Nền kinh tế Trung Quốc có thể đang trong giai đoạn từ lạm phát đình trệ đến suy thoái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tháng 7 năm nay, dữ liệu kinh tế và tài chính của Trung Quốc đã xấu một cách toàn diện, 3 nhóm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều tăng trưởng chậm lại. Phân tích vĩ mô chỉ ra rằng Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn lạm phát đình trệ, một giai đoạn tồi tệ và tiêu cực mà không một nền kinh tế nào muốn rơi vào trong chu kỳ kinh tế. 

Không chỉ các chỉ số kinh tế hàng đầu đều sụt giảm (thậm chí có những chỉ số giảm 4 tháng liên tiếp) như PMI sản xuất, PMI đơn hàng xuất khẩu mới, số lượng giao dịch thành công bất động sản, dòng tiền chảy vào đầu tư bất động sản, cung tín dụng, cung tiền M2…, mà còn sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và các chỉ số kinh tế khác cũng bắt đầu giảm.

Chỉ có số liệu thống kê về giá vẫn ở mức cao, một dấu hiệu rất xấu và đáng báo động cho ổn định của kinh tế, tài chính. Chỉ số giá (lạm phát) là kết quả sự tác động tổng hợp của chênh lệch cung cầu và chính sách “giảm thiểu carbon” theo kiểu phong trào.

Tất cả những chỉ dấu hiệu trên cho thấy xu hướng đi xuống của nền kinh tế đã bắt đầu lan rộng, và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế đang ngày càng tăng lên.

Sự sụt giảm dữ liệu kinh tế và tài chính trong tháng 7 được giải thích là do các yếu tố ngắn hạn tác động, như dịch bệnh và lũ lụt. Tuy nhiên, dịch bệnh và lũ lụt hiển nhiên không phải là câu trả lời thỏa đáng cho sự sụt giảm 4 tháng liên tiếp của các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng trong nền kinh tế như số lượng các giao dịch bất động sản thành công thay sự sụt giảm của các đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Thông thường, một nền kinh tế có quy luật vận hành theo chu kỳ của riêng nó, bao gồm: phục hồi - tăng trưởng nóng - lạm phát - đình trệ - suy thoái, các giai đoạn này sẽ lặp đi lặp lại.

Các yếu tố chính gây ra sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc hiện nay là:

  • Hiệu ứng thu hẹp tín dụng đối với bất động sản và trái phiếu chính quyền địa phương bắt đầu xuất hiện. Quy mô tín dụng đổ vào nền kinh tế sụt giảm mạnh kể từ đầu năm đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thực, với độ trễ khoảng 6 tháng;
  • Doanh số bán bất động sản đã thay đổi kể từ tháng 5 năm nay, theo chiều hướng suy giảm. Đầu tư vào ngành này cũng bắt đầu giảm xuống. Thông thường, bất động sản phụ thuộc vào dân số trong dài hạn, nguồn cung đất đai trong trung hạn và tài chính trong ngắn hạn, hay nói cách khác, bất động sản là nguồn gốc tạo ra chu kỳ. Vì thế, sự sụt giảm của doanh số bất động sản cho thấy kinh tế báo hiệu chu kỳ đình trệ và dần chuyển sang suy thoái.
  • Với sự phục hồi của sản xuất ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á, hiệu ứng thay thế (thay thế sản xuất ở Mỹ, Châu Âu, Châu Á bằng sản xuất từ Trung Quốc) đã giảm dần. Khi các nước này đóng cửa, không thể sản xuất, thì xu thế nhập hàng hóa từ Trung Quốc để phục vụ thị trường ở các nước này tăng cao hơn. Nhưng hiện nay cục diện đã thay đổi. Các nền kinh tế và khu vực này đã phục hồi sản xuất, hiệu ứng thay thế và sức mạnh độc quyền của Trung Quốc không còn, đơn đặt hàng xuất khẩu đã giảm liên tiếp trong 4 tháng qua.
  • Tăng trưởng kinh tế hình chữ K, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí hàng hóa tăng cao, số liệu việc làm theo đó cũng tăng rất chậm, chi tiêu vì thế cũng ít đi, kết quả là tiêu dùng luôn ở mức yếu. Cầu trong nước và quốc tế đều yếu khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ có thể chống đỡ với cú sốc suy thoái chứ không thể ngăn chặn xu hướng này.
  • Giá cả hàng hoá quá cao, vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Nói cách khác, là vượt qua năng lực tiêu dùng của người Trung Quốc. Giá cả cao sẽ đẩy thêm nhiều người Trung Quốc hơn nữa vào nhóm dân số không có quyền tiêu dùng (hiện chiếm 600 triệu - 900 triệu người). Tiêu dùng yếu kìm hãm tăng trưởng. Đây chính là vòng luẩn quẩn của khi nền kinh tế “lạc” vào giai đoạn suy thoái của chu kỳ.

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Lạm phát đã xuất hiện và nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại theo từng quý. Hiện nó đang ở giai đoạn cuối của lạm phát đình trệ (là sự kết hợp giữa trạng thái sản xuất dẫm chân tại chỗ (đình trệ) với trạng thái lượng tiền tệ lưu thông quá mức cần thiết và giá cả tăng (lạm phát). Nguyên nhân chính là do sự vận dụng biện pháp điều tiết độc quyền nhà nước theo lý thuyết Keynes: Tăng chi ngân sách và tăng phát hành tiền tệ - tín dụng không giúp kích cầu vào giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế suy thoái. Nửa cuối năm nay sang nửa đầu năm sau sẽ là thời điểm chuyển giao giữa hai giai đoạn đình trệ và suy thoái này. Cửa sổ thời gian của chu kỳ nới lỏng tiền tệ đang mở ra.

Dữ liệu kinh tế và tài chính đang xấu đi một cách toàn diện, và đã đến lúc Trung Quốc phải có một hành động quyết liệt và hiệu quả nếu muốn tránh những hậu quả thảm khốc của chu kỳ này.

Khi suy thoái kinh tế và lạm phát cùng tồn tại ở mức cao, thì việc "lạm phát đình trệ" xảy ra là rất rõ ràng. Chính sách tiền tệ cũng khó có thể nới lỏng về cơ bản, và nó mang tính bảo hiểm và phòng ngừa nhiều hơn. Trong tương lai, khi xu hướng suy giảm chung trở nên rõ ràng và lạm phát giảm, thì nền kinh tế sẽ bước vào giai đoạn “suy thoái”. Lúc này, các chính sách tài khóa và tiền tệ đều khó chủ động, dù có nới lỏng cũng không tác động bao nhiêu tới sự phục hồi trong khi hậu quả gây ra nghiêm trọng hơn. Tình hình hiện nay có vẻ đang diễn biến theo xu hướng này, và có vẻ như một giai đoạn khó khăn cho Trung Quốc đã thực sự bắt đầu.

Mộc Trà

Theo Secret China

 



BÀI CHỌN LỌC

Nền kinh tế Trung Quốc có thể đang trong giai đoạn từ lạm phát đình trệ đến suy thoái