Mỹ muốn Ấn Độ giúp đỡ đối đầu với Trung Quốc: còn nhiều nút thắt cần giải khai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Biden đang nỗ lực để đưa Ấn Độ vào mạng lưới các quốc gia đối đầu gay gắt với Trung Quốc, nhưng để làm được như vậy, họ cần giải quyết những bất đồng bao gồm nhân quyền và việc New Delhi mua lại hệ thống phòng thủ của Nga.

Thứ Sáu tuần trước, một cuộc họp trực tuyến đã diễn ra giữa Tổng thống Biden và thủ tướng của 2 đồng minh hiệp ước lâu năm - Úc và Nhật Bản, cùng với Ấn Độ - quốc gia thứ tư trong Bộ tứ Quad và cũng là nước có nền kinh tế kém phát triển nhất trong nhóm này.

Các nhà lãnh đạo cam kết nỗ lực hết sức để mở rộng sản xuất vaccine Covid-19 ở Ấn Độ do công ty Johnson & Johnson của Mỹ điều chế, một số liều sẽ được cung cấp cho các nước Đông Nam Á và một số quốc gia đang phát triển khác, trong một nỗ lực, theo lời một quan chức Ấn Độ, để cạnh tranh với “chính sách ngoại giao vaccine” của Trung Quốc với các nước đang phát triển.

Mặc dù Bộ tứ này đã thành lập hơn một thập kỷ, nhưng mãi đến khi Tổng thống Trump lên nắm quyền thì Washington mới dành nhiều sự chú ý tới nhóm này trong bối cảnh sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt. Ấn Độ cũng vậy. Năm ngoái, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có cuộc đụng độ dọc theo đường biên giới Himalaya đang tranh chấp giữa họ, đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong vòng hơn 5 thập kỷ qua và tạo thêm một cơ hội để cho Washington kéo Ấn Độ về phía mình.

Một loạt thách thức hiện đang xuất hiện nếu chính quyền Biden muốn giữ cho mối quan hệ này đi đúng hướng. Ấn Độ đang trong quá trình mua hệ thống tên lửa tiên tiến S-400 của Nga , một bước đi có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ. Việc chính phủ Ấn Độ đối xử với các nhóm thiểu số tôn giáo và các cuộc biểu tình gần đây của nông dân đã khiến các nhóm nhân quyền và các thành viên Quốc hội Mỹ phải “để mắt” đến chế độ này.

Mặc dù Bộ tứ này đã thành lập hơn một thập kỷ, nhưng mãi đến khi Tổng thống Trump lên nắm quyền thì Washington mới dành nhiều sự chú ý tới nhóm này trong bối cảnh sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt. (Charlotte Cuthbertson / The Epoch Times)
Mặc dù Bộ tứ này đã thành lập hơn một thập kỷ, nhưng mãi đến khi Tổng thống Trump lên nắm quyền thì Washington mới dành nhiều sự chú ý tới nhóm này trong bối cảnh sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt. (Charlotte Cuthbertson / The Epoch Times)

Chính phủ Ấn Độ đã đe dọa bỏ tù nhân viên của Facebook, WhatsApp và Twitter khi các công ty công nghệ này không ngay lập tức tuân theo yêu cầu gỡ bỏ các thông tin liên quan đến cuộc biểu tình của nông dân Ấn Độ, những người thạo tin cho biết.

Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin của Ấn Độ phủ nhận việc chính phủ đã đưa ra những lời đe dọa như vậy, dù là bằng văn bản hoặc bằng lời nói, đối với các công ty truyền thông xã hội.

Những căng thẳng này với Ấn Độ, quốc gia vốn từ lâu đã nêu cao vị thế không liên kết, trái ngược hẳn với Australia và Nhật Bản, những nước có mối quan hệ hợp tác vững chắc với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Hai quốc gia này cũng có những quan điểm chung với Mỹ về quản trị và thị trường tự do.

Hiện tại, các quan chức chính quyền Biden đang tỏ ra thận trọng khi xây dựng một chiến lược quốc tế phối hợp nhằm chống lại Trung Quốc. Họ nói rằng Ấn Độ, với tư cách là một nền dân chủ với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, mang lại cơ hội để giải quyết một loạt các vấn đề như khí hậu và năng lượng, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách hợp tác về công nghệ và quốc phòng.

“Chúng tôi làm việc với một đối tác như Ấn Độ để đối đầu với những thách thức chung mà chúng tôi gặp phải; Chúng tôi chắc chắn nhận ra những thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra”, ông Dean Thompson, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Nam và Trung Á, nói. Chiến lược an ninh tạm thời mà chính quyền ban hành trong tháng này đã liệt kê Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu và cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ.

Là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu, Ấn Độ đã và đang dần từ bỏ truyền thống theo đuổi quan điểm trung lập từ thời Chiến tranh Lạnh và hợp tác nhiều hơn với Mỹ. Tuy vậy, chặng đường phía trước trong quan hệ Mỹ-Ấn vẫn còn nhiều chông gai. Hơn nữa, việc tận dụng tối đa mối quan hệ này đòi hỏi Mỹ phải giảm bớt kỳ vọng của mình.

Ấn Độ đã cổ vũ triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe và một thỏa thuận thương mại hạn chế với Mỹ. Một quan chức Ấn Độ cho biết cả hai bên đều lo ngại về hành vi gây hấn của Trung Quốc, vì vậy chính quyền Biden cần lựa chọn xem nhân quyền và các vấn đề khác có được ưu tiên hay không.

Một quan chức Ấn Độ khác cho biết: “Đó là để Mỹ quyết định xem họ có muốn tham gia nhiều hơn với Ấn Độ trong việc thảo luận các vấn đề chiến lược, địa chính trị và kinh tế hay xác định các vấn đề địa phương mà chính phủ Ấn Độ có khả năng tự giải quyết”.

Cựu Tổng thống Donald Trump khi còn tại vị cũng đã tích cực củng cố quan hệ với Ấn Độ và xây dựng mối quan hệ với Thủ tướng Narendra Modi.

Tuy nhiên, trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Trump đã hối thúc Ấn Độ từ bỏ việc mua hệ thống tên lửa, nói rằng luật năm 2017 của Mỹ quy định các biện pháp trừng phạt đối với việc mua vũ khí từ các nhà cung cấp trong danh sách đen như Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã cảnh bảo Delhi rằng thực hiện thỏa thuận mua vũ khí từ Nga có thể khiến Mỹ phải áp đặt các lệnh trừng phạt. Trong những năm gần đây, Mỹ đa chào hàng nhằm cung cấp các nền tảng quốc phòng tiên tiến cho Ấn Độ. Một quan chức chính quyền cấp cao từ chối cho biết liệu chính quyền Biden có ban hành sự miễn trừ hay không nếu Ấn Độ tiếp tục với thỏa thuận mua vũ khí của Nga.

Ấn Độ đang tiến hành mua một hệ thống tên lửa S-400 của Nga, chính phủ nước này đã thanh toán ban đầu cho Moscow 800 triệu USD và dự kiến sẽ nhận bộ thiết bị đầu tiên trong thỏa thuận trị giá 5,5 tỷ USD ​​vào cuối năm nay. Các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết New Delhi sẽ mua hệ thống của Nga vì nó cần thiết để bảo vệ đất nước vốn có căng thẳng với Pakistan và Trung Quốc.

“Chúng tôi nhận thấy đây là thiết bị tốt nhất có thể”, một trong những quan chức Ấn Độ cho biết. "Chúng tôi hy vọng các quốc gia đồng minh hiểu được những lo ngại về an ninh của chúng tôi".

Các nhóm có trụ sở tại Hoa Kỳ đang gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Modi và đảng BJP của ông - một số lãnh đạo ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Hindu - về các chính sách mà họ coi là phân biệt đối xử với người thiểu số Hồi giáo ở nước này. Chính sách gây tranh cãi gần đây nhất là luật quốc tịch năm 2019.

Tuần trước, nhóm nghiên cứu Freedom House do chính phủ Mỹ tài trợ, trong bảng xếp hạng hàng năm về các nền dân chủ, lần đầu tiên hạ cấp Ấn Độ xuống "tự do một phần" kể từ năm 1997. Báo cáo trích dẫn cách đối xử của Ấn Độ đối với người Hồi giáo và các dân tộc thiểu số khác, việc tấn công các nhà báo và việc chặn Internet thường xuyên xảy ra.

Mối lo ngại càng tăng thêm khi chứng kiến việc chính phủ Modi xử lý các cuộc biểu tình gần đây của nông dân. Hàng chục nghìn người đã cắm trại trên các con đường xung quanh Delhi trong vài tháng qua để phản đối quyết định của chính phủ trong việc việc bãi bỏ quy định thị trường nông sản và loại bỏ sự hỗ trợ thiết yếu đối với nông dân. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ giải thích rằng luật mới sẽ giúp nông dân và người tiêu dùng hiện đại hóa và hợp lý hóa chuỗi cung ứng nông sản.

Đáp lại, chính phủ tạm thời chặn các thông tin trên Internet liên quan đến các cuộc biểu tình và yêu cầu các nền tảng mạng xã hội chặn những tài khoản mà chính phủ cho là “độc hại”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bày tỏ lo ngại của Hoa Kỳ “về các cuộc đàn áp đối với quyền tự do ngôn luận”, và một quan chức chính quyền cấp cao cho biết những lo ngại về nhân quyền và tự do ngôn luận đã được nêu ra trong các cuộc thảo luận cấp cao với Ấn Độ.

Quan chức này cho biết: “Đó không phải là lĩnh vực mà chúng tôi sẽ né tránh”. "Đây là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng tôi trên toàn thế giới, và Ấn Độ không phải là ngoại lệ".

Lê Minh

Theo WSJ

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ muốn Ấn Độ giúp đỡ đối đầu với Trung Quốc: còn nhiều nút thắt cần giải khai