EU và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu, EU đề nghị Trung Quốc chấp nhận cho ‘‘quan sát viên độc lập’’ tới Tân Cương.

“Chúng tôi nhắc lại mối quan ngại của chúng tôi về cách Trung Quốc đối xử với người thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng, cũng như với các nhà bảo vệ nhân quyền và nhà báo. Chúng tôi yêu cầu quan sát viên độc lập được tiếp cận với các vấn đề ở Tân Cương. Đồng thời, yêu cầu trả tự do cho công dân Thụy Điển Gui Minhai và hai công dân Canada bị bắt giữ tùy tiện”, Chủ tịch hội đồng EU Charles Michel nhấn mạnh.

Các nhóm nhân quyền, học giả và nhà báo đã ghi nhận được một cuộc đàn áp khắc nghiệt đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Họ bị giam giữ hàng loạt, cưỡng chế triệt sản, cưỡng bức lao động cũng như phải chịu các giới hạn về tôn giáo và văn hóa.

Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người khác bị giam giữ trong các trại tẩy não, trong khi Bắc Kinh mô tả đó là các trung tâm đào tạo nghề và họ đang tìm cách giáo dục người dân để giảm bớt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Tại hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn giữa các nhà lãnh đạo 27 nước EU diễn ra theo hình thức trực tuyến hôm thứ Hai (ngày 14/9) vừa qua, châu Âu tăng sức ép lên Trung Quốc về vấn đề Hong Kong, phương Tây cho rằng Bắc Kinh đang lạm dụng quyền tự do lịch sử.

“Luật an ninh quốc gia của Hong Kong tiếp tục dấy lên những lo ngại nghiêm trọng. EU và các quốc gia thành viên đã có động thái phản ứng rõ ràng - tiếng nói dân chủ ở Hong Kong cần được lắng nghe, các quyền cần được bảo vệ và quyền tự chủ cần được duy trì”, chủ tịch hội đồng EU Michel nói.

May May



BÀI CHỌN LỌC

Ngăn chặn hàng xuất khẩu của Trung Quốc - Mỹ, EU vạch trần Bắc Kinh ‘cưỡng bức lao động’