Mỹ đẩy mạnh chiến dịch loại bỏ các ứng dụng 'không đáng tin cậy' của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhằm bảo vệ dữ liệu an ninh quốc gia và người dân Mỹ trước các công ty viễn thông Trung Quốc, chính quyền Mỹ đang nỗ lực xây dựng mặt bằng an toàn thông tin thông qua chương trình “Mạng lưới sạch”. Mặc cho Bộ ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng phản đối, và các công ty viễn thông Trung Quốc quanh co như thế nào, Mỹ vẫn mạnh mẽ xúc tiến và đã có 30 quốc gia tham gia vào “Mạng lưới sạch”.

Hôm thứ Tư vừa qua, chính quyền Trump cho biết họ đang tăng cường nỗ lực thanh lọc các ứng dụng Trung Quốc không đáng tin cậy từ các mạng kỹ thuật số của Mỹ, và gọi ứng dụng video ngắn TikTok cùng ứng dụng nhắn tin WeChat thuộc sở hữu của Trung Quốc là “những mối đe dọa lớn”.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết các nỗ lực mở rộng của Mỹ trong một chương trình “Mạng lưới sạch” tập trung vào năm lĩnh vực và bao gồm quy trình chặt chẽ ngăn chặn các ứng dụng khác nhau cũng như các công ty viễn thông Trung Quốc truy cập thông tin nhạy cảm về công dân và doanh nghiệp Mỹ.

Thông báo của ông Pompeo được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa cấm TikTok. Ứng dụng chia sẻ video cực kỳ phổ biến này đã bị phản đối gay gắt bởi các nhà lập pháp Mỹ và chính quyền do lo ngại an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.

“Với các công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, các ứng dụng như TikTok, WeChat và các ứng dụng khác là mối đe dọa đáng kể đối với dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, chưa kể đến các công cụ kiểm duyệt nội dung của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”, ông Pompeo nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói Mỹ "không có quyền" thiết lập "Mạng lưới sạch" và gọi các hành động của Washington là “một trường hợp bắt nạt kinh điển”.

Ông Vương nói: “Bất cứ ai cũng có thể thấy rõ rằng ý định của Mỹ là để bảo vệ vị thế độc quyền trong công nghệ và là để cướp đi quyền phát triển đúng đắn về công nghệ của các quốc gia khác”.

TikTok hiện đang đối mặt với hạn chót là ngày 15 tháng 9 để bán các hoạt động tại Mỹ của mình cho Microsoft Corp hoặc đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn.

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử lại vào tháng 11 của Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Mối quan hệ đang căng thẳng vì đại dịch coronavirus toàn cầu, động thái gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, sự kiểm soát ngày càng tăng đối với Hồng Kông và đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng như thặng dư thương mại và cạnh tranh công nghệ lớn của Bắc Kinh.

Ông Pompeo cho biết Mỹ đang nỗ lực ngăn công ty viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co Ltd cài đặt trước hoặc cung cấp sẵn để tải xuống các ứng dụng phổ biến nhất của Mỹ trên điện thoại.

“Chúng tôi không muốn các công ty đồng lõa với các hành vi vi phạm nhân quyền của Huawei, hay bộ máy giám sát của ĐCSTQ”, ông Pompeo nói, nhưng không đề cập đến bất kỳ công ty cụ thể nào của Hoa Kỳ.

Ông Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với các cơ quan chính phủ khác để bảo vệ dữ liệu của công dân Mỹ và sở hữu trí tuệ của Mỹ, bao gồm cả nghiên cứu vaccine COVID-19, bằng cách ngăn chặn truy cập từ các hệ thống dựa trên đám mây do các công ty như Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom và Tencent điều hành.

Ông Pompeo cho biết ông đã tham gia cùng Bộ trưởng Tư pháp William Barr, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf để thúc giục cơ quan quản lý viễn thông Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang, chấm dứt việc ủy quyền cho China Telecom và ba công ty khác cung cấp dịch vụ tại Mỹ.

Ông nói rằng Bộ Ngoại giao cũng đang làm việc để đảm bảo Trung Quốc không thể đe dọa đến những thông tin được truyền qua các dây cáp dưới biển nhằm kết nối Hoa Kỳ với internet toàn cầu.

Mỹ từ lâu đã cùng một số nước châu Âu và các đồng minh khác loại bỏ Huawei khỏi mạng lưới viễn thông của họ. Huawei phủ nhận làm gián điệp cho Trung Quốc và nói rằng Mỹ muốn ngăn cản sự tăng trưởng của họ bởi vì không có công ty Mỹ nào có thể cung cấp công nghệ tương tự với mức giá cạnh tranh.

Nhận xét của ông Pompeo hôm thứ Tư phản ánh sự thúc đẩy ngày càng rộng hơn của Washington nhằm hạn chế sự tiếp cận của các công ty công nghệ Trung Quốc vào thị trường và người tiêu dùng Mỹ. Một quan chức Mỹ nhận định chiến dịch này là để đẩy lùi một “chiến dịch rộng lớn nhằm đánh cắp và vũ khí hóa dữ liệu của chúng ta".

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết động lực cho chương trình "Mạng lưới sạch" đang tăng lên và đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay là “các nước sạch”, và nhiều công ty viễn thông lớn nhất thế giới là “Công ty viễn thông sạch”.

Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh của mình “tham gia vào làn sóng đang gia tăng để bảo vệ dữ liệu của chúng ta khỏi sự giám sát của ĐCSTQ và các thực thể ác tính khác”.

Huawei Technologies và Tencent từ chối bình luận. Alibaba, Apple, China Telecom, China Mobile và Baidu đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Kim Mai

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ đẩy mạnh chiến dịch loại bỏ các ứng dụng 'không đáng tin cậy' của Trung Quốc