Mua bán 'thời Covid': Đơn hàng online tăng đột biến, shipper ‘chạy đơn không kịp ăn’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dịch COVID-19 khiến nhiều người thay đổi thói quen, thay vì ra hàng quán để ăn uống thì họ đặt hàng online để đảm bảo giãn cách và được người giao hàng (shipper) đem đến tận nơi.

TP. HCM: Đơn hàng online ở các siêu thị đã tăng gấp đôi, gấp 3 ngày thường

Theo báo NLĐO, hệ thống Vinmart, Vinmart+ thống kê sơ bộ lượng khách đặt hàng online tại khu vực TP. HCM đã tăng gấp đôi so với ngày thường. "Các kênh mua sắm từ ứng dụng trên điện thoại như VinID, gọi điện trực tiếp tới số điện thoại của siêu thị và trên nền tảng website vinmart.com, sàn thương mại điện tử Lazada.vn đều ghi nhận đơn hàng tăng nhanh", đại diện siêu thị VinMart cho hay. Tất cả các đơn hàng đều được giao tận cửa nhà khách hàng sau 4 giờ.

Tại hệ thống siêu thị AEON, trong 1 tuần (từ ngày 24 đến 30-5), số đơn hàng qua các kênh mua sắm khác như đi chợ hộ, mua hàng qua điện thoại, trang thương mại điện tử AEONEshop, mua hàng qua ứng dụng AEON App/ Grabmart/ Now tăng mạnh, chủ yếu tại khu vực phía Nam.

"Cụ thể trong ngày 30-5, chỉ riêng ứng dụng Grabmart, lượng đơn hàng tăng đột biến, gần gấp đôi so với các ngày trước đó. Còn tính chung trong tháng 5, tổng số đơn hàng online tăng gấp 4-5 lần so với tháng 4; giá trị trung bình từng giỏ hàng cũng tăng mạnh. Riêng đối với đơn hàng qua Grabmart ghi nhận số lượng đơn hàng tăng gấp đôi, doanh thu tăng gấp 3", đại diện AEON Việt Nam cho biết.

Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food cũng bắt đầu nhận đơn đặt hàng qua điện thoại tăng trở lại từ chiều tối 30-5 đến nay và đã tăng cường đội ngũ nhân viên giao hàng trong nội bộ lẫn thuê ngoài để giao hàng nhanh nhất có thể cho khách.

Đến nay, ở TP HCM, các hệ thống siêu thị ghi nhận nhu cầu tiêu dùng đang tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm hằng ngày, thực phẩm/sản phẩm bảo vệ sức khỏe, đồ dùng vệ sinh. Đặc biệt, tại những khu vực xuất hiện ca nhiễm mới, ngay thời điểm bắt đầu thực hiện phong tỏa thì sức mua các mặt hàng này tăng cao.

Hà Nội: Shipper ‘chạy hết tốc lực’

Trao đổi với trang VOV, anh Trần Đức Hùng, chủ cửa hàng bánh kẹo, sữa tại Đội Cấn, Hà Nội cho biết, từ gần 1 tháng nay, anh không khỏi lo lắng khi thấy lượng khách đến cửa hàng giảm sút nghiêm trọng, bởi dịch bệnh đã khiến nhiều người dân lo ngại khi đến những điểm đông người nên doanh thu bán hàng trực tiếp tại cửa hàng giảm hơn 50%.

Tuy nhiên, để bù lại lượng khách này, anh Hùng đã đẩy mạnh hơn kênh bán hàng online, giới thiệu sản phẩm qua Zalo, Facebook và khuyến khích khách hàng thanh toán online bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá. “Nhờ đó, doanh thu cửa hàng cũng cải thiện hơn, tổng lượng hàng bán ra tăng thêm được khoảng 30% so với khi không thực hiện mua bán online”, anh Hùng cho biết.

Tương tự, chị Bùi Thu Huyền, chủ cửa hàng thiết bị vệ sinh ở phố Cát Linh, Hà Nội cũng cho biết: “Mấy ngày nay, tôi nhận các đơn đặt hàng qua mạng khá nhiều, trung bình 10-20 đơn/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi Hà Nội có thêm các ca dịch mới”.

Nắm bắt tâm lý khách hàng cần hạn chế ra ngoài mua sắm, và để hỗ trợ cho khách mua hàng, chị Huyền cho biết đã nhập thêm nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đồng thời không tăng giá và hỗ trợ phần chi phí vận chuyển cho khách (tùy vào khoảng cách).

Không chỉ các cửa hàng đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm có số đơn hàng đặt online có số lượng đơn hàng tăng vọt, mà ngay tại các hàng ăn có tiếng của Hà Nội, số lượng “đơn ship” thông qua các ứng dụng Grab, Foody, Aha... cũng tăng lên trông thấy.

Chị Bùi Hằng Trang, nhân viên Ngân hàng Techcombank, cho biết bình thường, chị đã phải sử dụng dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn rất nhiều. Những ngày dịch COVID-19 xảy ra, chị sử dụng dịch vụ giao hàng càng nhiều hơn.

Chị Nguyễn Tuyết Mai, một nhân viên văn phòng sống độc thân và thỉnh thoảng mới nấu ăn tại nhà, mỗi tuần có ít nhất 3-5 lần đặt đồ ăn qua các ứng dụng như grab, Now hay Go-Viet. Đó là chưa kể những lần giao đồ đạc, hàng hóa, chuyển tài liệu… cho các đối tác theo yêu cầu công việc.

Có thể nói, ngành dịch vụ giao hàng đã góp phần thực hiện hữu hiệu việc giãn cách xã hội. Hơn nữa, việc thực hiện giao hàng cũng giúp tiết giảm lượt người và phương tiện ra đường tham gia giao thông.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ Nguyên Anh – doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ giao nhận hàng hóa – cho biết những ngày vừa qua, lượng đơn hàng từ các quán ăn, nhà hàng đã tăng rất mạnh, các shipper đồ ăn, uống làm không hết việc.

sinh viên việt nam
Do nhiều trường Đại học tại Hà Nội vẫn tiếp tục cho sinh viên nghỉ học nên số lượng shipper (người đưa hàng) dịp này bị giảm mạnh. Điều này khiến cho lực lượng shipper tại Hà Nội lúc này luôn ở trong tình trạng quá tải, bởi đơn hàng nhiều mà shipper thì ít. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP via Getty Images)

Chị Phạm Thị Dung, shipper trên ứng dụng Grab chia sẻ, từ đầu tháng Năm đến nay, hoạt động giao hàng nhất là đồ ăn, uống tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi Hà Nội có thêm các ca dịch mới.

“Trung bình 1 ngày tôi chạy khoảng từ 25-30 đơn hàng; tiền công vận chuyển 1 đơn hàng từ 20.000- 25.000 đồng giúp tôi có thu nhập khoảng từ 500.000-600.000 đồng/ngày,” chị Dung chia sẻ.

Thu nhập của các shipper cộng tác với Grab phụ thuộc vào từng chuyến đi. Grab tính trên quãng đường di chuyển, đơn hàng online sẽ có mức tính là 7.000 đồng/km và phải trả chi phí cho Grab là 20%, phần còn lại là thu nhập của shipper.

Trong khi đó, do nhiều trường Đại học tại Hà Nội vẫn tiếp tục cho sinh viên nghỉ học nên số lượng shipper (người đưa hàng) dịp này bị giảm mạnh. Điều này khiến cho lực lượng shipper tại Hà Nội lúc này luôn ở trong tình trạng quá tải, bởi đơn hàng nhiều mà shipper thì ít.

Shipper bây giờ thích khách "chạm" hơn "đếm"

Theo trang TTO, nhiều shipper cho biết tác động của dịch COVID-19 khiến khách hàng gia tăng thanh toán bằng ví điện tử nhiều hơn tiền mặt vì lo ngại việc tiếp xúc. Ngoài ra, việc thanh toán online cũng được nhiều shipper ưa thích vì giảm thiểu tình trạng "bom hàng"...

“Nghề shipper này là phải tranh thủ chạy xe giao hàng càng nhanh càng tốt. Chốt với khách là phải đi dù nắng hay mưa. Làm shipper một năm nay tôi cũng nếm trải nhiều lần nhớ đời như mất hàng, bom hàng, khách không có tiền trả”, shipper Nguyễn Văn Hải cho biết.

Anh kể vào thời điểm dịch COVID-19, ai cũng nghĩ rằng shipper "trúng mánh" khi nhu cầu giao nhận hàng tăng đột biến, nhưng đâu biết phía sau đó nhiều nỗi lo. Công việc mỗi ngày giáp mặt hàng chục khách hàng, nỗi lo căng thẳng khi có thể mang mầm bệnh dịch về nhà cho vợ con.

Điều khiến cánh shipper lo lắng không chỉ khi tiếp xúc với khách mà còn ngại về khoản đếm tiền. "Cứ mỗi lần lấy tiền thối cho khách hoặc đếm tiền trong thời điểm dịch, tôi lo ghê lắm. Đếm xong lại rửa tay, vẫn cứ thấp thỏm" - anh Hải nói.

Shipper này chia sẻ để được nhận hàng anh phải ứng trước cho chủ hàng số tiền có giá trị tương đương, rủi ro bị khách hàng "bỏ bom" là có thật.

Nhiều shipper của Now, Foody, Baemin cho biết nhiều khách hàng cũng chọn phương thức thanh toán thông qua ví điện tử để hạn chế tiếp xúc.

Khi thanh toán qua thẻ, ít nhất khách cũng được định danh rõ ràng nên an tâm, thoải mái nhận đơn và giao hàng.

"Có đơn hàng chỉ 120.000 đồng, khách đưa 500.000 đồng mà không có tiền thối. Thế là phải tốn thời gian chạy đi đổi. Giờ khách thanh toán online, tới giao hàng khỏe re, không phải lôi tiền ra vô phiền phức" - một shipper tên Long cho biết.

Nghiên cứu thay đổi thói quen hành vi người tiêu dùng trong dịch COVID-19 của Grab cũng cho thấy xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.

Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân - giám đốc điều hành Grab Việt Nam, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab trong tháng 3-2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước. Ước tính trong dịch COVID-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%.

Tại hệ thống Saigon Co.op trong các thời điểm ngân hàng, nhà phát hành thẻ có chương trình hoàn tiền, giảm giá lớn cho đơn hàng thanh toán thẻ… thì tỉ lệ người dùng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh, có thời điểm lên đến 10% doanh số, một con số lớn so với mức bình quân. Tuy nhiên, khi chương trình khuyến mãi ngưng thì thói quen sử dụng tiền mặt mua hàng lại về mức cũ.

Qua tìm hiểu một số kênh thông tin, mặc dù hiện tại các hãng giao nhận hàng hóa vẫn chưa có động thái tăng giá dịch vụ khi nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng đột biến như hiện nay, rất nhiều khả năng các hãng vận chuyển sẽ tăng giá dịch vụ trong thời gian ngắn nhất. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi mức giá dịch vụ tăng sẽ hấp dẫn và thu hút đông đảo hơn lực lượng giao hàng, qua đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhanh nhất.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Mua bán 'thời Covid': Đơn hàng online tăng đột biến, shipper ‘chạy đơn không kịp ăn’