Nền kinh tế toàn cầu ở 'khúc ngoặt hiểm hóc', sự phục hồi là mong manh và chắp vá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo chỉ số theo dõi Brookings-FT mới nhất, nền kinh tế toàn cầu mới chỉ đạt được sự phục hồi mong manh và nhiều nền kinh tế mới nổi vẫn đang phải chịu khó khăn nghiêm trọng. Cầu tiêu dùng Trung Quốc phục hồi kém, tiếp tục kích cung, tạo gánh nặng cho nền kinh tế thế giới.

Tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới không đồng đều, điều này làm nổi bật triển vọng bấp bênh, “tạo nền” cho các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này.

Với làn sóng Covid-19 thứ hai đang phá hoại nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại bình thường, niềm tin của các doanh nghiệp, hộ gia đình và nhà đầu tư bị lung lay, và ít có chính sách tiền tệ kích thích bổ sung, hầu hết các quốc gia còn một chặng đường dài trước khi sản lượng đạt mức trước đại dịch.

Giáo sư Eswar Prasad thuộc Viện Brookings cho biết: “Một sự phục hồi trên diện rộng và mạnh mẽ không xuất hiện trong tương lai gần” và cho biết thêm rằng “rủi ro của các tác động lâu dài và đáng kể đối với các nền kinh tế đang gia tăng”.

Các cuộc họp sẽ được tổ chức từ Washington trong tuần này. Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của IMF, cho biết vào tuần trước, sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ là “lâu dài, không đồng đều, không chắc chắn, và dễ bị thất bại”.

Dữ liệu kinh tế từ khắp nơi trên thế giới yếu hơn so với điểm tồi tệ nhất trong bất kỳ đợt suy thoái nào trước đó, kể từ khi Chỉ số theo dõi Brookings-FT phục hồi kinh tế toàn cầu (Tiger) bắt đầu vào năm 2012.

Nền kinh tế toàn cầu ở khúc ngoặt hiểm hóc

Chỉ số so sánh các chỉ số về hoạt động thực tế, thị trường tài chính và niềm tin (với mức trung bình của chúng) đối với nền kinh tế toàn cầu và đối với từng quốc gia, cho thấy sự phục hồi ở các nền kinh tế tiên tiến “còn lâu mới hoàn tất” sau đợt sụt giảm lịch sử vào mùa xuân.

Tình hình ở các thị trường mới nổi còn tồi tệ hơn nhiều với các chỉ số vẫn còn cách xa mức bình thường.

‘Niềm tin của khu vực tư nhân đã bị phá hủy'

Mặc dù lĩnh vực sản xuất đã phục hồi mạnh mẽ, thương mại thế giới và chi tiêu hộ gia đình nhìn chung vẫn mạnh do chính phủ các nước có nền kinh tế phát triển đã thay thế thu nhập bị mất bằng trợ cấp lương, nhưng triển vọng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn và niềm tin của các doanh nghiệp, hộ gia đình và nhà đầu tư thấp, có nguy cơ làm suy yếu sức mạnh của bất kỳ sự phục hồi nào.

Giáo sư Prasad cho biết: “Niềm tin của khu vực tư nhân đã bị phá hủy, điều này không mang lại dấu hiệu tốt cho đầu tư kinh doanh và tạo việc làm”.

Tuy nhiên, thị trường tài chính đã ổn định sau cú sốc ban đầu, đảm bảo rằng chúng không bị làm trầm trọng thêm do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.

Giáo sư Prasad cho biết: “Mặc dù sự phục hồi đã diễn ra không mấy suôn sẻ, nhưng thế giới đã thoát khỏi tác hại lớn hơn nhiều do việc sử dụng rất nhiều chính sách tài khóa. Ông nói, các ngân hàng trung ương cũng đã làm những gì họ có thể làm, nhưng chính sách tiền tệ đang không còn đủ dư địa, với những giới hạn ngày càng rõ ràng”.

Ông nói: “Các ngân hàng trung ương đang có nguy cơ gia tăng sự vướng mắc trong nền kinh tế của họ ,thông qua việc mua trái phiếu công ty và chính phủ, và tài trợ trực tiếp cho các công ty, điều này có thể khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị và các mối đe dọa đối với sự độc lập của họ trong tương lai”.

Niềm tin đầu tư, tiêu dùng và kinh doanh chưa phục hồi

Hoa Kỳ đã hoạt động mạnh mẽ hơn nhiều nước châu Âu, với tỷ lệ thất nghiệp giảm trong mùa hè. Tuy nhiên, gần đây các chính trị gia đã tranh cãi về việc gia hạn hỗ trợ cho các hộ gia đình thất nghiệp.

Khu vực đồng euro phải đối mặt với nguy cơ giảm phát; tỷ lệ lạm phát hàng năm của họ gần đây đã chuyển sang âm. Quá trình phục hồi khá chắp vá và có liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe do dịch bệnh, trong đó Đức hoạt động tốt hơn Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Ở tất cả các quốc gia, các lĩnh vực dịch vụ đã có một bước ngoặt lớn.

Tại châu Á, Trung Quốc đã có một số phục hồi, mặc dù vậy, hoạt động của họ trong năm nay sẽ kém hơn bất kỳ năm nào kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào đầu những năm 1980. Chi tiêu tiêu dùng các hộ gia đình ở mức yếu do chính phủ tiếp tục sử dụng “chiêu bài cũ” là tập trung vào kích cung, tăng đầu tư công thay vì kích cầu tiêu dùng.

Điều này tăng rủi ro tài chính (nợ tăng cao không bền vững do đầu tư thiếu hiệu quả), làm trầm trọng tình trạng thừa cung, tạo gánh nặng lớn cho cầu tiêu dùng của toàn cầu. Những gì Trung Quốc không thể tiêu dùng do thừa cung thì thế giới sẽ phải gánh chịu.

Các hộ gia đình Trung Quốc không mua những gì doanh nghiệp Trung Quốc đang bán, trong khi người mua sắm ở Mỹ và châu Âu vẫn đang cứu trợ các nhà sản xuất Trung Quốc ngay cả khi các nhà sản xuất trong nước họ đang gặp khó khăn. Điều đó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột về thương mại toàn cầu.

Lê Minh



BÀI CHỌN LỌC

Nền kinh tế toàn cầu ở 'khúc ngoặt hiểm hóc', sự phục hồi là mong manh và chắp vá