Mỹ áp thuế khủng 456% lên thép Việt: Lỗ hổng pháp lý lớn - Phản ứng chính sách chậm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thương chiến Mỹ - Trung leo thang, Việt Nam được coi là một trong những nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do xuất khẩu sang Mỹ tăng lên. Tuy nhiên, do những lỗ hổng pháp lý còn tồn tại và sự phản ứng chậm chạp của chính sách, nên hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa đã gia tăng, và hậu quả gần đây nhất là quyết định áp thuế 456% của Mỹ lên mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam...

Mỹ chính thức áp thuế khủng 456% lên thép sau một thời gian dài điều tra: kết quả không bất ngờ

Ngày 16/12/2019 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo tới Bộ Công thương Việt Nam (MOIT) kết quả điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan-Trung Quốc (Đài Loan). Theo đó, DOC cho rằng các mặt hàng thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Mỹ và do đó bị coi là lẩn tránh thuế.

Như vậy, Mỹ chính thức áp thuế khủng 456% lên thép sản xuất tại Việt Nam với các lô hàng thép CRS và CORE xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng. Trong trường hợp doanh nghiệp chứng minh nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan sẽ bị áp thuế tương ứng của Hàn Quốc (29,4% với thép CORE; 24,2% với thép CRS) và Đài Loan (10,34% với thép CRS).

Báo cáo gửi lên chính phủ của Tổ công tác của Thủ tướng: hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa ngày một tinh vi

Đây không phải là kết luận gây bất ngờ với các cơ quan có liên quan và doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép tại Việt Nam. Thực tế, hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam ngày một tinh vi, chủ yếu tại các ngành sản xuất của Trung Quốc đang chịu mức thuế trừng phạt thương mại cao của Mỹ. Đây cũng là khẳng định trong một báo cáo gửi về Chính phủ vào tháng 11 vừa qua của Tổ công tác của Thủ tướng.

Theo Tổ công tác, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, dễ bị áp dụng biện pháp trừng phạt, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại không thể tính toán được đối với nền kinh tế nước ta.

Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với 2 nhóm hành vi: (1) Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; (2) Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Các nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ; dệt may; da giày, túi xách; vali, mũ, ô, dù; thủy sản; giấy và các sản phẩm từ giấy; đinh vít, máy móc, thiết bị khác. Đây đều là các nhóm hàng hiện Trung Quốc đang bị áp thuế trừng phạt thương mại cao của Mỹ.

Lỗ hổng pháp lý của Việt Nam trong việc ngăn chặn gian lận xuất xứ

Nguy cơ lẩn thuế, tránh thuế qua gian lận xuất xứ hàng hóa đã được cảnh báo từ lâu. Bên cạnh đó, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, hệ thống pháp luật và quản trị, giám sát của Việt Nam còn tồn tại quá nhiều lỗ hổng khiến gian lận xuất xứ hàng hóa có cơ hội bùng phát trong bối cảnh thương chiến leo thang, người tiêu dùng trong nước tẩy chay nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm từ Trung Quốc.

Nhập khẩu gỗ dán vào Việt Nam từ Trung Quốc tăng 37% trong quý đầu năm nay, trong khi xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Mỹ tăng 95% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ đã áp thuế 25% đối với gỗ dán do Trung Quốc sản xuất. Đây chính là lý do để Trung Quốc lẩn tránh thuế xuất khẩu sang Mỹ bằng cách thông qua thị trường Việt Nam vốn còn nhiều kẽ hở về giám sát, quản lý và quy định về xuất xứ hàng hóa. Một mức thuế tương tự của Mỹ đối với các sản phẩm gỗ dán Việt Nam có thể sẽ là thảm họa đối với lĩnh vực sản xuất này, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ trị giá khoảng 190 triệu đô la trong năm 2018.

Cũng trong tháng 11, các quan chức hải quan Việt Nam cho biết họ đã tịch thu khoảng 4,3 tỷ USD các sản phẩm nhôm sản xuất từ ​​Trung Quốc đã được chuyển đến Việt Nam và dán nhãn giả là “Made In Vietnam”.

Theo kết quả điều tra của Tổ công tác, quy định về quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng còn lỏng lẻo; việc quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of origin - C/O) chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chưa bao quát được, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa.

Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận về chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa, hoặc lợi dụng việc cấp các loại Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự C/O để gian lận. Lấy một ví dụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp Giấy chứng nhận một công đoạn gia công được thực hiện tại Việt Nam hoặc hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam, không có ý nghĩa trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam.

Trong khi đó, chưa có sự phối, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng kiểm soát, quản lý sản xuất trong nước với cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Theo News Asian, các quan chức hải quan Việt Nam cho biết họ chỉ có thể xác minh 5% trong số tất cả các tờ khai xuất nhập khẩu, có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc có thể dễ dàng được đóng gói lại với nhãn hiệu “Made in Vietnam” nhằm lẩn tránh thuế trừng phạt của Mỹ.

Một nguyên nhân khác là tình trạng lợi dụng việc một số nước nhập khẩu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Một số nước (kể cả Hoa Kỳ) cho phép nhà nhập khẩu được tự khai báo, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nên xuất hiện hành vi gian lận xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều này vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Ghi nhận nhiều nỗ lực của Chính phủ trong phòng ngừa lẩn thuế, tránh thuế, tuy nhiên phản ứng chính sách còn quá chậm

Nhiều chuyên gia và người làm chính sách đã cảnh báo nguy cơ Việt Nam bị áp thuế chống lẩn thuế, tránh thuế từ lâu, đặc biệt mạnh mẽ từ giai đoạn tiền thương chiến (cuối năm 2017). Tuy nhiên, việc lấp đầy lỗ hổng pháp lý, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc siết chặt quản lý, giám sát xuất - nhập khẩu đã không được nghiêm túc thực thi.

Cho tới nay, 2 năm sau thương chiến, Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại vẫn chưa được phê duyệt. Quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam theo đúng quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được ban hành sau thời gian dài bàn thảo. Việt Nam cũng chưa sửa đổi chế tài xử phạt mạnh hơn đối với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa được quy định và sửa đổi trong giai đoạn 2013-2015 (Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP).

Chính sách quản lý luôn lạc hậu so với sự phát triển của thực tiễn. Tuy nhiên, phản ứng chính sách quá chậm là một sai lầm lớn trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế chịu tác động mạnh nhất từ thương chiến trong cả việc hưởng lợi và thách thức. Sai lầm này không những khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội đón nhận dòng vốn FDI tốt do làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc (thay vào đó nhận vốn FDI “xấu” từ doanh nghiệp muốn lẩn thuế, tránh thuế) mà còn tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước.

Trà Nguyễn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ áp thuế khủng 456% lên thép Việt: Lỗ hổng pháp lý lớn - Phản ứng chính sách chậm