Một số vấn đề của nền kinh tế Việt Nam theo phân tích của Bloomberg

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia Bloomberg cho rằng dù Việt Nam là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng trên thực tế nền kinh tế Việt chỉ tốt đẹp trên báo cáo…

Phân tích bất cân đối vĩ mô phản ánh trên thị trường chứng khoán, Bloomberg cho rằng nền kinh tế Việt không có lợi nhuận

Một lực lượng lao động trẻ, một sự bùng nổ bất động sản, một quốc gia ổn định về mặt chính trị, có thể gặt hái được sự giàu có nhờ xuất khẩu và mối quan hệ thân thiện với Mỹ - nhiều người đang so sánh Việt Nam hiện nay với Trung Quốc hơn hai thập kỷ trước. Thêm một đặc điểm nữa cho tổ hợp này khi chúng ta bước vào những năm 2020: một sự thịnh vượng không có lợi nhuận.

Việt Nam luôn đứng đầu bảng các nền kinh tế được hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ - Trung. Trên thực tế, Việt Nam hiện trở thành địa điểm sáng giá khi các công ty muốn chuyển dịch hoạt động khỏi Trung Quốc. Alphabet Inc. của Google đang chuyển dời nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Pixel của họ, trong khi Công ty Điện tử Samsung đã đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh cuối cùng của mình tại Trung Quốc. Ngay cả các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như Goertek Inc., nhà cung cấp tai nghe AirPods nổi tiếng của Apple, cũng đang dịch chuyển. Giờ đang là thời điểm vàng đối với Việt Nam trong thế giới công nghệ. Đất nước cũng ghi nhận mức tăng trưởng dưới 7% tổng sản phẩm quốc nội, thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp này không được phản ánh trong thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán Hồ Chí Minh chuẩn chỉ tăng 7,3% từ đầu năm đến nay, tụt hậu so với mức tăng 32% của chỉ số Shanghai Shenzhen CSI 300 Index tại Trung Quốc đại lục. Trong khi các thị trường mới nổi chứng kiến “Santa rally” (hiện tượng giá tăng trên thị trường chứng khoán một cách liên tục vào tuần cuối cùng của tháng 12 cho tới hai ngày giao dịch đầu tiên của tháng 1 năm sau) vào tháng cuối năm, thì chứng khoán Việt Nam lại đi theo một hướng khác.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động kém hiệu quả

Tăng trưởng của thị trường chứng khoán không đến từ khu vực kinh tế thực

Các quỹ hoán đổi danh mục ETF đang trở thành nguồn vốn nước ngoài chủ yếu, với các quỹ theo dõi chỉ số chuẩn chiếm 44% tổng lưu lượng thị trường trong năm 2019.

Tuy nhiên, các quỹ ETF không thực sự hiệu quả, rổ đầu tư và mức sinh lời không tương xứng với sự năng động của dòng vốn đầu tư trực tiếp của khu vực sản xuất. Hiển nhiên, cổ phiếu giá trị không đến từ khu vực sản xuất. Thay vào đó, thị trường bị chi phối bởi các ngân hàng, và một nhà phát triển bất động sản duy nhất, Vingroup JSC. Trong khi Vingroup đang dần thâm nhập vào ngành sản xuất ô tô và điện thoại thông minh, thì hoạt động kinh doanh chính mang lại nhiều lợi nhuận nhất vẫn là bất động sản.

Chỉ số chứng khoán của Việt Nam bị chi phối bởi các ngân hàng và một nhà phát triển bất động sản duy nhất, Vingroup.

Khu vực ngân hàng thương mại sinh lời mạnh nhưng rủi ro khá lớn trong khi bất động sản (BĐS) bắt đầu có dấu hiệu suy giảm

Bloomberg chỉ ra rằng chỉ số chứng khoán của Việt Nam bị chi phối bởi các ngân hàng và một nhà phát triển bất động sản duy nhất, Vingroup.

Với lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu ở mức 15%, thì dù xét theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, các ngân hàng tại Việt Nam vẫn là một nhóm đáng ngưỡng mộ. Nhưng các khoản vay ngân hàng đã vượt quá mức GDP của quốc gia, ở mức cao đối với một quốc gia chỉ kiếm được khoảng 2.500 đô la trên đầu người. Vì vậy, các ngân hàng cần tăng vốn để đệm chống lại nợ xấu trong tương lai. Khoảng một nửa số ngân hàng địa phương không thể đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%, Fitch Ratings đã cảnh báo.

Việc huy động vốn là khó khăn ngay cả khi người nước ngoài muốn mua, bởi vì chính phủ áp đặt giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt ở mức 30% đối với các ngân hàng của mình. Nếu không nâng giới hạn, thì chỉ có hai kết quả cho lĩnh vực này: Hoặc là theo Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ, hoặc là giảm quy mô cho vay doanh nghiệp. Cả hai đều không phải là tin tốt cho các nhà đầu tư.

Vingroup và các công ty con, chiếm gần 15% chỉ số, cũng có nhiều vấn đề. Đất đai đang trở nên khan hiếm - rất khó tìm được những mảnh đất lớn ở các siêu đô thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, chính phủ đã chậm phê duyệt các dự án mới, làm giảm tiềm năng tăng trưởng cho các nhà phát triển bất động sản.

Rất khó khăn để tìm được các lô đất lớn, gây chậm trễ các dự án bất động sản.

Các chuyên gia của Bloomberg cho rằng Việt Nam thực sự đang trở thành Trung Quốc tiếp theo, gieo hạt giống của một thị trường chứng khoán không lành mạnh bị chi phối bởi các ngân hàng nợ nần và không có cổ phiếu công nghệ kinh tế mới. Trong khi đất nước không thiếu người hâm mộ, nền kinh tế chắc chắn sẽ chậm lại. Khi thời điểm đó đến, các ngân hàng sẽ cần nhiều vốn hơn và các công ty khởi nghiệp sẽ muốn bắt đầu phát hành cổ phiếu.

Đến lúc đó, sẽ không ai quan tâm đến một hệ thống hư hỏng - Trung Quốc biết rất rõ điều này. Vì vậy, trước khi những nhà đầu tư nước ngoài mất hết hứng thú, giờ chính là lúc Việt Nam nên gỡ bỏ các chính sách bảo hộ và mở cửa nền kinh tế một cách thực sự.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Một số vấn đề của nền kinh tế Việt Nam theo phân tích của Bloomberg