Mỹ điều tra doanh nghiệp Việt giúp gỗ dán Trung Quốc lẩn thuế, tránh thuế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ từ lâu đã nghi ngờ gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam có xuất xứ Việt Nam nhưng lại sử dụng các thành phần của Trung Quốc, thực chất là hàng hóa xuất xứ Trung Quốc lẩn thuế, tránh thuế trừng phạt thương mại của Mỹ qua Việt Nam. Hiện nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đang xem xét vụ kiện doanh nghiệp Việt giúp gỗ dán Trung Quốc lẩn thuế, tránh thuế (Reuters).

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ đang thu thập thông tin để đáp ứng các câu hỏi từ Liên minh Thương mại Công bằng Gỗ cứng, đại diện cho các nhà sản xuất gỗ dán ở Bắc Carolina và Oregon về việc Liên minh này nghi ngờ doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất gỗ dán đã sử dụng các doanh nghiệp núp bóng tại Việt Nam để lẩn thuế, tránh thuế khi xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ.

Nếu kết quả của việc thu thập thông tin và điều tra cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam có hành vi giúp doanh nghiệp Trung Quốc lẩn tránh thuế trừng phạt thương mại của Mỹ hoặc bán phá giá, Bộ Thương mại cho biết họ sẽ hướng dẫn các quan chức Hải quan Hoa Kỳ bắt đầu thu các khoản đặt cọc bằng tiền mặt với mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.

Sau lệnh trừng phạt thuế, Trung Quốc giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ trong khi kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng gấp 17 lần sau 2 năm

Từ tháng 1/2018, DOC áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cứng có xuất xứ từ Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và mức thuế chống trợ cấp là 22,98 - 194,9%. Vào thời điểm đó, tổng cộng nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc được cho là 1,12 tỷ USD. Chỉ sau 1 năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ván ép gỗ cứng của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm nhanh, còn 800 triệu USD năm 2018 và thậm chí xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019.

Ngay khi gỗ dán Trung Quốc bị áp thuế trừng phạt thương mại, ngành hàng này đã bị liệt vào ngành hàng tiềm ẩn nguy cơ cao nhất bị gian lận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam. Song song với xu hướng giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, nhập khẩu gỗ dán của Mỹ từ Việt Nam tăng mạnh. Dữ liệu của Mỹ cho thấy, nhập khẩu gỗ dán gỗ cứng của Mỹ từ Việt Nam đã tăng lên 238 triệu USD trong năm 2018, sau khi thuế áp lên nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực. Trong khi năm 2017, chỉ một năm trước đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam của Mỹ chỉ là 28 triệu USD, và sau đó tăng gấp đôi vào năm 2019 lên 468 triệu USD.

Theo số liệu Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cung cấp cho Bộ Công Thương, năm 2018 - ngay khi Trung Quốc bị áp thuế trừng phạt thương mại với gỗ dán, lượng gỗ dán xuất khẩu tới thị trường Mỹ đạt 320.000 m3, tăng gấp 5 lần so với năm 2017.

Trong khi đó, sản lượng gỗ dán của Việt Nam trong năm 2018 được Vifores cập nhật sơ bộ dựa trên tổng công suất 36 nhà máy đã báo cáo Hiệp hội là khoảng hơn 1,4 triệu m3, tăng hơn 500.000 m3 so với năm 2017. Nguyên nhân gia tăng sản lượng là do có 6 nhà máy mới được xây dựng và một số nhà máy mở rộng công suất thiết kế. Tuy nhiên, trên cơ sở những số liệu sản xuất, xuất khẩu gỗ dán, Vifores cũng đặt ra nghi vấn lượng xuất khẩu mặt hàng gỗ dán chênh lệch so với công suất thiết kế của ngành, có khoảng 500.000 m3 là do thương mại.

Phản ứng chính sách chậm chạp, nửa vời

Dù nguy cơ rất cao trở thành địa điểm lý tưởng cho thương lái và các nhà sản xuất Trung Quốc gian lận xuất xứ hàng hóa gỗ dán từ khi Mỹ áp thuế trừng phạt vào tháng 1/2018, nhưng mãi tới giữa tháng 11/2019, gần 2 năm sau khi Mỹ có phản ứng chính sách quyết liệt với Trung Quốc, Bộ Công thương mới chậm chạp ra Thông tư ngăn chặn rủi ro này.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ nhắm vào hoạt động thương mại chứ không nhắm vào hoạt động đầu tư núp bóng của các nhà sản xuất gỗ dán Trung Quốc tại Việt Nam. Do vậy, thực trạng bị gian lận xuất xứ với sản phẩm gỗ dán tại Việt Nam mà Mỹ đang điều tra là có cơ sở khi chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ, bằng 73% tổng số dự án trong cả năm 2018. Tổng số dự án từ thị trường Trung Quốc chiếm 43%.

Tháng 11/2019, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính. Thông tư được áp dụng đối với: thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Thông tư số 22/2019/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/12/2019 đến hết ngày 31/12/2024.

Năm ngoái, chính phủ Việt Nam kêu gọi các nhà sản xuất nên sử dụng nguyên liệu thô có nguồn gốc trong nước để tránh thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp có mối quan hệ với Trung Quốc hoặc sở hữu bởi người Trung Quốc thì kêu gọi này sẽ không có mấy ý nghĩa khi nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc rẻ hơn, sẵn có hơn và đang dư thừa do sản phẩm đầu ra bị ứ đọng bởi mức thuế trừng phạt thương mại quá cao. Do vậy, điều quan trọng nhất trong quản lý thị trường của Việt Nam là giám sát được hoạt động đầu tư núp bóng từ Trung Quốc, loại bỏ được các doanh nghiệp có vốn FDI không lành mạnh như vậy ra khỏi quốc gia vì lợi ích lâu dài hơn với Mỹ chứ không phải là một lời kêu gọi.

Việt Nam có thể bị áp thuế trừng phạt giống Trung Quốc?

Nhóm của các nhà sản xuất rất hoan nghênh quyết định điều tra xem liệu các nhà sản xuất Trung Quốc có lợi dụng tránh thuế bằng cách mua sắm ván ép và linh kiện thông qua Việt Nam hay không.

“Mức độ trung chuyển và lách luật qua Việt Nam rất đáng kinh ngạc”, Tim Brightbill, một đối tác tại công ty luật Wiley Rein và cố vấn liên minh, cho biết (theo Reuters).

Một mức thuế tương tự của Mỹ đối với các sản phẩm gỗ dán Việt Nam có thể sẽ là thảm họa đối với lĩnh vực sản xuất này, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ trị giá khoảng 468 triệu USD trong năm 2019.

Thực tế, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam có đầy rẫy lỗ hổng để lẩn thuế, tránh thuế và gian lận xuất xứ hàng hóa - một thiên đường cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư núp bóng. Quy định về quy tắc xuất xứ với nhiều mặt hàng còn lỏng lẻo; việc quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of origin - C/O) chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chưa bao quát được, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa. Chưa kể khả năng tham nhũng chính sách giữa các quan chức giám sát thị trường, hải quan với doanh nghiệp núp bóng.

Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận về chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa, hoặc lợi dụng việc cấp các loại Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự C/O để gian lận. Lấy một ví dụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp Giấy chứng nhận một công đoạn gia công được thực hiện tại Việt Nam hoặc hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam, không có ý nghĩa trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam.

Trong khi đó, chưa có sự phối, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng kiểm soát, quản lý sản xuất trong nước với cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Theo News Asian, các quan chức hải quan Việt Nam cho biết họ chỉ có thể xác minh 5% trong số tất cả các tờ khai xuất nhập khẩu, có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc có thể dễ dàng được đóng gói lại với nhãn hiệu “Made in Vietnam” nhằm lẩn tránh thuế trừng phạt của Mỹ.

Tâm Minh - Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ điều tra doanh nghiệp Việt giúp gỗ dán Trung Quốc lẩn thuế, tránh thuế