Một số NHTW đã phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ để phòng ngừa lạm phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạm phát quay trở lại khắp toàn cầu, nơi nhiều nơi ít, nhưng đều tăng nhanh so với kỳ vọng, đặc biệt ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc... Dù Fed hay ECB chưa có tín hiệu nào thay đổi chính sách lãi suất hay nới lỏng định lượng nhưng một số NHTW đã phản ứng chính sách sớm hơn, tăng lãi suất hoặc phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ để phòng ngừa lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm phần trăm lên 6,5% trong cuộc họp tháng Bảy với lý do kỳ vọng lạm phát đang tăng cao. Nếu không sớm kiểm soát rủi ro từ tiền tệ có thể khiến lạm phát tại Nga trệch hướng, tăng cao hơn lạm phát mục tiêu 4% trong dài hạn.

Ngân hàng trung ương của Nga cũng lưu ý rằng nền kinh tế Nga đã phục hồi về ngưỡng bình thường của nền kinh tế trước đại dịch vào quý 2/2021.

Các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ xem xét sự cần thiết của việc có nên tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong kỳ họp tới hay không. Theo dự báo mới nhất của ngân hàng trung ương Nga, lạm phát hàng năm sẽ đạt 5,7-6,2% vào năm 2021, trước khi chậm lại 4,0-4,5% vào năm 2022 và có thể về gần mức mục tiêu 4% sau đó.

Lãi suất cơ bản của NHTW Nga đã tăng trở lại mức trước đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 (nguồn: Trading Economics)

Lãi suất cơ bản của NHTW Nga đã tăng trở lại mức trước đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 (nguồn: Trading Economics)

Nga là nền kinh tế có ngành sản xuất dầu mỏ và công nghiệp nặng chiếm tỷ trọng lớn. Đây đều là những ngành có chi phí đầu vào tăng cao, gồm giá nguyên, nhiên vật liệu, kim loại, hóa chất phục vụ sản xuất công nghiệp. Đây có thể là lý do khiến lạm phát của Nga tăng cao hơn và sớm hơn các nền kinh tế khác.

Tại Châu Á, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên phát đi dấu hiệu sẽ cân nhắc thắt chặt nới lỏng tiền tệ và có thể sẽ không tiếp tục giữ mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục như hiện nay là 0,5%.

Tuyên bố của NHTW Hàn Quốc về việc sẽ xem xét tăng lãi suất điều hành trong kỳ họp tới dựa trên khả năng phục hồi của nền kinh tế và diễn biến lạm phát trong nước. Các nhà kinh tế đều tin rằng Hàn Quốc sẽ là nền kinh tế đầu tiên ở Châu Á tiên phong tăng lãi suất, có thể mở đầu cho một xu hướng tăng lãi suất - vốn không thể tránh khỏi - của các nền kinh tế trong khu vực (theo Reuters).

Ngược lại với hầu hết các NHTW đang buộc phải cân nhắc việc tăng lãi suất hoặc sử dụng các biện pháp giảm mở rộng cung tiền, NHTW Trung Quốc thậm chí đã phải cắt giảm 50 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các NHTM của nước này, cung một lượng tiền lớn ra nền kinh tế. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lạm phát giá nhà sản xuất tăng cao, giá cả lương thực tăng thách thức lạm phát trong nước là do NHTW Trung Quốc buộc phải cứu trợ thanh khoản cho các NHTM đang có vấn đề với nợ xấu, đáo nợ các khoản vay trung và dài hạn.

Ngoài Trung Quốc, NHTW của Vương quốc Anh thậm chí cân nhắc áp dụng mức lãi suất âm nếu sức phục hồi của nền kinh tế tiếp tục bị đe dọa bởi biến thể Delta và không đạt kỳ vọng.

Thanh Đoàn

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Một số NHTW đã phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ để phòng ngừa lạm phát